Những nỗi ám ảnh chấm bi

Những nỗi ám ảnh chấm bi
TP - Nữ nghệ sĩ Nhật Bản 84 tuổi, Yayoi Kusama đã gửi đến triển lãm nghệ thuật sắp đặt “Những nỗi ám ảnh”(từ 25/5 -28/7) sự độc đáo với 1.500 quả bóng inox cùng hình ảnh sáng tạo từ những chấm bi.
Nữ nghệ sĩ Kusama
Nữ nghệ sĩ Kusama .

Nhiều khán giả ngưỡng mộ và ấn tượng với sự sắp đặt choán hết khuôn viên Trung tâm Văn hóa Nhật Bản - 27 Quang Trung - Hà Nội vào sáng qua.

Sáng tạo từ ám ảnh

Sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu của Nhật Bản, nữ nghệ sĩ Kusama sáng tạo nghệ thuật ở tuổi lên mười. Kusama tạo ra những chấm bi chủ yếu bởi ảo giác của chính mình…từ hình ảnh của những viên sỏi trắng.

Kusama tạo ra những hình ảnh đó như một hoạt động ép buộc mình để tự điều trị và kiểm soát chứng rối loạn thần kinh. Năm 19 tuổi, Kusama học vẽ tại Kyoto nhưng lại thấy thích thú với sự tiên phong của hội họa châu Âu và châu Mỹ.

Từ năm 1957-1972, bà định cư tại New York (Mỹ) và bắt tay vào điêu khắc và gây ấn tượng mạnh với công chúng khi tổ chức các Lễ hội vẽ chấm bi trên cơ thể người.

Năm 44 tuổi, Kusama chuyển về Nhật Bản. Bà tự nguyện sống trong bệnh viện tâm thần tại Tokyo vào năm 48 tuổi, dành phần còn lại của cuộc đời mình sáng tác tại phòng riêng. Từ đây, bà tiếp tục làm các tác phẩm nghệ thuật cũng như phát động một sự nghiệp văn chương bằng việc xuất bản tiểu thuyết, viết thơ và tự truyện.

Năm 2012, các đợt triển lãm của bà đã được tổ chức thành công tại các bảo tàng mỹ thuật trên khắp thế giới như: Renia Sofia (Tây Ban Nha); Whitney (Mỹ); Trung tâm Pompidou (Pháp); bảo tàng Tate Modern (Anh). Những tác phẩm của bà còn được thiết kế cho nhãn hiệu thời trang Louis Vuiton của Pháp vào năm ngoái.

Triển lãm sắp đặt lần này tại Hà Nội tập hợp những tác phẩm được ngưỡng mộ ở nhiều nước trên thế giới: “Những ám ảnh chấm bi”, “Vườn hoa thủy tiên”, “Biển chỉ đường tới không gian mới”, và “Tôi ở đây mà lại không ở đây”. Gửi thông điệp từ Nhật, bà cho biết: “Tiếc rằng tôi không thể có mặt tại đây ngày hôm nay, nhưng tôi sẽ rất hạnh phúc khi biết các bạn cảm thấy hứng thú với triển lãm này của tôi. Suốt cuộc đời này, mỗi ngày là một ngày tôi đấu tranh với tư cách là một nghệ sĩ.”

Ngạc nhiên và tinh tế

Sau 1 tuần chuẩn bị sắp đặt, Trung tâm văn hóa Nhật Bản như “một thế giới mới” với sự thay đổi màu sơn trong nhà trưng bày, những cánh cửa ra vào có chấm màu đỏ, từng khối hình lớn rực rỡ trong sân triển lãm. Nhiều người xem triển lãm như ngỡ ngàng, quên hẳn thế giới đang sống.

Những nỗi ám ảnh chấm bi ảnh 2
Tác phẩm của Kusama trong buổi khai mạc tại Hà Nội
Tác phẩm của Kusama trong buổi khai mạc tại Hà Nội.

Ấn tượng nhất là những chấm bi kết hợp với gương tạo ra không gian rộng gấp nhiều lần so với không gian thực. Lạc vào thế giới này, công chúng sẽ có những cảm nhận khác nhau bởi màu sắc rực rỡ từ khối hình lớn, chiếc gương to bản và chấm bi trắng nổi bật trên nền đỏ.

“Vườn hoa thủy tiên” được hình thành từ 1.500 viên bi kích thước lớn xếp một cách hài hòa trên lối đi tạo nhịp điệu vui mắt, làm sáng bừng lên không gian triển lãm. “Nhìn vào những quả cầu, tôi thấy mình và có cảm giác được trở về quá khứ” – Bà Lê Kim Thoa, ở Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.

“Biển chỉ đường tới không gian mới” là tập hợp dạng khối tròn hay quả cầu lớn hình chấm bi trắng nền đỏ được xếp trên sân và trên mặt nước. Hiệu ứng ánh sáng gây phản xạ xuống mặt nước tạo ra một không gian lớn gấp đôi. Bề mặt này làm cho những quả cầu như đang nổi trên mặt nước.

“Tôi ở đây mà lại không ở đây” mang đến thị giác biến đổi cho người xem. Trong phòng nhỏ sắp đặt những đồ dùng quen thuộc như bàn ghế, bát đũa và chiếc ti vi đang bật… tất cả được sắp đặt đơn giản. Hiệu ứng ánh sáng chấm bi nổi lên bồng bềnh trên không gian tối đặc khiến cho người xem vừa xa lạ khi nắm bắt vừa gần gũi khi nhìn thấy vật dụng hàng ngày.

Bạn Nguyễn Xuân Phương, ĐH Bách khoa Aptech chia sẻ: “Xung quanh phòng tối đen chỉ có những đốm sáng nhiều màu phản chiếu. Triển lãm gây cho tôi ngạc nhiên bởi từ những dấu chấm được thể hiện sáng tạo và rất tinh tế.”

 Các tác phẩm của Kusama gợi lên trong chúng ta nhiều cung bậc cảm xúc, đồng thời khắc sâu vào trong ký ức của chúng ta. Đó là những hình ảnh chỉ một lần thấy sẽ không bao giờ quên

Ông Hideo Suzuki - Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam

Cảm nhận về không gian mới lạ, ThS. Trần Hậu Yên Thế - Đại học Mỹ thuật nói: “Tôi nghĩ bà Kusama có cách nghĩ cực kỳ nhạy cảm và từ đó có những tưởng tượng siêu việt. Những tác phẩm của bà mang đậm phẩm chất Nhật với sự khúc triết, lý trí và tinh tế. Bản thân bà tạo ra sự nhận diện riêng bằng những chấm bi. Nỗi ám ảnh này mang tính nghệ thuật vừa tối giản nhưng cũng đạt đến sự linh cảm, nhạy cảm của siêu thực. Bà cố tình tạo sự hỗn độn và huyễn hoặc để công chúng xem và ngạc nhiên với chấm bi. Thêm vào đó, bà khéo léo biến một không gian quen thuộc thành một không gian hoàn toàn mới lạ.”

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho hay: “Hiện nay, nghệ thuật sắp đặt không gian chưa có nhiều ở Việt Nam và tác phẩm hôm nay đã gây thu hút cho nhiều người. Phong cách của Kusama là đặc trưng của người Nhật với sự đơn giản và mang tính biểu tượng. Bà ấy đã hoàn toàn đắm chìm trong nghệ thuật và chỉ có nghệ thuật.”

Ông INAMI Kazumi Giám đốc Trung tâm giao lưu Văn hóa Nhật Bản đánh giá: “Đất nước Nhật có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng nhưng bà Kusama là nghệ sĩ có những tác phẩm gây ra ấn tượng thị giác mạnh. Tác phẩm của bà có thể đi thẳng vào lòng công chúng”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG