Những "nàng thơ" của Quốc Bảo

Những "nàng thơ" của Quốc Bảo
Trong quán Cà phê Ciao Sài Gòn một buổi chiều đẹp trời, nhạc sĩ Quốc Bảo “vui chuyện” với chúng tôi về những bóng hồng trong cuộc đời và trong các ca khúc của anh.
Những "nàng thơ" của Quốc Bảo ảnh 1

Anh có thể kể những mối tình đã tạo dấu ấn cho các ca khúc của mình? Nhiều ca khúc anh đề tặng cho một bóng hồng nào đó, họ có ý nghĩa thế nào trong cuộc đời và trong sáng tác của anh?

Tôi viết “Tình ca nhung” tặng ca sĩ Hồng Nhung chẳng hạn. Khi đang thu “Tình ca nhung” thì gặp ca sĩ Ý Lan ở hải ngoại về, Ý Lan hỏi đùa sao không có bài nào tặng Lan, vậy là ngay đêm hôm đó có ca khúc “Lan xưa”. Dĩ nhiên cũng phải có cái cớ gì đó để viết một ca khúc, nhưng chỉ là cái cớ thôi, hiếm trường hợp thực sự là tình yêu.

Tôi với Hồng Nhung thường ngồi cười với nhau khi Nhung hát câu cuối “Tình ca nhung”: “… rồi dắt tay đi vào đêm, này nhung này êm…”, rằng thế nào thiên hạ cũng bảo hai đứa mặn nồng, tình tứ lắm đấy, nhưng có gì đâu!!!

Những “Nàng Thơ” của tôi không có thật, đó chỉ là hình ảnh biểu trưng cho nhan sắc của người nữ. Chỉ cần một cớ nhỏ để rồi nhân có cái cớ đó, tôi vẽ lại hình ảnh người nữ vốn thường trực trong những giấc mơ của tôi. Và ca khúc là một dạng khác của giấc mơ.

Nghe nói ca sĩ Thuỷ Tiên đã cụ thể hoá hình ảnh đó của anh. Với những lời đồn như vậy, anh có giải thích gì không?

Cái đó phải hỏi Thủy Tiên. Biết chết liền!

Anh đang đầu tư cho Thuỷ Tiên album thứ hai, sẽ là một album rock? Album này có gì khác album “Ngọt và Đắng”?

Sẽ là một album rock. Cái khác là tôi muốn tạo ra cho Thủy Tiên một môi trường thuận lợi để hát rock trên sân khấu, không quan trọng là loại rock gì. Album đầu tiên tôi phối rất kỹ nhưng bản phối đó quá phức tạp nên lại làm khó cho ban nhạc khi diễn cùng Thuỷ Tiên trên sân khấu. Hát đĩa thì phản rock.

Còn chuyện với Hồ Ngọc Hà, anh có định đính chính gì những lời “thóc mách” không? Liệu có “Nàng Thơ” Hồ Ngọc Hà trong âm nhạc Quốc Bảo?

Dại gì nói!

Vậy anh quan niệm thế nào về tình yêu qua hình ảnh người nữ của mình?

Người ta có quyền lý tưởng hóa bất cứ điều gì. Như chiếc điện thoại di động chẳng hạn, tôi mong muốn nó sẽ dễ chịu thế này, hay cái laptop thì phải có chức năng thế kia... Tình yêu cũng thế, tôi muốn nó phải có hình hài sao đó để rồi một cô A, cô B ... sẽ khơi nguồn mạch cảm xúc theo những gì mà tôi từng hình dung về tình yêu. Còn tình yêu ư? Tình yêu là phải vĩnh cửu, phải yêu nhau đến mức cảm thấy một đời cũng chưa đủ.

Cô A, cô B nào đó có danh tính không?

Ngoài đời không có cô nào vậy đâu. Không có cô A, cô B nào đạt tới cái ngưỡng đó cả. Tôi không dại gì đi tìm một “Nàng Thơ” tiệm cận với hình ảnh trong mộng tưởng của mình. Nếu tìm được sẽ cực kỳ… chán! Hình ảnh mang tính biểu trưng chỉ làm cho mình vui khi nó không có thật.

Giả sử có thể sưu tập các chi tiết đẹp từ chân dung của người này người kia và ráp lại thành một con người bằng xương bằng thịt, chắc là trông sẽ rất… kinh, như cơn ác mộng Frankenstein! Tôi không nghĩ mình cần một hình ảnh thực như thế trong cuộc đời.

Nhưng biết đâu một ngày đẹp trời anh sẽ gặp một người như thế?

Nếu vậy thì tôi nghĩ mình sẽ rất… tốn tiền!

Sao không tốn những thứ khác mà lại tốn tiền?

Tốn tiền nuôi nàng. Bởi "Nàng Thơ" theo cách vẽ của tôi chắc chắn là phi lao động, không đi làm đi ăn gì được hết, chỉ ngồi một chỗ cho mình hầu thôi!

Nếu một người vừa đẹp lại vừa có tài?

Tôi sợ những người phụ nữ luôn tưởng mình có tài, hoặc quá tự tin ở tài năng. Một người đàn bà suốt ngày tỉa tót “tài năng” của mình thì sẽ thiếu nhiều thứ khác mà không biết.

Vậy có nhan sắc và tài năng nhưng phải khờ khạo? Hay là anh thích một mẫu phụ nữ đẹp, có tài năng nhưng thiếu tự tin?

Tự tin vào nhan sắc thì tốt hơn. Tôi có hai tiêu chuẩn căn bản cho mẫu người nữ của tôi: đẹp và tốt bụng. Hai thứ đó có tiền cũng không mua được và cũng không học để có được, còn những thứ khác có thể học được. 

Anh bao nhiêu lần bị tiếng sét ái tình và anh giải thoát điều đó trong bao lâu?

Cũng có một vài lần tôi bị “sét đánh”. Điều đó gây cho tôi cảm giác khó chịu, thậm chí mất ăn mất ngủ. Tôi phải cố xua đi cảm giác đó trong vòng mươi ngày để con người mình thăng bằng trở lại. Điều tôi quý nhất trong cuộc sống cá nhân là sự thăng bằng. Tôi sợ cảm giác mất thăng bằng. Cái gì làm tôi mất thăng bằng, tôi sẽ dứt bỏ.

Chẳng lẽ cảm giác mất thăng bằng do “sét đánh” không phải là hạnh phúc hay sao?

Với tôi, cảm giác thăng bằng cực kỳ thú vị. Giống như khi ta có thể đi trên một sợi dây mà không ngã và không toát mồ hôi gáy. Trong đời sống, tôi thường có cảm giác như mình sắp bị xô ngã, và tôi luôn cố gắng vượt qua cảm giác đó để có thể giữ mình trong trạng thái thăng bằng. 

Anh đang nói về nỗi bất an khi sáng tác?

Ta không thể nằm trong nỗi bất an để nói về nó. Khi sáng tác, tôi phải tự tạo ra những khoảng lặng, dù tạm thời, cho mình.

Cảm giác của anh khi viết xong một tác phẩm? Hạnh phúc hay nỗi bất an lại trở lại?

Khi khởi đầu bao giờ cũng là hạnh phúc, lúc ngồi trước trang tổng phổ trắng, trong đầu đầy ắp các ý tưởng. Khi kết thúc, những cảm giác ấy không còn nữa, tôi chỉ còn mỗi một việc là save những gì đã viết. Quá trình làm việc mang lại cho tôi cảm giác tự tin và cả niềm hạnh phúc.

Anh có lúc nào thiếu tự tin?

Có lẽ đó là những lúc… thất nghiệp, dẫu tôi gần như chưa bao giờ thất nghiệp. Tôi làm việc gì cũng dồn hết tâm sức mình cho công việc. Ngay cả thời kỳ khó khăn nhất, nhiều người nghĩ là tôi không làm nhạc được nữa và… chết đói. Họ không tin tôi có chán vạn nghề để làm ngoài việc làm nhạc. Chính điều đó tạo nên con người tôi và lòng tự tin của tôi, chứ không phải là bộ sưu tập những “Nàng Thơ” trong cuộc đời.

Theo Thiên Ngân
Giaidieuxanh.net

MỚI - NÓNG