Những phát hiện mới tại cụm tháp cổ Dương Long

Những phát hiện mới tại cụm tháp cổ Dương Long
Cụm tháp Dương Long (thôn An Chánh, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) được xây dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ 12, thời Vua Chămpa Jaya Indravarmadeva.
Những phát hiện mới tại cụm tháp cổ Dương Long ảnh 1
Cụm tháp Dương Long nhìn từ xa

Mới đây, các cán bộ Bảo tàng tổng hợp Bình Định vừa tiến hành khai quật lần 2 khu vực xung quanh chân tháp cổ này và đã phát hiện những điều mà trước nay chưa hề được biết đến một cách trọn vẹn về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của những tòa tháp Chăm cổ xưa. 

Qua khai quật, các nhà chuyên môn thu được hơn 1.000 hiện vật gồm các bức phù điêu, diềm trang trí và một số mảnh gốm sứ (chưa phân loại cụ thể); đặc biệt là phát lộ gần như hoàn toàn nền móng với bệ đỡ quy mô, kiên cố; bề mặt chạm khắc hết sức độc đáo mà từ trước đến nay chưa có một tài liệu nào mô tả về bộ phận kiến trúc này.

Hầu hết các tháp Chăm ở Bình Định có nền móng được gia cố khá đơn giản, chủ yếu bằng đá ong, đất cát, đá cuội.

Trong khi đó, ở cụm tháp Dương Long, nền móng tháp được xử lý sẵn, bề thế; bước đầu xác định gồm 4 lớp đá ong, 7 lớp gạch được xếp chồng khít lên nhau; chân đế bo quanh thân tháp đường kính hơn 20 mét được làm bằng đá sa thạch chồng khít lên nhau tạo thành nhiều tầng, nhiều diềm mái chạm trổ hoa văn, hình thú cầu kỳ, tinh xảo.

Những phát hiện mới tại cụm tháp cổ Dương Long ảnh 2
Một trong số hàng nghìn hiện vật thu được

Căn cứ vào hiện trạng bài trí, kết nối, có thể khẳng định rất có thể nơi này là điểm tạo táng một nhân vật chính yếu thời đó, bởi khi đề cập đến tháp Dương Long, sách Đại Nam nhất thống chí viết: "Phàm những chỗ xưng là tháp đều là nơi hỏa táng của quốc vương và vương hậu Chiêm Thành".

Một phát hiện mới khác: Tại chân đế của hai tháp phụ, nhiều bộ phận kiến trúc, phù điêu vẫn còn dang dở. Theo tiến sĩ Đinh Bá Hòa - Phó giám đốc Bảo tàng tổng hợp Bình Định thì điều này có thể là khi cụm tháp đang thi công thì quốc vương Chămpa gặp biến cố nên phải dừng lại; hoặc đã thi công hoàn thiện lần đầu tiên nhưng người kế tục chỉnh sửa lại kiến trúc.

Hiện Sở VH-TT Bình Định đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để mở một cuộc tọa đàm về di tích văn hóa Chăm trên địa bàn tỉnh, dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 11/2006 tại TP Quy Nhơn.

Theo Đình Phú
Thanh niên

MỚI - NÓNG