Nick Út: “Em bé Napalm” phải trở về Việt Nam

Nick Út trao “Em bé Napalm” cùng ảnh và hiện vật khác cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Toan Toan.
Nick Út trao “Em bé Napalm” cùng ảnh và hiện vật khác cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Toan Toan.
TP - Nhiếp ảnh gia Nick Út được giải Pulitzer với bức ảnh “Em bé Napalm” trao tặng năm tấm ảnh và một chiếc máy ảnh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hôm 6/5. Ông chia sẻ với Tiền Phong xung quanh sự trở về Việt Nam lần này.

Được biết hầu như dịp 30/4 nào ông cũng về Việt Nam, sự trở về này có ý nghĩa gì đặc biệt không?

Sắp tới ngày kỷ niệm 45 năm bức ảnh “Em bé Napalm”, tôi muốn tặng lại những tấm hình cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Thực ra nhiều bảo tàng trên thế giới đều muốn những bức ảnh đó và chiếc máy ảnh Nikkormat của tôi. Nhưng tôi nghĩ mình là người Việt Nam thì phải mang về quê hương. Đó là mong muốn của tôi. Hơn nữa, nạn nhân trong bức hình là nữ, tôi nghĩ không đâu thích hợp hơn Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Nhiều bảo tàng trên thế giới đều có hình Kim Phúc. Bảo tàng tại Washington DC có khá đầy đủ tài liệu về Kim Phúc kể cả chiếc máy ảnh chụp Kim Phúc, thẻ nhà báo của tôi họ xin tôi từ năm ngoái và tôi đã cho.

Năm bức ảnh tôi tặng lại Bảo tàng dịp này gồm có “Em bé Napalm”, bức ảnh bà ngoại Kim Phúc ẵm đứa em bị chết vì bom, bức hình tôi dội nước và chuẩn bị đưa Phúc vào bệnh viện do đồng nghiệp chụp. Mỗi năm tôi đều về Việt Nam, nhưng chuyến trở về này có ý nghĩa quan trọng: Tôi muốn đem ảnh về triển lãm tại đây. Tôi rất mong muốn làm điều đó vì từng triển lãm nhiều nơi trên thế giới, tôi vừa trở về từ châu Âu.

Trong suốt hơn năm mươi năm cầm máy, có khi nào ông cảm thấy khó khăn không thể bấm máy?

Thật sự tôi tích lũy khá nhiều kinh nghiệm, khi thấy khó khăn tôi thay đổi cách tiếp cận. Thứ nhất tôi dùng ống tele để không cho người ta biết mình chụp. Thực tế nếu chụp ảnh mà đứng quá gần nhân vật rất khó khăn, tôi từng gặp trường hợp này rồi. Đó là gia đình có người thân bị bắn chết và một người phụ nữ khóc thảm thương, khi thấy tôi chụp ảnh bà ấy phản đối. Đôi khi tôi cũng nghĩ không nên chụp, nhưng bổn phận người phóng viên bắt buộc tôi phải làm. Có những người có tội phải ra tòa xét xử đâu có muốn chụp hình, nhưng tôi vẫn phải làm và sau đó tôi cũng nói xin lỗi vì đó là công việc của tôi.

Từ một phóng viên chiến trường trở về với công việc ở Mỹ và gắn với các ngôi sao ở Hollywood, điều này có làm ông thấy khó thích nghi?

Sau khi tôi chụp ảnh Kim Phúc tôi gặp nhiều may mắn, đi tới đâu cũng được giúp đỡ. Tại Mỹ đi vào nhiều nơi khó khăn không đem theo thẻ nhà báo nhưng ai cũng biết tôi và tạo điều kiện. Kể cả khi chụp Tổng thống Mỹ cũng thế, vì mấy nhân viên an ninh đều biết tôi, họ còn xin chữ ký của tôi nữa.

Khi tôi làm việc ở Los Angeles cũng nhiều chuyện xảy ra lắm. Có một vụ bạo loạn và tôi buộc phải vào khu người Mỹ da đen họ lăm lăm súng định bắn. Họ không biết tôi là người Việt Nam mà tưởng là người Hàn Quốc. Sau khi giải thích nhưng họ nói họ ghét người châu Á, thế là tôi bỏ đi. Mình cãi lại nhỡ họ bắn thì sao. Tôi từng nói trên báo rằng ngày xưa ở chiến trường Việt Nam tôi gặp nhiều nguy hiểm hai lần hút chết, vậy tại sao bây giờ ở Mỹ tôi cũng gặp nguy hiểm nữa. Tôi chụp rất nhiều sự kiện kể cả mấy vụ bạo động ở Mỹ, nguy hiểm không ít. Vừa rồi cuộc biểu tình chống Tổng thống Donald Trump chẳng hạn, người dân gào thét và không thích phóng viên nên họ đập ống kính. Tôi nghĩ mình nên tránh vì máy hư không sao nhưng mình bị đánh. Nghề phóng viên nguy hiểm lắm đâu chỉ riêng phóng viên chiến trường.

Thực tế có những bức ảnh nổi tiếng nhưng tác giả chịu sự chỉ trích nặng nề vì chỉ chăm chăm chụp ảnh mà không nghĩ tới hỗ trợ nạn nhân. Ông nghĩ sao về điều này?

Khi tôi chụp ảnh Kim Phúc tôi nghĩ nếu mình không làm gì cô bé sẽ chết. Lính Việt Nam Cộng hòa và các phóng viên khác họ đều mau chóng về Sài Gòn, nhưng tôi nghĩ nếu mình không giúp chắc sau này tôi tự tử mất. Các bạn còn nhớ Kevin Carter với bức Kền kền chờ đợi không, sau khi được giải Pulitzer anh ấy tự tử: Dù anh ấy có đưa đứa bé đến trạm cứu dưỡng nhưng dư luận chỉ trích quá dữ dội. Đó cũng là bài học cho nhiều phóng viên trẻ hiện nay. Sau này nhiều phóng viên chiến trường đều đưa nạn nhân vào bệnh viện chứ không chỉ lo làm nghề.

Ông có lời khuyên nào dành cho phóng viên trẻ Việt Nam?

Tôi hy vọng phóng viên Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng hơn nữa. Tôi nghĩ rằng đã là ảnh báo chí thì tuyệt đối không photoshop, ảnh chụp chơi thì được. Phóng viên lúc nào mắt cũng phải nhanh. Tôi tới bất cứ đâu kể cả cuộc họp báo tôi đều nhìn từng gương mặt trước khi chụp. Tôi thấy anh em phóng viên Việt Nam bây giờ xài máy móc tốt hơn tôi nhiều. Tất nhiên máy tốt không có nghĩa chụp ảnh đẹp, có người chụp điện thoại vẫn đẹp nhưng có người có máy tốt ảnh vẫn không đẹp. Điều quan trọng nhất là suy nghĩ trước khi chụp. Thứ nữa phóng viên cần biết điều tối kỵ là đưa mấy trăm tấm ảnh cho biên tập viên chọn vì họ ghét làm điều đó, chính phóng viên phải lựa những tấm hình đẹp nhất.

Được biết ông mới nghỉ hưu được ba tuần nay sau 51 năm làm việc cho hàng AP, hiện giờ ông cảm thấy thế nào?

Bây giờ tôi là người sung sướng nhất thế giới vì được tận hưởng cuộc sống. Thực ra tuần đầu nghỉ hưu tôi cũng buồn lắm, cứ bật ti vi lên coi tin tức là muốn lao ngay tới đó để chụp ảnh. Tuy nhiên bây giờ thích đi đâu tôi có thể xách ba lô đi khắp thế giới. Tôi cũng chỉ nghỉ ngơi ít bữa thôi, sau đó tiếp tục làm việc với tư cách tay máy tự do. Thời gian này tôi về Việt Nam thăm gia đình, bạn bè và triển lãm ảnh.

Cảm ơn ông.

Em bé Napalm do Nick Út chụp ngày 8/6/1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Ngày 6/5, Nick Út trao năm bức ảnh và chiếc máy ảnh Nikkormat từng sử dụng tại chiến trường Việt Nam cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Các bức ảnh này được trưng bày tại sảnh tầng 1 của bảo tàng hết 18/5.

MỚI - NÓNG