Những mối tình nực cười

Những mối tình nực cười
TP - Có một Milan Kundera truyện ngắn, lần đầu tiên ra mắt độc giả Việt Nam
Những mối tình nực cười ảnh 1

Đúng hơn đó là tập truyện viết dưới hình thức tiểu thuyết. Sinh trưởng trong gia đình nghệ thuật danh tiếng về âm nhạc, bản thân từng học nhạc, Milan Kundera thường kết cấu các tác phẩm với những chuỗi motif lặp đi lặp lại trong số phận nhân vật; số 7 là con số ông ưa thích.

Bảy truyện ngắn riêng rẽ về nhân vật, cốt truyện và không gian nhưng nối kết bằng những tương đồng. Tâm điểm là truyện dài nhất - Tranh biện.

Sáu truyện còn lại đối xứng thành từng cặp: 1-7 (Sẽ không ai cười và Edouard và Chúa), 2-6 (Quả táo vàng của ham muốn vĩnh cửu và Bác sĩ Havel hai mươi năm sau), 3-5 (Chơi trò xin đi nhờ xe và Người chết cũ phải nhường chỗ cho người chết mới”).

Mỗi truyện như một màn kịch vui, tình tiết được đẩy rất cao bằng một bộ máy bất ngờ và phóng đại. Không có gì nhẹ nhàng hơn, nực cười hơn những tình tiết ấy, nhưng cũng không gì nghiêm trọng cho bằng.

Milan Kundera sinh 1/4/1929 tại Tiệp Khắc. Vì những biến động chính trị, ông rời quê hương định cư tại Pháp, nhập quốc tịch Pháp.

Tuy nhiên ông luôn nhấn mạnh con người mình với tư cách nhà tiểu thuyết, không phải nhà văn phản kháng hay nhà hoạt động chính trị.

Ông là một trong những nhà văn lớn nhất thế giới hiện nay, năm nào cũng có tên trong danh sách đề cử Nobel.

Trong Sẽ không ai cười, nhân vật xưng tôi bị đẩy ra khỏi nơi làm việc, bị người yêu bỏ, bị đem ra kiểm điểm trước ủy ban dân phố chỉ vì một bản nhận xét tác phẩm vớ vẩn mà, do ngại rắc rối, anh ta không chịu viết.

Đối xứng truyện này, Edouard trong Edouard và Chúa chinh phục một cô gái bằng lời nói dối ngu ngốc, sau đó bất lực khi mọi người gán ghép cho anh ta những trách nhiệm to tát khiến cuộc đời anh ta biến thành mớ bòng bong.

Đây là thông điệp về sự nặng và nhẹ, về sự mong manh giữa cái nhẹ nhàng và nghiêm trọng.

Cặp Quả táo vàng của ham muốn vĩnh cửu và Bác sĩ Havel hai mươi năm sau lại chế giễu những mối tình lãng mạn trong thế giới hiện đại cùng tình thế của Don Juan, kẻ chinh phục tình yêu, khi ranh giới giữa phiêu lưu và cuộc sống nhàm chán thảm hại bị rút gọn đến mức không ai nhận ra được nữa.

Chơi trò xin đi nhờ xe và Người chết cũ phải nhường chỗ cho người chết mới khảo sát bản chất cái tôi trong mỗi con người. Cặp tình nhân trên đường lái xe đi nghỉ mát, để cho vui, đã thử như không quen biết nhau. Trong vai trò “cô gái lẳng lơ xin đi nhờ xe” bên cạnh “tay tài xế xa lạ”, họ dấn sâu vào trò chơi cho đến lúc nhận họ hoàn toàn không hiểu gì về nhau.

Diện mạo bên ngoài hay tính cách, phẩm chất họ gán cho nhau đến lúc này không thể hiện cái gì thuộc về con người thật. Cái tôi biến mất sau hình ảnh mà họ nhìn thấy. Vậy cái gì định hình cho cái tôi của con người, nếu không phải là hình ảnh, tính cách, hay đạo đức?...

Nằm ở trung tâm, Tranh biện (trong ngôn ngữ Czech truyện này có tên Symposium, nhại theo tác phẩm Symposion tức Bữa tiệc của Platon) xảy ra trong một đêm buồn chán ở bệnh viện tỉnh, nơi các bác sĩ rỗi rãi tán chuyện tình yêu, và những biến cố vặt vãnh được họ gắn cho những ý nghĩa siêu hình khiến chúng bỗng nhiên mang màu sắc vĩ đại.

Sự chế giễu ngấm ngầm đằng sau cái nghiêm túc, lối phân tích tỉnh táo và chắc chắn, đi sâu đến tận cùng những chi tiết nhỏ nhất là phong cách không thể bắt chước của Kundera.

Những tình huống, phản ứng phi lý nhất của con người đều có nền tảng sâu xa mà Kundera luôn tìm cách nắm bắt. Sự việc nghiêm trọng hóa như tình yêu, đức tin hay cá tính đều có tính nước đôi, mất giá một cách nực cười.

Ngược lại, những tình tiết tưởng như vô hại nhất đều có thể ảnh hưởng đến số phận của chúng ta nếu để nó rơi vào chiều kích thích hợp.

Tác phẩm chính của Milan Kundera: Lời đùa cợt (tiểu thuyết), Sự ngu dốt (tiểu thuyết), Sách cười và lãng quên, Bức màn (tập tiểu luận- 2005), Bộ ba tiểu thuyết Sự bất tử, Bản nguyên, Chậm rãi- bản dịch tiếng Việt của Ngân Xuyên – 1999; Nghệ thuật tiểu thuyết  (tập tiểu luận- Nguyên Ngọc dịch, 2001); Những di chúc bị phản bội  (tập tiểu luận; Nguyên Ngọc dịch – 2001); Đời nhẹ khôn kham (Trịnh Y Thư dịch- 2002); Cuộc sống không ở đây  (Cao Việt Dũng dịch- 2003), Điệu van giã từ  (Cao Việt Dũng  dịch- 2004); Những mối tình nực cười, 2009 do Cao Việt Dũng dịch, Công ty Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành.

Minh Phước

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.