Những 'tín đồ' Vespa ở Đà Lạt

Những 'tín đồ' Vespa ở Đà Lạt
TP - “Tôi không chơi bất cứ một loại xe nào khác ngoài xe Vespa. Bởi lẽ, nó hấp dẫn đến nỗi đã đi loại xe này rồi thì không thích đi xe khác nữa”- Ông Lê Văn Thành, một người chơi Vespa sành điệu ở Đà Lạt khẳng định như vậy.
Những 'tín đồ' Vespa ở Đà Lạt ảnh 1
Ông Bửu Dược thời trẻ và chiếc Vespa Piagio DAA020 (năm 1953)   

Theo dân chơi Vespa sành điệu ở Đà Lạt, những chiếc xe mang nhãn hiệu Vespa do Italy sản xuất bắt đầu có mặt tại phố núi vào những năm 1950 của thế kỷ trước.

Các đời xe như: Acma, Standard, Super và Sprin một thời đã từng là niềm mơ ước của rất nhiều người. Nếu may mắn sở hữu những chiếc Standard đời 25, 26; Super đời VPC 44, 45, 46; Sprin đời 08 thì còn gì bằng!

“Mua một chiếc xe Vespa ở vào thời điểm bấy giờ đắt lắm. Nó đúng bằng giá mua một ngôi nhà (khoảng 4 cây vàng), vì thế chỉ có những gia đình quý tộc ở Đà Lạt mới chơi loại xe này” - Ông Lê Văn Thành (66 tuổi), một tay chơi Vespa sành điệu, nhà ở số 26G - Yersin - TP Đà Lạt cho biết.

Rõ ràng, xe Vespa thời bấy giờ không những rất có giá trị về mặt vật chất mà còn có sức hấp dẫn, mê hoặc giới trẻ đến lạ thường. Thế nên người ta mới có câu: “Một trăm lời nói không bằng tí khói Sprin” là như vậy.

Đi tìm “hàng độc”

Khảo sát một vòng quanh Đà Lạt, theo một nguồn tin riêng, hiện nay Đà Lạt có trên 100 chiếc xe Vespa các loại. Riêng “hàng độc” thì mới chỉ có 2 chiếc Piagio LX150 (1 màu đen và 1 màu vàng) chạy bằng ga, giá mỗi chiếc không dưới 90 triệu đồng.

“Điểm mặt” có khoảng 10 điểm sửa xe Vespa trên các trục đường: Phan Bội Châu, Hai Bà Trưng, dốc Hải Thượng, Đa Thiện… Anh Hương (quê Bình Định) cho biết, người có thâm niên sửa xe Vespa lâu nhất ở Đà Lạt đó là ông Chín gù - sư phụ của anh. Yêu thầy, yêu nghề và yêu xe Vespa nên anh quyết định gắn bó với chiếc “bình bịch” này suốt 25 năm qua.

Để trở thành một ông chủ có tiếng tăm, “chuyên trị” các loại xe Vespa ở phố núi như bây giờ, anh không thể nào quên cái ngày đầu tiên theo thầy “Chín gù” học nghề. Phải mất 10 năm “lên bờ xuống ruộng”, đến năm 1982 anh ra nghề và trở thành ông chủ, sớm hôm tất bật cùng với đám học trò cũng yêu xe không kém.

Điều độc đáo nhất ở người “đệ tử ruột” của ông chín gù này là anh chẩn đoán bệnh cho xe rất tài tình. Chỉ cần nghe tiếng máy nổ là biết ngay xe hư cái gì và trục trặc ở bộ phận nào rồi. Riêng cái thú chơi xe Vespa của anh kể cũng lạ. Chiều nào cũng vậy, sau khi sửa xe cho khách xong thế nào anh cũng lấy “cục cưng” của mình ra lượn một vòng bờ hồ rồi mới chịu về nhà.

“Không gì đã bằng khi nghe tiếng máy Vespa nổ bâng bâng mỗi khi xe xuống dốc. Tiếng Vespa cứ thế đi cả vào trong giấc ngủ, nghe rất sướng cái lỗ tai!” - Anh tâm sự.

Ông Thành tự hào: “Tôi chơi có đến 6 đời xe Vespa rồi. Nói thật, từ năm 1964 đến nay tôi không chơi bất cứ một loại xe nào khác ngoài xe Vespa. Bởi lẽ, nó hấp dẫn đến nỗi khi đã đi loại xe này rồi thì không thích đi xe khác nữa”.

Được biết, ông Thành hiện đang sở hữu một chiếc Vespa PX150 sản xuất năm 1985 còn “din” đến trên 90%, trị giá khoảng 55 triệu đồng. Sở dĩ anh thích chơi loại xe này vì nó đẹp, sang trọng và trông rất lịch lãm. Hơn nữa, loại xe này chạy bằng láp chứ không phải chạy bằng nhông sên nên rất an toàn cho người sử dụng. Có điều là người chơi phải biết cách đi, biết cách chăm sóc, bảo quản thì xe mới bền.

Dân chơi Vespa ở Đà Lạt yêu xe như yêu con vậy. Không chỉ biết đi xe, điều quan trọng là đòi hỏi người chơi những chiếc “con cưng” này còn phải biết cách dựng xe nữa. Cứ nhìn bất cứ một chiếc Vespa đang dựng ở đâu đó thì có thể nhận biết được ngay chủ xe là người như thế nào, có biết chơi xe hay không - Ông Thành quả quyết.

Đoạn, ông bật mí cho chúng tôi  một nguồn “tư liệu sống” quý như vàng: “Người chơi Vespa đầu tiên ở Đà Lạt đó là ông Bửu Dược, nhà ở gần ngã 3 Tỉnh Đội. Nhà báo cứ tìm gặp sẽ rõ”.

Gặp một pho “tư liệu sống”

Những 'tín đồ' Vespa ở Đà Lạt ảnh 2
Ông Bửu Dược say sưa giới thiệu với tác giả về “cục cưng” đầu tiên của ông ở Đà Lạt  

Chúng tôi tìm đến nhà riêng của ông Bửu Dược ở số 1B/1 đường Thông Thiên Học - Phường 2 - TP Đà Lạt đúng vào lúc ông đang có tiết dạy tiếng Đức cho một học viên sắp sang định cư tại đây. Cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi gặp ông già 74 tuổi này là ông rất minh mẫn, nhanh nhẹn, da dẻ hồng hào và đặc biệt rất niềm nở trước vị khách không mời mà đến.

Dù khá bận rộn (lịch dạy ngoại ngữ của ông kín bưng từ sáng đến tối), nhưng vị giáo sư khả kính rất giỏi tiếng Anh, Pháp, Đức này vẫn dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện thân tình và thú vị.

“Nghe nói, ông là người chơi Vespa đầu tiên ở Đà Lạt?” - Chúng tôi hỏi. “Đúng vậy! Tôi chơi Vespa từ năm 1953, khi ấy tôi mới 18 tuổi. Chơi xe Vespa rất thú vị, nhưng phải mặc com-lê mới đúng điệu” - Ông Bửu Dược tự hào nói. Thì ra, ông đã chơi  đến 7 đời xe Vespa và là người đầu tiên ở Đà Lạt chơi loại xe này.

Đưa cho chúng tôi xem những tấm ảnh chụp kỷ niệm cùng với những chiếc Vespa cáu cạnh thời còn trai trẻ, ông nhớ lại: Vào năm 1953, sau khi “tậu” về chiếc Vespa Piagio đầu tiên, ông được một huấn luyện viên người Pháp tên là Dumourrier huấn luyện một khóa cấp tốc về cách chạy Vespa.

Thế là ít lâu sau ông bắt đầu biểu diễn tài nghệ của mình bằng cách đứng thẳng người trên xe, thả cả hai tay chạy vòng quanh hồ Xuân Hương, trước sự trầm trồ thán phục của nhiều người. Độc chiêu hơn phải kể đến là cú biểu diễn ngoạn mục: cả 5 người cùng ngồi trên một chiếc Vespa chạy quanh bờ hồ và cứ thế lần lượt thay phiên nhau cầm lái trong khi xe đang chạy…

Nghe ông kể mà rợn tóc gáy! Ông cũng là người duy nhất ở Đà Lạt đoạt giải II trong cuộc thi “Lái Vespa khéo” do VINACO (đại diện của Hãng xe Lambretta) tổ chức. Đây là giải thưởng danh giá và uy tín nhất được tổ chức để quảng bá cho 2 hãng xe lúc bấy giờ.

Còn nữa, một thú chơi xe không kém phần nghịch ngợm trong nhóm bạn bè của ông thời trai trẻ bấy giờ là mỗi khi đêm xuống, vài chiếc Vespa trong nhóm lại xuống đường biểu diễn. Xe đi trước cách xe thứ hai khoảng 100m thỉnh thoảng đổ một ít xăng xuống đường (xăng máy bay), chiếc Vespa chạy sau dùng càng chân chống xe cà xuống mặt đường đánh lửa…

 Lúc thì biểu diễn đánh lửa bên trái, lúc bên phải, tạo nên những đốm sáng nối nhau trông rất đẹp mắt. Theo ông, chỉ có Vespa mới chạy đánh lửa kiểu như vậy, những loại xe khác không thể làm được. Một số xe Vespa ở Đà Lạt còn giữ cho đến bây giờ là đều được mua lại từ những đời xe của ông.

Nói về dân chơi Vespa cổ ở Đà Lạt, một du khách người Mỹ từng nhận xét: “Thật tuyệt vời! Các bạn chơi Vespa cổ rất sành điệu. Điều khiến chúng tôi bất ngờ là có nhiều chiếc Vespa vẫn còn giữ gần như nguyên vẹn”.

MỚI - NÓNG