Những ngày đầu gian khó

Những ngày đầu gian khó
TP - Nhóm làm báo số báo Tiền Phong đầu tiên năm 1953 gồm 6 người: Nguyễn Thanh Dương làm trưởng ban báo (như thư ký tòa soạn); Tôn Đức Lượng là hoạ sỹ trình bày; Lê Quân làm biên tập viên; Văn Quý làm phóng viên kiêm biên tập viên; Tôn Sơn (Mai Nam), Mai Văn Hậu làm các công việc khác và đi nhà in. Đồng chí Nguyễn Lam - Bí thư (thứ nhất) T.Ư Đoàn lúc đó trực tiếp làm Chủ nhiệm chính trị của tờ báo (như tổng biên tập).

> 60 năm trong đội ngũ tiên phong
> 60 năm nhìn lại để tự hào và sửa mình

Trụ sở của báo và cũng là nhà ở của 6 người là một chiếc lán tre nứa lá làm ôm lấy một gốc cây cổ thụ rất to trên một quả đồi ở bản Dõn, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Lán nằm trong khu vực nhà làm việc của cơ quan Trung ương Đoàn, cách không xa lán của đồng chí Nguyễn Lam.

Phương tiện làm báo không có gì. Bài khi đánh máy thì nhờ máy chữ của cơ quan T.Ư Đoàn. Bản in thì chế bằng cách viết chữ ngược lên đá phẳng để in li-tô. Minh họa thì khắc ngược lên gỗ làm bản in. Nhà in cách cơ quan 70 cây số đường rừng núi. Trước đó khá lâu, để có kinh phí in báo, T.Ư Đoàn đã phát động đoàn viên thanh niên cả nước quyên góp tiền. Các chi đoàn cơ sở tổ chức lao động lấy tiền, quyên góp gom được mấy triệu đồng (một khoản tiền rất lớn thời đó) gửi về T.Ư Đoàn để in báo Đoàn.

Nhà báo Nguyễn Thanh Dương
Nhà báo Nguyễn Thanh Dương.

Nội dung số báo đầu tiên chủ yếu tập trung vào hai chủ đề. Thứ nhất là Đại hội liên hoan Thanh niên thế giới lần thứ 4 diễn ra 1953 tại Bucarest (Rumani), nơi Đoàn đại biểu Thanh niên Việt Nam gặp gỡ và giao lưu với bạn bè năm châu và đặc biệt là với Đoàn đại biểu thanh niên Pháp, tiếp nhận những tình cảm nồng hậu của họ với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Trên trang nhất của số 1 đăng “Thư của Hồ Chủ tịch gửi thanh niên Pháp” và bài “Chúng tôi đã gặp Đoàn đại biểu thanh niên Pháp tại Đại hội liên hoan lần thứ 4”. Chủ đề thứ hai là cổ vũ cho phong trào chống Pháp bắt lính. Bài xã luận trên trang nhất có tiêu đề “Thề không đi lính cho giặc”.

Những ngày đầu gian khó ảnh 2

Hồi đó, các nhà in khu Việt Bắc chưa có điều kiện tráng kẽm để in ảnh. Nhưng trước đó, đồng chí Nguyễn Lam đã chỉ đạo Đoàn Đại biểu Thanh niên Việt Nam chụp ảnh thanh niên Việt Nam gặp gỡ thanh niên thế giới và thanh niên Pháp ở Liên hoan Thanh niên thế giới, mang ảnh về Trung Quốc nhờ làm ảnh kẽm, sau đó mang bản kẽm về Việt Nam chuẩn bị in báo. Tháng 8/1953 đoàn đi, tháng 9/1953 mang ảnh về Trung Quốc làm bản kẽm. Tháng 10/1953, đã có ảnh kẽm để in báo. Do vậy, số đầu tiên của báo Tiền Phong ra đời vào ngày 16/11/1953, có ảnh thanh niên Việt Nam gặp gỡ thanh niên thế giới ở trang nhất.

Tiền Phong là tờ báo duy nhất ở Chiến khu Việt Bắc khi đó có in ảnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG