Niềm vui dưới tán xoài

Niềm vui dưới tán xoài
Đối với Peter Steinhauer, công việc nhiếp ảnh cùng đối tác Nguyễn Hoài Linh ở Việt Nam không chỉ đem lại cho anh hạnh phúc và nghề nghiệp. Anh còn nhiều niềm vui hơn thế...

Mối duyên nợ nhiếp ảnh giữa người Mỹ và người Việt đã có từ lâu, đặc biệt sâu đậm có lẽ là trong cuộc chiến 1954 - 1975. Mối duyên nợ này cho đến tận ngày nay vẫn in đậm, không phải trong các bức ảnh từ hai phía, mà triển lãm ảnh của Peter Steinhauer và Nguyễn Hoài Linh đang được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhân kỷ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ là một dấu ấn của nó. 60 bức ảnh đen trắng về Việt Nam của 2 tác giả được chụp từ năm 1994 - 2004.

Trong thông điệp của mình cho triển lãm, ngài Đại sứ Mỹ Michael W.Marine có nói đến “tầm quan trọng của ngoại giao nhân dân”. Điều ấy cũng có nghĩa là các bên thừa nhận tầm quan trọng của ngoại giao nghệ thuật. Bởi vì nghệ thuật là một trong những phần tinh tế sâu kín và thanh khiết nhất của nhân dân.

Và không có tiêu chí nào tốt đẹp hơn để đánh giá mối quan hệ giữa hai quốc gia hai nền văn hóa bằng thước đo chất lượng của ngoại giao văn hóa. Xuất khẩu tôm cũng như xuất khẩu Coca - Cola là rất quan trọng, nhưng nó chưa đủ để cho những con người ở hai bên “dòng lịch sử” có thể hiểu nhau đến nơi đến chốn.

Tuy nhiên, đã nói đến hai từ ngoại giao nghĩa là nói tới sự phong phú và nhiều cấp độ trong quan hệ mang tính nghi thức. Nó đôi khi không phản ảnh được toàn bộ sự sinh động của mối quan hệ giữa người với người, giữa những dòng lịch sử giao thoa.

Peter Steinhauer dường như đã được chọn làm một nghệ sĩ đại diện cho nền nghệ thuật ngoại giao trong dịp này.

Khi tôi tới quán Cà phê ảnh của Hoài Linh, thì Peter cũng ở đó, nhưng Peter không đến một mình. Anh chỉ là thiểu số trong ba người đã đến, những người kia là vợ và con gái của anh. Vợ anh, người gốc Việt. Con gái anh, khuôn mặt mang nhiều nét Á Đông.

12 năm làm việc tại Việt Nam, Peter Steinhauer có lẽ là đã hiểu về Việt Nam nhiều hơn bố anh - một cựu bác sĩ quân y làm việc tại chiến trường Nam Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt. Xét về những mối quan hệ chằng chịt ở xứ này, ngoài “nhà nhiếp ảnh” thì Peter Steinhauer còn là con rể của mấy dòng họ, là anh em rể, chú cháu rể vv và vv.

Những mối quan hệ như vậy thường không bắt buộc trong ngoại giao.

Những bức ảnh mà Peter Steinhauer trưng bày cùng Hoài Linh lần này phải khẳng định là nó rất Mỹ. Anh dường như thích phong cách nhiếp ảnh cổ điển, và đánh giá cao giá trị của cái cổ điển trong một xã hội đang có nguy cơ làm đổ vỡ nhiều di sản.

Những bức ảnh của anh có thể được lấy cảm hứng từ các nhà nhiếp ảnh kinh điển Mỹ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, những tác giả của các bức ảnh mà giá của chúng hiện nay lên đến hàng chục nghìn đô la. 

Ngoài ra chắc chắn anh đã từng tiếp xúc với kho tàng nhiếp ảnh rất căn cơ của người Pháp với xứ Đông Dương và thích thú sự kết hợp giữa cái động của phương Tây với cái tĩnh của Phương Đông, giữa cái giá trị lý trí nghiêm ngặt do các cá nhân tạo dựng và vẻ đẹp hoang dã bất ngờ của cuộc sống bản năng hồn nhiên.

Peter đã cùng Hoài Linh làm việc trong nhiều dự án, cùng triển lãm chung tại hai nước và cả ở các quốc gia khác. Hoài Linh nguyên là một phóng viên ảnh báo chí và anh là đứa con của nhiếp ảnh báo chí Việt Nam nói riêng và xứ Đông Dương nói chung, nơi diễn ra các cuộc chiến tranh tàn khốc, đồng thời cũng là nơi sản sinh ra các bức ảnh báo chí quan trọng bậc nhất một thời. Nơi đây, số lượng phóng viên nhiếp ảnh và quay phim thiệt mạng nhiều nhất.

Hoài Linh nói : “Tôi học tập được nhiều thứ ở Peter, tôi chấp nhận sự ảnh hưởng ở chừng mực nhất định. Chúng tôi quá hiểu về nhau, và vì thế sự ảnh hưởng qua lại không bao giờ đến mức tai hại”.

Hoài Linh khi gặp Peter thì vẫn còn dùng máy ảnh thuộc loại kém của Đông Đức cũ và còn là phóng viên ảnh lương ba cọc ba đồng, đôi khi phải chụp những bức ảnh minh họa với nội dung chẳng ra gì, nếu như không nói là chúng có cơ sẽ làm cho anh trở thành một tay nhiếp ảnh hết sức dớ dẩn, thậm chí đánh mất cả lòng tự trọng nghề nghiệp.

Sự xuất hiện của Peter và nhiều nhiếp ảnh gia khác tại Việt Nam đã làm cho những người như Hoài Linh ý thức được công việc nhiếp ảnh của mình, với tất cả sự phức tạp, khó khăn, với những tiêu chí thẩm mỹ phổ thông đương thời và ý thức hoạt động độc lập cũng như giá trị của cá tính sáng tạo.

Với kinh tế gia đình tương đối khá giả, Hoài Linh đã đầu tư rất nhiều trang thiết bị để hành nghề, anh sử dụng các máy ảnh loại tốt, chụp phim lớn, tự in tráng ảnh và tự mình quyết định các đề tài và các dự án của mình. 

Hoài Linh hiện là một nhà nhiếp ảnh tự do, anh không phải trông chờ mỏi cổ những đồng lương còm buộc bằng dây chun xanh, đỏ nữa. Hoài Linh cho biết trong triển lãm lần này, anh và Peter đã đo từng xăng - ti - mét tường để treo ảnh cho chuẩn, dùng thước đo như những người thợ mộc.

Họ tự tay cắt bo, làm khung, ký tên, đánh số. Ngay cả cái bút ký tên tác giả của Hoài Linh hiện dùng cũng đạt tiêu chuẩn, nét chữ của nó không bị nhòe và không phai trong khoảng 100 năm.

Tất cả những điều đó, Perter và những nhiếp ảnh gia quốc tế khác đến Hà Nội trong thời gian vừa qua đã đem tới cho Hoài Linh.

Tuy nhiên, Hoài Linh cho biết anh vẫn sẽ tiếp tục đi theo phong cách nhiếp ảnh xúc cảm mãnh liệt, nhiều chất đời thường của mình. Nhờ kiên trì như vậy mà năm 2005 anh đã cộng tác được với tạp chí National Geographic, một trong những tạp chí mà giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp rất hâm mộ.

Hoài Linh cho biết, anh tôn trọng mối quan hệ với Peter Steinhauer, và ngay cả ở Việt Nam, một mối quan hệ bạn bè đồng nghiệp kéo dài như thế có khi cũng rất hiếm. Hoài Linh nói : “Tôi rất tôn trọng văn hóa và lối sống của Peter”.

Họ là những người có thể gọi là cùng thế hệ, Peter sinh năm 1966 còn Hoài Linh sinh năm 1967. Đó là quãng thời gian chiến tranh Việt Nam hết sức khốc liệt và vì thế nó đi vào những bước ngoặt quan trọng.

Đối với Peter Steinhauer, có lẽ công việc nhiếp ảnh của anh tại Việt Nam đã đem lại hạnh phúc và nghề nghiệp, nhưng anh còn nhiều niềm vui  hơn thế. Tôi đã tình cờ chụp được hình ảnh đứa con gái của anh, bé Mai Vi, vặt lá cây xoài trước nhà Hoài Linh để đùa với bố. Peter rất sung sướng. Anh rất tươi, một thứ cung bậc tình cảm hiếm thấy đối với các nhiếp ảnh gia sống bằng nghề của mình trong xã hội hiện đại.

Đó đương nhiên không phải là nụ cười ngoại giao.

Nhưng đó chắc chắn là “hệ quả” của nụ cười ngoại giao, chúng được đặt nền tảng mười năm trước.

Cũng như hai nền nghệ thuật. Không có thứ nghệ thuật chỉ để ngoại giao. Nhưng có những thành quả nghệ thuật sản sinh sau ngoại giao.

MỚI - NÓNG