Những người quyết giữ hồn chiêng

Ông Rah Mah Yơih bên chiếc chiêng được cho là trên 500 năm tuổi
Ông Rah Mah Yơih bên chiếc chiêng được cho là trên 500 năm tuổi
TP - Trong khi không ít người ở Tây Nguyên bị các tay săn đồ cổ dụ dỗ đã vì miếng cơm, manh áo mà đổi cồng chiêng lấy một ít tiền, thì nhiều buôn làng vẫn còn đó những người bán tháo gia sản để níu giữ hồn thiêng Tây Nguyên.
Ông Rah Mah Yơih bên chiếc chiêng được cho là trên 500 năm tuổi
Ông Rah Mah Yơih bên chiếc chiêng được cho là trên 500 năm tuổi.

Họ quyết không để không gian văn hoá cồng chiêng “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại” mà UNESCO đã công nhận mai một.

Mất đất chứ không chịu mất chiêng

Đầu hè 2010, ông Siu Thík, 65 tuổi, ở làng Mít Jep, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai đến cơ quan chức năng trình báo: Chiều nọ, nhà ông bị kẻ trộm đột nhập lấy 4 chiêng quý có tuổi hàng trăm năm do tổ tiên để lại.

Ông Thík vừa nhận được điện thoại từ một người không quen: Muốn lấy lại chiêng phải giao 100 triệu đồng. Không muốn bộ chiêng quý lâu nay mình luôn nâng niu bị mất, ông Thík chẳng đắn đo tìm người bán tháo miếng đất lấy 100 triệu đồng mang đi chuộc chiêng.

Anh con rể L.V.H hăng hái dẫn bố vợ đi giao tiền chuộc. Theo hướng dẫn của người lạ mặt qua điện thoại, ông Thík mang 100 triệu đồng đến TP Pleiku. Khi kẻ này đang hướng dẫn ông Thík đón xe về Thái Bình thì công an xuất hiện tóm gọn.

Tại trụ sở Công an huyện Ia Grai, điều làm ông Thík bất ngờ là kẻ chủ mưu trong toàn bộ câu chuyện này lại chính là rể quý L.V.H. H khai nhận, do cần tiền chuộc xe ô tô và đầu tư trồng cao su nên đã tìm cách chiếm đoạt tài sản của gia đình bố vợ. Bộ chiêng quý đã được tìm lại song mảnh đất hương hỏa của Siu Thík đã không trở về nữa.

Quý chiêng như con

Năm 2004, Rah Mah Yơih 78 tuổi, làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai, dốc toàn bộ gia sản mấy chục năm tích cóp, cộng với số tiền vừa trúng vụ sắn và bán sạch một đàn bò mấy chục con mua bộ chiêng quý gồm 40 cái.

Ông Yơih nói: “Tìm mua được chiêng quý rất khó. Cất công mãi mình mới mua được chiếc chiêng Pát cỡ lớn, đường kính 60 cm, giá 40 triệu đồng/chiếc. Thời ông bà mình phải bán 40 con trâu mới mua được chiêng này.

Ông bảo: Mất đi tiếng cồng chiêng là mất đi truyền thống, văn hóa đã được cha ông truyền lại từ bao đời. Vì thế ông luôn trăn trở làm cách nào để giữ được chiêng, để dân làng ấm lòng khi tiếng chiêng, tiếng cồng ngân vang mỗi khi có ma chay, lễ hội…

Vừa kể Rah Mah Yơih vừa lấy chìa khoá mở cho chúng tôi xem “kho báu” của mình với cả trăm loại chiêng kích cỡ khác nhau. Ông nói, đây là những chiếc chiêng có niên đại hơn 500 năm, người ta từng trả hơn 100 triệu đồng nhưng ông nhất quyết không bán.

Ông Yơih khẳng định: Tôi còn sống ngày nào là quyết không để mất dù chỉ một cái chiêng, không một đứa con nào được bán. Ông đặt tên cho từng chiếc chiêng quý như ông bà cha mẹ đặt tên cho con và nói, mất đi một chiếc chiêng là dòng họ này mất một người.

Đã có thời gian cồng chiêng Tây Nguyên “chảy máu” do giới mua bán đồ cổ “truy lùng” ráo riết. Ngay làng Dăng này, trước đây hầu như nhà nào cũng có ít nhất một bộ chiêng, nhưng bây giờ hễ nhà nào có đám ma, lễ hội hay bất cứ việc gì của làng đều đến nhà ông Yơih mượn chiêng.

Rah Mah Yơih nói: Niềm an ủi lớn nhất đối với ông bây giờ là tất cả mọi người trong làng khi có lễ trọng luôn dùng đến chiêng. Mỗi lần nghe tiếng chiêng làng, lòng ông thanh thản vô ngần.

Ông bảo với lớp trẻ: Cuộc sống khốn khó rồi sẽ qua nếu mỗi người tự cố gắng vươn lên nhưng báu vật tổ tiên đã mất muốn có lại rất khó. Vì thế các con các cháu phải tập đánh chiêng, đánh cồng, phải giữ cho hồn thiêng sông núi này vọng mãi đến đời cháu đời chắt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.