Những linh tự hồi sinh

Hải Trung viết thư pháp trong Đại Nội. Ảnh: Quý Mẫn.
Hải Trung viết thư pháp trong Đại Nội. Ảnh: Quý Mẫn.
TP - Tôi ấn tượng mãi hình ảnh một Hải Trung áo dài khăn đóng sáng mồng một Tết ở Đại Nội “bày mực tàu giấy đỏ” ngồi viết thư pháp khai bút đầu xuân. Khách tham quan vây quanh xin chữ, người hào phóng lì xì cũng khá xôm...

“Ông đồ” với tên đầy đủ Nguyễn Phước Hải Trung từng nói về thư pháp: “Chữ Hán là loại chữ tượng hình, vốn nó đã đẹp sẵn. Người sử dụng nó chỉ làm một việc đơn giản còn lại là phát huy cái đẹp của nó phù hợp với những hình thức mà mình lựa chọn. Tham vọng để vươn tới cái đẹp của con người là vô tận. Điều quan trọng là được đồng cảm và sẻ chia…”.

Tôi ấn tượng mãi hình ảnh một Hải Trung áo dài khăn đóng sáng mồng một Tết ở Đại Nội “bày mực tàu giấy đỏ” ngồi viết thư pháp khai bút đầu xuân. Khách tham quan vây quanh xin chữ, người hào phóng lì xì cũng khá xôm, Hải Trung lấy đó mừng tuổi lại cho các nhân viên đang điều khiển tổ chức các trò chơi cung đình.

Chuyện về Hải Trung nên bắt đầu từ đâu nhỉ. Một Hải Trung thơ; một Hải Trung nghiên cứu văn hóa Huế; một Hải Trung viết kịch bản cho nhiều lễ hội lớn tại các dịp Festival Huế; một Hải Trung quản lý nhà nước, hiện tại với chức Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế; một Hải Trung dịch thơ chữ Hán. Tuyển tập bề thế 700 năm thơ Huế, phần Hán Nôm, Hải Trung biên soạn 68 tác giả thơ Trung đại với 102 tác phẩm được dịch và chú thích. Nếu tách riêng phần này ra, đây là một công trình đáng nể. Chợt nhớ đến bài thơ Nguyên Tiêu của Hồ Chủ tịch, Hải Trung vẫn mạnh dạn dịch lại, câu cuối: “Đêm dát canh khuya lóa ánh thuyền”. Chữ lóa tạo nên ấn tượng thị giác mạnh mẽ làm sáng lên cả bài thơ. 

Rồi một Hải Trung chuyên làm bìa sách miễn phí cho anh em văn nghệ sĩ. Trên bìa, chữ Hán được Hải Trung cách điệu, lắp ghép khi ẩn khi hiện, tạo nên những biểu cảm sống động. 2009, sau mười năm anh mới in tập thơ thứ 2, Vị mặn hồi sinh. Bìa là sự hội tụ của những linh tự hiểu theo nghĩa đen được làm mờ như phủ một lớp sương mỏng, cho phép người ta có thể hiểu ngược lại ấy là sự hồi sinh của con chữ. Trên tuyển tập làm cho cha mình là cố nhà thơ Hải Bằng, cũng có chữ Bằng, nghĩa Hán là chim báo bão.

Vào những dịp Xuân, trong các triển lãm tranh, Hải Trung cũng từng góp mặt bức vẽ từ chính chữ của con giáp năm đó. Ví như chữ Thị (lẽ phải) viết theo kiểu chữ triện ngược nhau, trở thành bức tranh chữ khá độc đáo, sống động; một nhà thơ xứ Huế đã nhờ luôn tác giả làm bìa cho tập thơ của mình.

Hải Trung là kẻ sáng tạo thơ, yêu thơ nên lúc khảo cứu lịch sử, thường chất chứa nhiều “giá trị văn chương”. Di sản văn hóa Huế được định dạng một cách rõ ràng nhất từ một triều đại tồn tại đến 143 năm trong lịch sử Việt Nam. Khai thác tiềm năng đồng nghĩa với việc nhận diện giá trị của di sản. Hải Trung là một trong những người đảm trách công việc này qua nhiều công trình nghiên cứu tâm huyết.

Trong một bài viết, anh đề cập đến Ấn Sắc mệnh chi bảo bằng vàng ròng, dùng để đóng trên các sắc phong thời Nguyễn (chế tác dưới triều vua Minh Mạng), thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc rất cao. Anh nêu lại câu chuyện trong Tuần lễ Vàng, Bác Hồ đã không đồng ý với đề xuất nấu chảy các chiếc ấn vàng thời Nguyễn và các hiện vật bằng vàng khác để sung vào ngân khố quốc gia, bởi theo Người đó là “bằng chứng vật chất còn lại để thế hệ mai sau biết về văn hiến nước nhà”.

Thả thơ là thú chơi trí tuệ tao nhã xưa, nhất là dịp xuân về; trong Đại Nội vào đêm thơ Hoàng Cung đã được Hải Trung và đồng nghiệp phục dựng thành công, tạo hiệu ứng tốt. Người cầm chịch phải có kiến văn sâu rộng, đưa ra những câu thơ khuyết một vài chữ, người ngồi quanh chiếu cứ thế thả vào chữ gì cho đúng. Ai không nhớ câu thơ thì suy luận, còn lại thả ang áng rủi may. Hải Trung đưa ra ví dụ: “Điềm hi phú thứ thiên phương lạc/ Đãi đãng ôn hòa vạn tượng O” (O là chữ khuyết). Đây là hai câu thơ trong bài Tân thiều thí bút (Thử bút đầu năm) của vua Thành Thái. Chữ thả trúng phải là Minh. Dịch nghĩa: “Muôn phương quần chúng mừng an lạc/ Vạn nẻo nhân dân hưởng thái bình”.

Liên quan đến chữ Hán, Hải Trung dẫn thêm một chi tiết khá vui, nghe qua khó ai không nhăn trán: “Nếu như trong dân gian, các nữ nhi đi lấy chồng gọi là xuất giá thì trong chốn cung đình, công chúa lấy chồng được gọi là hạ giá”. Nghe vậy tưởng là công chúa xấu xí sứt mẻ gì; ở đây bởi công chúa vốn dòng cao quý, dẫu lấy bất cứ con quan lớn nào thì điều này cũng là sự “hạ giá” mà thôi.

Những linh tự hồi sinh ảnh 1

"Linh tự" - Tranh chữ của Hải Trung

Làm “người trao gửi” nhiều áng thơ cổ ý vị, Hải Trung giúp hiểu thêm về chữ Nôm quý báu cần gìn giữ theo hành trình di sản văn hóa dân tộc. Chẳng hạn một bài thơ theo thể thất ngôn bát cú Đường luật vào thời Nguyễn được xem là của vua Tự Đức, mỗi câu thơ (chữ Hán) đều có hai chữ Nôm. Xem hai câu thực: “Giữa vườn oanh hót khề khà tiếng/ Ngoài ruộng đào bung lấm tấm bông”. Một cách chơi chữ rất thông minh, có người còn bảo đây là bài thơ của Chu thần. Điều này cần khảo cứu thêm. Nhưng có một điều rằng, nhiều nhà thơ thời Nguyễn đều là bậc uyên bác về thơ. Đơn cử vua Minh Mạng làm bài thơ “Dương nhật” trong đó có ba chữ Dương, thể hiện lối chơi chữ đồng âm: một chữ dương có nghĩa là con dê; một chữ dương có nghĩa là phần dương, mặt trời; một chữ dương có nghĩa là mặt trời mọc, tạnh ráo ở tạo ra một tổ hợp liên tưởng được là tam dương, tức chỉ tháng giêng, ứng với quẻ Thái trong Dịch kinh, liên quan đến điển “Tam dương khai thái” nhằm chỉ sự hanh thông…

Các công trình lịch sử, văn hóa, tôn giáo cùng đời sống tâm linh trên quần đảo Trường Sa là một khía cạnh rất thẳm sâu của chủ quyền. Đó là những cột mốc lịch sử, cột mốc văn hóa, cột mốc tôn giáo, cột mốc tâm linh khó gì có thể phá bỏ và xóa nhòa.

Dẫn ra những giá trị văn chương đích thực trong thơ của bậc đế vương, cũng là góc nhìn đẫm tính nhân văn về cuộc đời và sự nghiệp các vua Nguyễn, nhờ đó góp phần đánh giá sát thực hơn về văn hóa Huế.

Nếu đọc một số công trình như 700 thơ Huế, Chơi chữ Hán Nôm, Thơ trên điện Thái Hòa, sẽ không quá khi nói rằng, ở khía cạnh nghiên cứu văn chương trung đại của vùng đất Huế cho đến hiện nay, Hải Trung là một trong số ít có nhiều đóng góp quan trọng và khá toàn diện. 

Còn nhớ, năm 2004, Hải Trung in tập thơ Không đề và những vần điệu cũ viết bằng chữ Hán, trong đó có câu thơ: Cổ thụ trường thanh đồng kế xuân/ Mai hoa hưởng động mãn phong trần (Cổ thụ xanh tươi đã mấy mùa xuân/ Tiếng hoa mai nở vang động cả trời đất)… Giữa năm 2010 người thơ này đã “đính chính hoa mai”, đưa ra đầy đủ chứng cớ nhằm tường giải thuyết phục về nhận thức cây mai “toát lên vẻ đẹp uyên nguyên” trong câu thơ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa của Cao Bá Quát hoàn toàn là một sự nhầm lẫn - sự nhầm lẫn về nhận thức cây mai, hoa mai trong văn học trung đại của người đời sau. Kể cả “nhất chi mai” của Mãn Giác Thiền sư hay “kiến mai hoa” của Miên Thẩm, “ức mai” của Mai Am cũng đều không liên quan đến loài hoàng mai rực rỡ của ngày tết.

Từ năm 2002, nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An từng nhận xét: “Từ cả trăm năm trước, nhà thơ Trần Tế Xương viết: ‘Nghe nói khoa sau sắp đổi thi/ Quẳng bút lông đi giắt bút chì’. Một thế kỷ đã qua, nhưng trong xã hội Việt Nam hiện tại vẫn còn được một số cây bút lông trẻ tuổi, tài hoa và đầy sức sống như Hải Trung thật là một điều quý hiếm”.

Rất nhiều những bức thư pháp được ông đồ trẻ này tâm huyết viết rồi tặng các bậc cha chú, các đàn anh bè bạn vào những dịp đặc biệt hoặc vào ngày đầu xuân thay cho lời chúc viên mãn. Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch giai đoạn về hưu chuyên tâm học Phật tu tập, Hải Trung tặng chữ Thiền. Với nhà thơ Văn Công Hùng thì anh tặng chữ Nhớ, có lẽ ý muốn gợi nỗi nhớ của Văn Công Hùng về quê mẹ ở Huế chăng?  Bức thư pháp toàn bộ viết bằng chữ Nôm, có thêm dòng nhỏ đầu tiên bên phải: Đồng dao mồng một Tết, thơ Văn Công Hùng”; và hai 2 dòng nhỏ tiếp theo: “Nắng tưng bừng thuở mối mai/ Có dăm nỗi nhớ cháy ngoài giấc mơ.

Một nhân vật khác là chủ quán cà phê vỉa hè, anh Sơn. Dạo Hải Trung thường uống cà phê ở đó, có hôm bảo sẽ viết tặng bức thư pháp chữ Nhẫn. Thế rồi hai năm sau, ông chủ mới hỏi: “Sao hứa tặng thư pháp mãi không thấy”. Hải Trung giật mình: “Không phải tui tặng anh rồi à”. “Đâu”. Thế đấy, công việc bề bộn khiến ông đồ quên khuất mất. Nhưng hai năm anh Sơn mới nhắc để xin chữ Nhẫn thì quả thật đã có chữ ấy rồi vậy.

Những linh tự hồi sinh ảnh 2 Chữ Thị viết theo kiểu chữ triện (ngược nhau).

Cũng có thể nói Hải Trung là một người “khó tính”, sự khó tính trước hết là trong các công trình nghiên cứu. Bên cạnh những câu chữ phiên âm, Hải Trung còn dẫn thêm phần chữ Hán để tăng mức độ chính xác. Trên các công trình thuộc di tích Huế còn khoảng 3.500 ô thơ chữ Hán, gồm thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú được thể hiện theo lối thư pháp chân, thảo, triện, lệ rất linh hoạt bắt mắt.

Hải Trung đã tham cứu 191 bài Thơ trên điện Thái Hòa, được đánh giá rất cao, vượt lên mức độ của một Luận văn Thạc sĩ. Thơ trên di tích, theo nhận định của Hải Trung là cả “một bảo tàng vật chất khổng lồ về học thuật, không dễ chạm tới sự đa chiều ẩn tích của nó”. Chẳng hạn ở liên ba gian chánh trung của điện Thái Hòa có bài thơ: “Văn hiến thiên niên quốc/ Xa thư vạn lý đồ/ Hồng Bàng khai tịch hậu/ Nam phục nhất Đường Ngu” (Nước văn hiến ngàn năm/ Thống nhất toàn giang san/ Thuở Hồng Bàng mở cõi/ Thịnh vượng cả trời Nam”.

Trong sách Sử ký, ở thiên Thủy Hoàng bản kỷ, có đề cập đến việc vua Tần Thủy Hoàng (236 - 208 trước CN) đã quy định thống nhất cho tất cả các mẫu mã, kích cỡ của các vật dụng đo lường cũng như nhiều thể thức mang tính hành chính khác. Vị vua Tần này cho rằng, muốn đất nước phát triển bền vững thì một trong những vấn đề mấu chốt là: Xa đồng quỹ thư đồng văn tự: xe phải cùng một cỡ bánh, sách phải viết cùng một kiểu chữ. Do vậy, xa thư ở đây là một điển tích nhằm chỉ sự thống nhất. Trong Thiên Nam ngữ lục có hai câu thơ Nôm: Phong trần bốn bể vỗ an/ Xa thư một mối giang sơn vẹn toàn. Tóm gọn trong hai chữ Xa thư, triều Nguyễn đã nói lên lòng tự hào về công cuộc thống nhất đất nước của mình.

Nguyễn Phước Hải Trung từng tâm sự: “Văn hóa Huế nó đỏng đảnh và bí ẩn lắm. Thuở nọ, người ngoại quốc đến đây và buột miệng: Huế luôn luôn mới, để rồi trở thành sờ-lô-gân cho cuộc vận động cứu vãn di sản Huế vào những thập niên 80. Cái mới ở đây chính là tầng vỉa văn hóa, mà càng khám phá thì mới biết ta chẳng biết gì cả, nghĩa là càng đào sâu, càng thấy mới”. Tâm huyết với cổ ngữ, tâm huyết với nghề bảo tồn di sản, Hải Trung đã khổ công dùi mài chữ Hán theo một hướng mới mẻ nhiều sức sống, khiến con chữ được người xưa thường sử dụng này thêm lung linh, những tượng những hình từ đó mới thêm phần thăng hoa.

MỚI - NÓNG