Những khoảnh khắc Nguyễn Việt Chiến

Những khoảnh khắc Nguyễn Việt Chiến
TP - Chiến là người làm thơ lãng mạn, sống cũng lãng mạn và đa tình. Thô mộc, khi cần thể hiện sự bực mình cũng bỗ bã, có lúc thô tục chẳng kém ai, cứ oang oang giữa toà soạn bắt tất cả mọi người phải nghe, kể cả sếp. Người có thiên lương như anh, dù qua mọi thăng trầm vẫn đứng vững và vượt qua.
Những khoảnh khắc Nguyễn Việt Chiến ảnh 1
Trong một lần đi tác nghiệp báo chí

Cơn mưa kết xuân đón hạ ập trên Hội trường Ba Đình vừa lúc dừng lễ kỷ niệm 50 thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Trước mưa, các văn nhân chỉ biết lượn quanh sảnh chờ giờ G từ phía nhà ăn hoặc níu nhau ký tặng sách, chụp ảnh.

Và tôi cũng chẳng ngoại lệ.

Trần Nhương đứng giữa Lê Đạt và Nguyễn Việt Chiến, quay phải quay trái giơ cao máy ảnh kiếm thêm người thứ tư. Tôi đứng gần nên nhận được lời mời ngẫu nhiên. Nhoáng nhoàng chuỗi bấm tạch tạch nhờ tay máy Nguyễn Đình Toán. Oách. Bốn nhà văn, bốn thế hệ đứng trong mưa xiên thưa, trên bậc đá hoa cương nghiêm lạnh, đỡ lưng là mặt tiền toà Hội trường Ba Đình ướt đầm…

Liên kết bốn người vụt tan mảnh. Trần Nhương “ring” Lê Đạt đi như hiện vật triển lãm. Trống trơn. Nguyễn Việt Chiến ngơ ngác nhìn ra khoảng trống xanh của những ô cỏ, rồi quay lại nhìn tôi như dò hỏi, tò mò một cách ể oải nhưng ấm áp. Rám nắng, hoa râm đan cài như mộng mạ nơi chân tóc, áo kẻ dài tay gam xanh sẫm, quần ka-ki hạt dẻ, nửa gấu sau bị gót đôi giày khô khát như hai chiếc bánh mỳ mốc nhai rách. Bờ vai xuôi trĩu xuống vì sức nặng nào đấy. Một gánh mơ hồ nhưng tôi cảm nhận được nó lấp ló trong ánh mắt, lúc trầm âm u, lúc sáng quyết liệt.

Dưới rã rời mưa thưa cuối cơn, không hiểu sao trong lúc đưa chân chạy trời, tôi chợt thấy hiện lên trong trí nhớ câu thơ của Nguyễn Việt Chiến: ”Ta học mùa xuân cách tặng hoa”. Một câu thơ truyền thống, giản dị kiểu khẩu ngữ trịnh trọng mà vẫn sang kiểu cách. Nó như tự thú, như châm ngôn ứng xử và tổng kết kinh nghiệm. Đọc thầm cũng thú, mà đọc to trước đám đông cũng không hư hao phong vị.

Quay lại nhìn tôi lạ lẫm, nhà thơ không nghĩ tôi thuộc thơ mình chăng.

Nguyễn Việt Chiến là nhà thơ đặt được dấu ấn riêng đặc sắc trong mỗi thể loại thơ truyền thống lẫn cách tân. Là một trong những nhà thơ tiên phong đặt dấu mốc đổi mới thơ thuộc thế sau 1975. Và nhà thơ tự nhận về mình trách nhiệm luận bàn về điều đó một cách nghiêm cẩn...

Những sáng tác của Nguyễn Việt Chiến minh chứng sự chuyển từ cách cảm hướng tới nội dung chuyển đổi dựa trên cấu tứ vững chắc của truyền thống và phép “làm chữ” tinh tế, khiến cho nội dung và hình thức hữu cơ nhuần nhị, khiến cho người đọc bị mê dụ bởi sự chân tự hồn thơ nên quên mất vết nhọc nhằn của lao động trên từng số phận chữ. Cứ y như là nhà thơ đã quờ tay nhặt được đâu đó những câu thơ có sẵn. Những bài thơ, câu thơ, ít chữ, đẫy ắp lung linh hình ảnh riêng một thứ ánh sáng đẫm tình thi nhân…

…Rồi thì hai anh em cũng chạy đến khoảng hiên trống,  một góc khuất của nhà ăn giữa tàng cây trĩu mọng nước. Vuốt mặt. Một khóm hồng không hiểu sao lại được trồng ngay dưới luồng nước xiết của ống thoát nước xả thẳng vào bồn hoa. Gốc hồng mới đốn phạt đầu đông, mùa xuân đã kịp chồi nhánh. Những bông những nụ hãy còn ngã rạp chưa kịp hồi thân…

Nguyễn Việt Chiến ngu ngơ niềm tin chân thành trong hình sắc lam lũ, mướt mải, căng thẳng của nhà báo chuyên “kéo rèm” rọi sáng những khoảng tối; song hành với một tâm hồn giàu phẩm chất thi sỹ. Nhạy cảm và cực đoan hoà quyện. Nóng và lạnh. Lý đấy đến cùng, tình chỉ biết buông tay. Và câu chuyện về thơ lại tiếp sau chút chen ngang tác nghiệp báo chí. Khi thơ lên tiếng, dường như con người nhà báo trong Chiến biến mất. Dường như anh làm báo là để thể hiện lẽ sống. Còn thơ ca, ấy là tình yêu thường trực, là linh hồn vượt bay trên bầu trời xứ Đoài cội rễ để nâng đỡ bao nỗi nhọc nhằn, hiểm nguy của lẽ sống ấy.

Câu thơ vô tình tôi đọc chỉ để tăng thêm tình thân, đã động đến miền thiêng trong Nguyễn Việt Chiến, đấy là chốn Thi ca ngự trị. Cánh cửa vụt mở giữa khu vườn cây cao bóng cả Ba Đình. Anh nói và nói. Độc thoại. Tôi hưởng ứng bằng những âm tiết không định dạng. Chính xác thì chỉ có Nguyễn Việt Chiến nói về những khơi gợi cảm xúc mới của người yêu thơ mới. Về không gian nghệ thuật độc lập tương đối nào đấy của những nhà thơ có cách tân tìm hướng cho thơ bắt đầu từ dấu mốc 1975.

Tôi đã từng chứng kiến vô số các nhà thơ đọc thơ, và nói về thơ, nhưng chưa thấy mấy ai lại hoan cuồng như Nguyễn Việt Chiến.

Cuối năm này khi sự nghiệp báo chí của anh gặp lúc cam go, ngoặt gấp thì tôi hay những điều anh nói trong khu vườn mưa Ba Đình chính là những điều anh gửi gắm trong tập sách “Thơ Việt Nam - Tìm tòi & Cách tân 1975-2005” (NXB Hội Nhà văn, tháng 12.2007). Cũng lạ, ngay cả thời điểm nóng bỏng ấy, mà Nguyễn Việt Chiến vẫn dồn tinh lực cho Thơ.

Những khoảnh khắc Nguyễn Việt Chiến ảnh 2
Tại ngày thơ Việt Nam 2009

Tôi vẫn nhớ mưa rớt trong khu vườn nghiêm. Bỗng thinh lặng chen ngang như là nhà thơ hụt giọng. Tôi quay sang, thì bắt gặp ánh mắt anh hoang mang, lạc sắc nhìn đăm đăm vào khóm hoa hồng tơi tả dưới cửa ống thoát nước mưa. Như là sự trầm cảm nào đang níu kéo anh.

- Thân phận của thi ca cũng giống như khóm hoa tơi tả kia. Vì thơ ca mong manh như nhan sắc vậy, nó chỉ có mỗi sức mạnh duy nhất là thể hiện được niềm vui và nỗi buồn của hồn người. Chính vì lẽ ấy, Thơ mãi là niềm cao vọng của con người…

Bữa ăn trưa giữa những bạn văn Bắc - Trung - Nam hôm ấy nồng những chuyện buồn, vui nửa thế kỷ của Hội Nhà văn, Nguyễn Việt Chiến nhai, nuốt ngắc ngứ giữa những cú điện thoại và những thìa nước canh. Chưa kể phải đáp lời vô số người xán đến kéo nhà thơ riêng ra góc, với thế nào, đến đâu rồi, liệu có thế nào không? Nhà thơ yên lặng, gật gật. Và đứng dậy từ biệt bạn bè trong tiếng chuông điện thoại.

Đường Bắc Sơn mưa bỗng nhiên nặng hạt. Mặt trời đâu đó vẫn trên cao. Những khóm đào nở muộn, xòe hết cánh nhưng long lanh nao lên chấm đỏ. Ô tô nối nhau lặng lẽ. Tôi cầm tấm danh thiếp với địa chỉ email ghi bằng bút bi, vừa nhận từ nhà thơ. Một hẹn trao đổi thêm về thơ.

Nguyễn Việt Chiến khòm lưng đẩy chiếc xe máy hằn những thương tích. Giỏ hàng bẹp rúm. Đèn xi-nhan bốn phía vỡ. Thứ bùn phát sinh từ bụi lưu cữu tứ phương trên mặt đường Hà Nội mỗi khi mưa xuống đen như hắc ín bám dính tất cả vào những chi tiết có thể. Chiếc mũ bảo hiểm dành cho các tay xe đua chuyên nghiệp có vẻ nặng như nhồi bê-tông, nồng mùi mồ hôi lưu cữu cũng bong sơn, sứt sẹo, buồn rầu, lầm lì một vẻ như chiếc xe máy. Nhà thơ đăm chiêu rồi cũng phải chụp chiếc mũ lên mớ tóc rối bời, che kín khuôn mặt phai bạc.

Lại một hồi chuông điện thoại hối hả….bóng nhà thơ loang chìm giữa đại lộ Hùng Vương.

Email tôi gửi đi cho Nguyễn Việt Chiến không có hồi âm.

Những bài thơ vẫn còn nằm trên mạng. Thay vào đó là tâm trạng phấp phỏng, lo âu khi tôi đọc những phóng sự điều tra dài kỳ trên báo Thanh Niên. Những bài thơ lẻ viết vội đầy dự cảm vẫn xuất hiện ở đây đó ”…Ta không còn đủ thời gian để sửa chữa một lỗi lầm trước mẹ/ta cũng không đủ sức bắt thời gian quay ngược lại/ cái ngày đầu tiên mẹ sinh ra ta trên thế gian này.

…...nước xóa trôi mọi ưu phiền bụi bặm ở trong ta/nước xoa dịu những thương tích nhọc nhằn ở trong ta/ những vết bẩn trên mặt ta/  nước lau rửa hết/ thời gian là dòng chảy đầu tiên/cũng là dòng sông cuối cùng con người đến tắm lúc trở về với mẹ…”.

Đi qua những ngày khó khăn

Giữa Quốc Tử Giám, ngày Thơ Việt Nam 2009, Nguyễn Việt Chiến trên thảm đỏ lại thống thiết đọc thơ ngợi ca Tổ quốc và con người, trong rưng rưng nỗi niềm… Sau đông giá trải nghiệm cuộc đời là mùa xuân tươi mới, phải chăng nhà thơ trang nghiêm đứng kia cũng đang là “Ta học mùa xuân cách tặng hoa”...

Tôi ở Phú Thọ, khoảng cách Việt Trì - Hà Nội không xa nhưng cũng chẳng gần cho chuyện thơ phiếm. Những bài thơ vẫn còn bỏ dở giữa tôi và Nguyễn Việt Chiến từ một hai năm trước ở sảnh toà nhà Hội trường Ba Đình cũ hôm mưa tàn xuân.

Rồi tình cờ trong bữa giỗ tưởng nhớ một nhà thơ xứ Đoài, tôi gặp Nguyễn Việt Chiến. Cái nắm tay thật chặt, tôi nâng lên chén rượu vốn rót ra để nhớ một nhà thơ ra đi phút chốc lại thành mừng thêm một nhà thơ trở về.

- Chùm thơ ngày ấy, ông gửi tôi quá dài… quá dài với báo Thanh Niên, không in được.

Nguyễn Việt Chiến, cụng ly. Rắn rỏi, nâu sẫm, ánh mắt nhìn thẳng hồn hậu. Ngửa cổ cạn một hơi.

Trích dẫn Nguyễn Việt Chiến trò chuyện với Nguyễn Hữu Hồng Minh: “Với mong muốn để tự thân cái mới trong thơ có thể tạo ra một không gian thẩm mỹ để độc giả làm quen với những xu hướng cách tân, để góp phần tạo ra một thói quen mới, một cách đọc mới nhằm nâng cao tính thưởng ngoạn chủ động của người đọc. Có một điều, thơ mới khó đọc hơn thơ cũ, không chỉ vì năng lượng tư tưởng của thơ cách tân có nhiều dạng thức mới, mà còn bởi sự chối bỏ vần điệu của thơ tự do khiến cho nhiều độc giả quen thưởng thức thơ có vần điệu thấy khó vào, khó hiểu...”.   

Buổi chiều ấy, sau khi lang thang mót thêm cuộc rượu chờ của mấy người bạn, tôi đành phiền Nguyễn Việt Chiến đưa vòng lên bãi đỗ xe phía Hồ Tây. Nhà thơ phơi phới vê ga, nhấn tay cương con ngựa chứng hết thời nhan sắc, tha tôi ngật ngưỡng sau lưng. Chiếc mũ bảo hiểm dành cho các tay đua chuyên nghiệp, thì nhường cho tôi, hôi như mũ trùm Sò. Nhà thơ kiếm chiếc mũ bảo hiểm của con trẻ, ép cố cũng che được lưng đầu.

Tất bật như chàng trai 15 và điềm tĩnh như sư trụ trì. Ừm hừm. Nguyễn Việt Chiến là thế nào nhỉ. Nhìn tấm lưng áo đẫm mồ của nhà thơ tôi đặt câu và lẩn mẩn hình dung.

Trầm tích văn hóa gốc không gian Bắc Bộ, kết tinh phố thị và quê làng cổ, mà điểm nhấn là Hà Nội và xứ Đoài cật ruột lúc nào cũng phảng phất niềm đau hư thực, hạnh phúc mờ nhoà cõi người, cõi Phật trong giọng trầm Nguyễn Việt Chiến. Một giọng thơ mà đọc bất kỳ lúc nào cũng không có cảm giác cũ mà cũng không gai gợn cách tân. Nhà thơ của những cảm giác về hình ảnh để gọi ra câu chữ về phận người, dù hạnh phúc hay đau khổ vẫn sang trọng một cách Nguyễn Việt Chiến, chứ không phải nhà thơ nhăm nhăm đi tìm câu chữ:

Thành phố cũ như một con tàu đắm/ nằm mơ dưới sao trời và nghịch lý của rong rêu...

Đường Bắc Sơn nhạt nắng. Tiếng động cơ ngập ngừng. Chúng tôi dừng lại tìm dấu tích bậc thềm. Bức ảnh trong máy Trần Nhương nhờ Nguyễn Đình Toán chụp hôm ấy có được in hình? Lê Đạt đã thành bậc tiền hiền của Hội Nhà văn. Hội trường Ba Đình làm phông nền cho bốn người trong mưa hôm nào giờ là khoảng trống hàng rào vây quanh đang chờ mọc lên toà Quốc hội mới. Nhà thơ nhìn ngơ ngác:

- Kỷ niệm lần thứ 55 năm hoặc 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam, không biết có  được tổ chức long trọng ở Hội trường Ba Đình mới không nhỉ.

Tôi vẫn đang mải tưởng đến hình ảnh Trần Nhương níu Lê Đạt. Nhà thơ già cười hết cỡ, hở cả chiếc răng cửa sứt. Nhà thơ trẻ (so với Lê Đạt) Nguyễn Việt Chiến thì tay đưa ra trước, nhìn thẳng với tất cả sắc thái trang nghiêm lẫn dịu dàng…

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.