Những "tai nạn" của MC

Những "tai nạn" của MC
Ngã nhào, trượt chân trên sân khấu, nói ngọng, nói sai kịch bản… là những tai nạn thường thấy của các MC. Trước những tình huống cười ra nước mắt như vậy, họ phải rất nhanh trí xử lý tình huống, hoặc là chịu "quê mặt" với khán giả.

Dưới đây là những bộc bạch của chính những người trong cuộc.

Thanh Bạch... ngã nhào

"Tôi nhớ hoài những kỷ niệm trong đêm Chung kết Hoa hậu toàn quốc năm 2000. Theo kịch bản, tôi sẽ giới thiệu ca sỹ Phương Thanh ra hát. Khi cô ấy bước ra thì bậc cao của sân khấu sẽ xoay và tôi đi vào. Thế nhưng lúc tôi vừa mới xướng tên Phương Thanh, các anh phụ trách sân khấu đã xoay bậc đạo cụ. Kết quả: tôi rơi xuống sàn thật mạnh, thật đau và nằm như con ếch.

Trong tích tắc, tôi kịp định thần. Lúc ấy, khán giả đã đứng cả lên. Người biết tôi ngã thì thật lo lắng. Người không biết thì nghĩ rằng tôi vừa diễn một màn ngã quá độc đáo.

Còn tôi, phản ứng trước tiên là cử động tay, chân xem có làm sao không. Khi tin chắc mình không hề hấn gì (dù toàn thân ê ẩm), tôi đứng lên sau động tác hít đất. Tiếp đó tôi làm động tác gồng mình như Lý Đức. Bên dưới khán giả vỗ rần rần còn tôi thì đi thẳng vào cánh gà.

Sau sự cố ấy, tôi nghiệm ra rằng, mặc dù công việc của MC là nói, nhưng động tác hình thể đôi khi cũng hỗ trợ rất nhiều".

Ngọc Oanh… nói ngọng

"Nói ngọng là điều tối kỵ của MC. Thế mà trong một chương trình ca nhạc phục vụ chiến sỹ, khi giới thiệu ca khúc Bài ca người lính, tôi dõng dạc nói thành Bài ca người… nính. Thật xấu hổ không thể tả. Lý do dẫn đến tai nạn trên là vì mỗi khi nói chuyện với bạn bè, tôi hay nói ngọng cho vui, đâm quen".

Quỳnh Hoa suýt chụp ếch

"Tôi cũng có kỷ niệm giống anh Bạch: Gặp tai nạn do sân khấu di động. Chuyện xảy ra khi rôi làm MC cho live show Đan Trường năm 2005.

Theo kịch bản, lúc nhạc nổi lên, sân khấu mới tách đôi. Nhưng ngay khi tôi vừa bước ra giới thiêu thì sân khấu bị kéo ra. Chao đảo, sợ ngã nên tôi phải đứng… tấn để giữ thăng bằng.

Hôm ấy tôi mặc váy nên đứng vậy trông rất buồn cười. Song, lúc ấy tôi không còn biết xấu hổ là gì đâu, thậm chí còn không biết mình đã nói gì. Sau này xem lại đĩa ghi hình, tôi thấy mặt mình trông thật là "ngố". Bây giờ, mỗi khi dẫn chương trình ở sân khấu di động là tôi cẩn thận lắm".

Giáng My nói không… thành tiếng

"Tai nạn của tôi khi làm chương trình Mi's show Sắc màu phụ nữ không ít.

Ví dụ, có lần tôi và các cộng sự thở phào nhẹ nhõm sau buổi quay của Sắc màu phụ nữ. Thế nhưng khi kiểm tra thì chỉ thấy miệng tôi nhép chứ không lên tiếng. Vậy là tất cả mọi người phải làm lại".

Phương Thảo thỉnh thoảng… nhớ nhầm

"Dù mới vào nghề vài năm nhưng tôi cũng có những kỷ niệm không thể nào quên. Vì là người mới nên tôi rất cẩn trọng và luôn chuẩn bị thật kỹ mỗi khi dẫn chương trình. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng làm được như mình mong muốn.

Năm 2004, tôi dẫn chương trình trao giải truyện ngắn của tạp chí Tiếp thị & Gia đình. Đến phần biểu diễn của nhóm Mây Trắng, tôi lại giới thiệu là nhóm Mắt Ngọc. Sau đó, tôi đi thẳng vào cánh gà mà không hề biết mình nhầm lẫn.

Anh Quân: "trái táo" - "trái bom"

"Tôi đã gặp sai sót do thiếu am hiểu về ngôn ngữ địa phương. Chuyện xảy ra năm 2004. Khi ấy, tôi mới vào Thành phố Hồ Chí Minh và tham gia dẫn chương trình Truyền hình trực tiếp Khát vọng trái tim cùng chị Quỳnh Hoa.

Chương trình có phần trò chơi dành cho khán giả theo kiểu hỏi - đáp. Sau khi câu hỏi đặt ra, đáp án của một bạn gái là: "Táo", còn bạn trai cùng đội ghi là: "Bom". Thấy kết quả này, tôi phán ngay là sai. Cả khán phòng cười ầm, còn tôi ngơ ngác.

Ngay lúc đó Quỳnh Hoa… giải cứu: "Anh Quân mới từ Hà Nội vào nên không biết trong Nam gọi trái bom là trái táo". Từ đó, tôi hay sưu tầm các bài khác biệt ngôn ngữ của hai miền Nam - Bắc để khỏi… ngơ ngác lần nữa".

Minh Hương nhảy để bớt lạnh

"Tôi cũng thường gặp rất nhiều sự cố trong công việc của mình, đôi khi do khách quan nhưng cũng lắm khi do mình chủ quan mà ra.

Năm 2001, tôi dẫn chương trình giao lưu hàng tháng tại Nhà Văn hoá Thanh niên. Lần nọ, tôi mặc chiếc áo dài có tà rất dài. Khi bước ra sân khấu, không may giày tôi giẫm lên tà áo và nghe tiếng… roạt. Tiến thoái lưỡng nan, không thể quay vào sân khấu để kiểm tra, phản ứng của tôi là một tay cầm micrô nói, một tay nắm chặt hai tà áo dài với nhau. Xong nhiệm vụ, tôi vội vã chạy vào sân khấu. Đúng là tà áo dài đã rách một đường thật.

Ngoài ra, tôi còn có một kỷ niệm vui khi cùng anh Thanh Bạch dẫn chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện cho trẻ em mồ côi, nghèo, khuyết tật tại sân vận động Mỹ Đình năm 2005.

Hôm ấy trời rét lắm, tôi lại chịu lạnh rất kém nên chân run, miệng cứng đơ, nói không ra tiếng. Thế mà đạo diễn yêu cầu thay nhiều trang phục. Mỗi lần thay xong, bước lên sân khấu, tôi và anh Bạch cứ vừa nói, vừa nhảy nhảy để bớt lạnh".

Theo Thuý Mai - Phúc Nghệ
Thế giới văn hoá

MỚI - NÓNG