Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên:

Những nàng 'Dea Jang Gum' trên đường phố Ban Mê

Những nàng 'Dea Jang Gum' trên đường phố Ban Mê
TP - Không thua kém những chàng trai cô gái Tây Nguyên rực lửa trong điệu chiêng đón chào ngày hội vui, các cô gái Hàn Quốc rất say mê múa vũ điệu truyền thống đón chào mùa vụ mới.
Những nàng 'Dea Jang Gum' trên đường phố Ban Mê ảnh 1
Các nàng “Dea Jang Gum” trên đường phố Ban Mê

Sáng 22/11, trong chương trình “Lễ hội đường phố” của Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, hàng ngàn du khách và người dân phố núi Ban Mê chứng kiến các đoàn nghệ nhân cồng chiêng Tây Nguyên áo khố nguyên sơ, có cả  sắc màu xanh đỏ vàng trắng đen rực rỡ của các nàng “Dea Jang Gum” đến từ “xứ sở kim chi” diễu hành trên đường phố.

Không thua kém những chàng trai cô gái Tây Nguyên rực lửa trong điệu chiêng đón chào ngày hội vui, các cô gái Hàn Quốc rất say mê múa vũ điệu truyền thống đón chào mùa vụ mới.

Trong nắng gió cao nguyên, mồ hôi vẫn lấm tấm nhỏ giọt trên gương mặt tô phấn son đậm nét dân gian Hàn Quốc của các nàng “Dea Jang Gum”, khiến người dân phố núi có cảm giác những điệu múa đến từ xứ sở Kim Chi có gì đó gần gũi với nền văn hóa nông nghiệp lúa nước quê nhà.

Phía Hàn Quốc mang đến giao lưu với Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 5 tiết mục văn nghệ truyền thống đặc sắc nhất của lễ hội cầu mưa thuận gió hòa.

Cả 24 thành viên trong đoàn nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc đều thích thú hỏi han cặn kẽ và phát hiện ra những chiếc chiêng của người dân Tây Nguyên có những nét cơ bản giống với chiêng dùng trong các lễ hội truyền thống ở vùng nông thôn Hàn Quốc.

Những nàng 'Dea Jang Gum' trên đường phố Ban Mê ảnh 2
Bà Kang Hye Sook

Tuy nhiên, những “ban nhạc” chỉ toàn chiêng và cách nhảy múa với những chiếc chiêng của đồng bào Tây Nguyên đặc biệt ấn tượng đối với họ.

Trao đổi với phóng viên Tiền phong bà Kang Hye Sook, đại biểu Quốc hội đặc trách văn hóa, Trưởng đoàn Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên nói:

“Tôi thật ấn tượng với cách biểu diễn cồng chiêng ở đất nước của các bạn, UNESCO đã thật có lý khi chọn “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” để trao chứng nhận “kiệt tác của nhân loại”.

Cách tổ chức Festival này cũng thật thú vị khi lồng ghép được các chương trình biểu diễn cồng chiêng trong những hoạt động sôi nổi tại trường Đại học Tây Nguyên. Các nhà tổ chức đã gây được một sự chú ý rất tích cực trong thanh niên về nghệ thuật cồng chiêng.

Tôi để ý thấy trong ánh mắt của nhiều thanh niên khi xem biểu diễn cồng chiêng đã chuyển từ trạng thái tò mò đến thích thú và yêu mến. Trong các đội chiêng cũng có nhiều thành viên còn rất trẻ. Những nghệ sỹ trẻ này đánh chiêng với một tình yêu thật sự.

Đó là thành công của các nhà quản lý văn hóa truyền thống ở Việt Nam, và Festival lần này đã thể hiện được triển vọng rất lớn về việc bảo tồn một nét văn hóa truyền thống độc đáo của đất nước bạn”.

MỚI - NÓNG