Nobel Văn học 2004: “Tình ơi là tình” đến Việt Nam

Nobel Văn học 2004: “Tình ơi là tình” đến Việt Nam
TP - Nước Áo ca ngợi bà như thiên tài nhưng cũng nguyền rủa bà như một nhà văn gớm ghiếc. Viện hàn lâm Thụy Điển tôn vinh bà là cây bút mạnh mẽ độc đáo nhưng liền sau đó phải chịu sự chia rẽ nội bộ và những chỉ trích từ giới báo chí, phê bình một giải Nobel không xứng đáng.
Nobel Văn học 2004: “Tình ơi là tình” đến Việt Nam ảnh 1

Người phụ nữ sống và viết giữa những luồng dư luận trái ngược ấy là Elfriede Jelinek, nhà văn đoạt giải Nobel văn học 2004 vừa xuất hiện tại Việt Nam qua cuốn tiểu thuyết “Tình ơi là tình” qua bản dịch của Lê Quang.

Sinh tại Úc, lớn lên tại Áo, làm vợ một người Đức, con người mà tuổi trẻ gắn liền với văn học, âm nhạc ấy khiến báo giới phải băn khoăn khi định danh: Nhà thơ? Kịch tác gia? Tiểu thuyết gia? Dịch giả? Nhà phê bình văn học hay một cây bút luận chiến chính trị, xã hội sắc sảo?

Tiểu thuyết là một trong hai lĩnh vực giúp Jelinek khẳng định tên tuổi với loạt giải thưởng danh giá, như: giải Kafka 2004 (Czeh), Nobel. Trong Tình ơi là tình hay Nghệ sỹ dương cầm chẳng có chàng, nàng hay tình yêu vĩnh cửu để tìm kiếm hay xúc động.

Với Jelinek, loài người chia làm hai nửa: đàn ông khan hiếm và vũ phu còn đàn bà thì độc ác và toan tính một cách ngu ngốc.

Qua những nhân vật phụ nữ trong tác phẩm của mình, Jelinek muốn phơi bày sự thật tàn nhẫn về lối hành xử bạo lực vốn có giữa hai giới nói riêng, giữa người với người nói chung, gióng hồi chuông về thực trạng: quyền lực và sự xâm hại đang ngày càng có xu hướng chi phối các mối quan hệ trong xã hội.

Bằng cái gai góc chỉ riêng Jelinek mới có, bà đã tìm thấy và phơi bày cái xấu, cái ác trong tâm hồn con người, đặc biệt trong bản chất của người đàn bà.

Điều này có thể hiện rõ nét trong Tình ơi là tình, cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh một vùng nông thôn hẻo lánh nước Áo, nơi những người phụ nữ chưa kịp thanh xuân đã tàn tạ, chưa kịp mơ ước đã toan tính, chưa biết yêu đương đã học giăng bẫy, và chưa được vuốt ve đã phải chịu đòn roi.

Cũng qua Tình ơi là tình, hiển hiện thành tựu ngôn ngữ trong sự nghiệp sáng tác của Jelinek, một trong những đóng góp được Viện hàn lâm Thụy Điển đánh giá  “Dòng suối đầy nhạc tính”.

Có thể nói, lối văn nổi loạn, đầy nhịp điệu, mê hoặc của Jelinek là sự cộng hưởng giữa thơ và văn xuôi, bùa chú và thánh ca, những màn giàu tính kịch và những cảnh giàu tính điện ảnh, sự phá bỏ những quy tắc ngữ pháp với những dấu chấm, phẩy đầy ngẫu hứng.

Bà còn sử dụng linh hoạt sáo ngữ trên báo chí và trong cuộc sống thường nhật, đồng thời kế thừa truyền thống ngôn ngữ phê phán xã hội hết sức tinh vi của Johann Nepomuk Nestroy, Karl Kraus, ưdưn von Horváth, Elias Canetti, Thomas Bernhard...

Lựa chọn con đường châm biếm nghiệt ngã, nên Jelinek trở nên xa lạ, hứng chịu nhiều phản ứng của xã hội. Tuy nhiên, điều đó cũng là bằng chứng cho những khám phá và nhận định chân thực của bà về con người. Đôi khi, phản ứng của số đông lại là thước đo sự chính trực của người sáng tạo.

MỚI - NÓNG