Những phiên chợ tình mùa xuân miền biên ải

Những phiên chợ tình mùa xuân miền biên ải
Chài ơi, pây hội bươn chiêng. Vằn tèo vằn hội, tèo hội. Vui lai… Tôi nhận được thông điệp của cô gái dân tộc Nùng súng sính trong tà áo nhuộm chàm sau bụi hoa sim lưng đồi.

Anh chàng thổ công ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Nó bảo mày đêm nay đi phiên chợ Thổng báo Slao - đêm chợ tình của những trai gái chưa có chồng, vợ. Mày nhìn xuống thung xem, có cả cái chữ viết to trên vải đấy thôi!”.

Ngày hội đầu xuân của xã Quốc Khánh huyện Tràng Định - một huyện xa xôi hẻo lánh phía Tây Bắc miền biên ải xứ Lạng được tổ chức vào cuối tháng giêng âm lịch năm nay có cả hát Sli, hát lượn, đánh sảng, ném còn.

Tiếng đàn, tiếng sáo và tiếng gọi nhau í ới vang góc đồi, gốc núi làm chộn rộn trái tim của các chàng trai, cô gái Tày, Nùng, Dao… ở 27 thôn, bản trong xã về dự hội. Nghe phiên chợ tình Thổng báo Slao tổ chức ở Long Thịnh, xã Quốc Khánh, nhiều chàng trai ở Đông Khê (tỉnh Cao Bằng) và Na Rì (tỉnh Bắc Cạn) – nơi giáp ranh với huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) cũng tìm về dự…

Tôi chợt thấy ánh sáng lóe lên từ chiếc răng vàng trong miệng cười xinh của cô gái bản chưa quen biết như hờn trách chờ đợi tín hiệu từ phía chúng tôi. Tôi cấu vào sườn chàng trai thổ công: “Cậu phải dịch câu hát nói vừa rồi của cô gái cho tớ chứ?”. Anh bạn người dân tộc Nùng cười: “Anh ơi! đi phiên chợ mùa xuân. Ngày tiếp ngày, chợ tiếp chợ. Vui lắm!”

Khi ánh mặt trời lặn xuống dãy núi Háng Cáu thì cũng là lúc bên những lùm hoa sim, hoa mua từng nhóm trai làng khỏe mạnh đi tìm những cô gái bản tuổi trăng tròn áo cánh 4 thân, 5 thân, thắt dây lưng, khăn đội đầu.

Đêm xuống. Tiếng Sli cất lên từ một góc đồi, tiếng Lượn cất lên từ ngọn núi… Rồi ánh đèn pin tỏa sáng nhấp nháy tứ phía. Tôi và anh bạn không dám đến chỗ hẹn ban sáng bởi tôi không biết hát. Chỉ khi câu hát “ưng nhau” thì từng đôi mới tách ra khỏi chúng bạn rồi mất hút vào những khoảng trời mênh mông đồi núi. Chợt thấy ánh sáng từ khóe miệng cô gái lướt qua cùng một chàng trai người Nùng, anh chàng thổ công tinh ý liền bảo: “ở đây, nhiều người bịt răng vàng lắm. Mốt đấy!”

Một đám trai cất tiếng Sli: “Đêm đã xuống khuya rồi, người thương ơi, có ưng nhau thì cho xem mặt!?”. Bên kia đáp: “Có mặt trời hạt mới nảy mầm, có ngọn lửa gạo mới thành cơm”. Nghe thấy vậy, từng chàng trai tiến đến cô gái mà ban sáng “định vị” trước, một tay cầm đèn pin rọi vào mặt cô gái. Thấy đúng đối tượng thì tay còn lại đưa cho cô gái một vật kỷ niệm, có thể là một cái Còm lót (cái giỏ nhỏ đan bằng tre rất cầu kỳ, được trang trí hoa văn họa tiết dùng để đựng chỉ thêu, đồ dùng cá nhân) hoặc cái khăn tay thêu hình đôi chim…

Tôi lại thấy từng đôi tản ra đi về góc núi. Khoảng 8 giờ tối tôi đã bỏ trong tay mình 53 hạt ngô. đó là cách tính mà anh bạn thổ công dạy: “Cứ đếm được 1 đôi thì bỏ ra một hạt ngô”. Từ đỉnh núi Háng Cáu nhìn xuống, ánh đèn của các đôi trai gái như những ngôi sao miền biên ải cũng nhấp nháy như chia vui trong đêm hội Thổng báo Slao…

… Tôi theo chúng bạn bám đoàn tàu từ thành phố Lạng Sơn chạy về hướng Bản Thí (huyện Chi Lăng). Tiếp theo Thổng báo Slao ở Tràng Định, phiên chợ tình Bản Thí được tổ chức vào đầu tháng 2 âm lịch. Trăng đầu tháng chênh chếch sườn non. Chợ tình Bản Thí chủ yếu là dành cho các đôi nam nữ dân tộc Nùng và chỉ sôi động, náo nhiệt vào ban đêm. Chúng tôi ngồi trong đám lau, sậy ven đường.

Khi đoàn tàu đi khỏi, từng đám hát đứng trên thanh ray ngước nhìn tìm kiếm bạn tình rồi cất tiếng hát. Trên sườn đồi, gái bản đang sửa tóc, soi gương bằng ánh đèn pin. Càng về đêm tiếng hát càng say mê, nồng thắm. Tiếng hát quyện vào nhau, trong không gian. Chợ hát như gần nhau hơn, chật ních những tâm tình. Chúng tôi không dám đi lại thoải mái như ở phiên chợ Thổng báo Slao Tràng Định vì sợ vướng vào câu Sli, câu Lượn đang giăng khắp nơi…

Nhập nhoạng sáng. Tiếng còi tàu cất lên lanh lảnh. Mắt tôi cay xè vì vừa thiếp đi chốc lát trong lùm hoa sim. Có tiếng cười khúc khích, đôi má các cô gái ửng hồng. Những chàng trai bịn rịn chia tay, họ hẹn nhau vào ngày này năm sau. Tiếng Sli, lượn giã từ lại cất lên. Đoàn tàu giống như một gánh hát sôi động… Anh bạn thổ công xuất hiện, mặt hắn nở một nụ cười tươi, phởn phơ nói: “Tranh thủ lúc ông ngất, tôi chạy đi hát một tý. Thế nào, đến tháng 3 âm lịch tới là phiên chợ Xuân Tình, huyện Lộc Bình đấy. Đi không?”. Tôi gật đầu nhưng không quên mặc cả: “Ôkê! Nhưng cậu phải dạy cho tớ một bài hát Sli mới được. Không thì thiệt lắm…”.

Xứ lạng, mùa lễ hội xuân2005

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.