Những thợ lặn đàn bà cuối cùng ở đảo Jeju

 Những thợ lặn đàn bà cuối cùng ở đảo Jeju
TP - Nét độc đáo của đảo Jeju, Hàn Quốc chính là những người làm nghề lặn biển để kiếm sống. Họ đều là phụ nữ. Thay vào đó, đàn ông làm việc nhà và chăm sóc con cái.

Giải thích cho điều này, có tài liệu cho rằng, nó bắt nguồn từ thời xa xưa, luật pháp qui định, đàn ông kiếm sống bằng nghề lặn biển phải nộp thuế rất cao. Vì thế, người dân nơi đây “lách luật” bằng cách để phụ nữ đi mò tôm, cá biển cho khỏi “sưu cao thuế nặng”. Trải qua mấy thế hệ, nay vẫn còn những phụ nữ ở đảo Jeju tiếp tục làm công việc này. Những người cao niên nhất vẫn còn lặn biển mưu sinh đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy, người trẻ tuổi nhất cũng ngoài 50 và dường như rất ít người trẻ tiếp tục đi theo con nghề này.

“Chúng tôi có thể ngâm mình dưới nước 3 giờ đồng hồ. Tính trung bình mỗi ngày ngoi lên, lặn xuống hơn 100 lần”.

Bà Jang Young Mi

Chiều nhạt nắng, chúng tôi gặp hai cụ bà vừa đi lặn biển về. Họ đang ngồi trò chuyện ngay trên mép biển Jeju, hòn đảo lớn nhất của Hàn Quốc. Họ là những báu vật sống của Jeju khi Hàn Quốc đang đệ trình UNESCO công nhận nghề của phụ nữ lặn biển Jeju là di sản phi vật thể của nhân loại.

Nếu như 11 năm trước, tôi đến Jeju mà chỉ được nghe những câu chuyện ngỡ như truyền thuyết, thì trong lần trở lại lần này (2015), tôi may mắn được gặp gỡ, nghe họ trò chuyện và chứng kiến họ lặn biển mò kiếm hải sản như thế nào.

Những phụ nữ dầm mình dưới biển

Khi hỏi nghề lặn biển có từ bao giờ, bà Lee Moo Nyeo, 71 tuổi, nhanh nhảu kể: “Từ lâu lắm rồi, có thể từ 200 năm trước. Từ thời tôi sinh ra đã có rồi. Tính đến nay, tôi đã làm nghề này được hơn 50 năm rồi. Tôi không hề thấy hối tiếc”.

 Những thợ lặn đàn bà cuối cùng ở đảo Jeju ảnh 1

Tự tin trong trang phục lặn biển.

Khi chúng tôi tò mò muốn được chứng kiến các bà lặn biển, bà Lee Moo Nyeo và bà Jang Young Mi,  61 tuổi đã không ngần ngại khoác đồ nghề lên người và nhảy xuống biển bơi lặn như cá. Lúc đó, không ai nghĩ, họ đã cao tuổi.

Trước khi nhảy xuống nước, các bà giới thiệu cho chúng tôi trang phục lặn biển của mình. Chỉ vào chiếc vòng xích bằng đá khá nặng quấn quanh eo. Bà Mi nói: “Tùy vào tuổi tác và cân nặng mỗi người mà chiếc vòng đá có thể nặng hay nhẹ để giúp người chìm xuống nước. Tôi có thể lặn sâu được 15m- 20m. Mùa bắt được nhiều loài sinh vật biển nhất là vào tháng 6”.

Trang phục lặn biển của các bà là một bộ quần áo bằng cao su dày kín mít khắp người. Riêng khuôn mặt cũng được bịt kín bằng chiếc mặt nạ kính giúp họ nhìn thấy các vật dưới nước. Họ thở qua chiếc ống tre gắn vào phần mũi của chiếc mặt nạ kính, hướng lên trên mặt nước.

Bà Mi cho biết: “Chúng tôi có thể ngâm mình dưới nước 3 giờ đồng hồ. Tính trung bình mỗi ngày ngoi lên, lặn xuống hơn 100 lần. Tất nhiên, không phải tháng nào cũng có thể lặn biển được 30 ngày, mà chỉ chừng 15 ngày thôi, phụ thuộc vào lúc thủy triều lên xuống. Trời mưa, chúng tôi vẫn lặn biển như thường, chỉ trừ ngày bão”.

Còn bà Nyeo kể, bà bắt đầu công việc này từ năm 18 tuổi và yêu công việc này cho tới ngày nay, dù khá nặng nhọc. Ở tuổi 71, bà vẫn có thể ngụp lặn khá nhanh nhẹn. Bà cho biết, chừng nào còn sức khỏe, bà vẫn còn lặn biển. Khi bắt được con sứa, bà reo lên sung sướng như đứa trẻ và quẳng lên bờ cho chúng tôi xem.

 Những thợ lặn đàn bà cuối cùng ở đảo Jeju ảnh 2

Nhanh chóng kiếm được “chiến lợi phẩm” và khoe với mọi người.

Trong khi bà Nyeo làm công việc này theo sở thích vì chồng đã mất, con cái đã lớn, có thể tự lập trong cuộc sống, thì với bà Mi, đây là nghề kiếm sống chính hiện nay vì các con của bà còn nhỏ. Với công việc này hiện nay, mỗi ngày một người có thể kiếm được 50 đô la, người giỏi có thể kiếm dược 200 đô la, tùy thuộc vào các sản phẩm họ bắt được.

Vất vả phận nữ lặn biển

Theo lời kể của các lão bà lặn biển, thời xưa, khi cuộc sống còn nghèo khổ, phụ nữ phải lặn biển kiếm sống quanh năm. Thậm chí có người mang bầu to vượt mặt vẫn phải làm việc cho tới khi sinh nở. Có người, do nhà quá nghèo, vừa sinh con xong đã phải ra biển để kiếm đồ ăn cho mình và cho cả gia đình.

Hiện nay, các hiệp hội nghề cá đã được thành lập và chính quyền đảo Jeju có nhiều chính sách hỗ trợ, chăm sóc y tế cho những người phụ nữ lặn biển. Do công việc nặng nhọc, luật chỉ cho phép họ làm việc tối đa 4 tiếng mỗi ngày.

Dù có nhiều hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương và chính phủ Hàn Quốc, nhưng với cuộc sống hiện đại ngày nay, rất ít phụ nữ trẻ theo đuổi cái nghề nặng nhọc và nguy hiểm này. Theo một cuộc điều tra năm 2013, người trẻ tuổi nhất theo nghề này cũng tầm 40- 45 tuổi, 90% trong số họ ở độ tuổi trên 50, 51% trong số đó đã trên 70 và chỉ có một vài người trên 80 tuổi.

 Những thợ lặn đàn bà cuối cùng ở đảo Jeju ảnh 3

Không chỉ là công việc nặng nhọc, nghề lặn biển còn mang nhiều rủi ro. Theo các bà, do mải mò kiếm hải sản, nguy cơ va chạm với tàu bè ven bờ khá phổ biển. Trung bình một năm có tới 5-6 người không may thiệt mạng khi lặn biển.

Căn bệnh phổ biến đối với họ là bệnh cao huyết áp. Thế nhưng, nguyên nhân khiến họ bị tử vong nhiều nhất khi lặn biển là bệnh tim. Kể từ năm 2008, Jeju đã mở trường học lặn biển, cung cấp những kiến thức cơ bản về các kỹ năng an toàn khi lặn biển. Bà Mi, trưởng nhóm thợ lặn của làng cho biết, trước kia trong làng có tới 70-80 thợ lặn, giờ chỉ còn khoảng 30 người trong làng theo đuổi nghề này. 

Những phụ nữ lặn biển (theo tiếng Hàn là Haenyeo) là những báu vật sống ở đảo Jeju. Đảo Jeju đã xây dựng một bảo tàng về họ và mở trường dạy về nghề này.

MỚI - NÓNG