Nỗi đau và hy vọng

Poster cuộc trưng bày “Nỗi đau và hy vọng”. Ảnh. T.Toan
Poster cuộc trưng bày “Nỗi đau và hy vọng”. Ảnh. T.Toan
TP - “Em đã ba lần định ăn lá ngón tự tử nhưng rồi nghĩ lại, cố gắng tiếp tục sống”- tâm sự của Tòng Thị Thu Hà, 27 tuổi ở Điện Biên tại cuộc trưng bày 'Nỗi đau và hy vọng - 20 năm HIV/AIDS ở Việt Nam'. Một trong 10 sự kiện quốc gia phòng chống căn bệnh thế kỷ, tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học.
Poster cuộc trưng bày “Nỗi đau và hy vọng”. Ảnh. T.Toan
Poster cuộc trưng bày “Nỗi đau và hy vọng”. Ảnh. T.Toan.

Hành trình 20 năm Việt Nam phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên, phần nào được tái hiện trong cuộc trưng bày dưới góc độ văn hóa. Bảo tàng Dân tộc học kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế cộng đồng thực hiện nghiên cứu, thu thập hiện vật, câu chuyện của những người có H. ở Hải Phòng, Điện Biên, TPHCM.

Chủ đề chính hay còn gọi hành trình của cuộc trưng bày: Ai cũng có thể, Nỗi đau, Tôi sợ những ánh mắt (kỳ thị), Những tấm lòng, Khát vọng sống, Thách thức và hy vọng. Theo đoàn thu thập tư liệu, thách thức lớn nhất cho đến bây giờ vẫn là sự kỳ thị. Dần dần, chính người trong cuộc tích cực cảm hóa người xung quanh.

“Trông tôi không ai bảo là nghiện và nhiễm HIV 16 năm. Tôi cai 46 lần. Mẹ tôi héo mòn rồi mất vì thằng con hết thuốc chữa. Tôi tự tử 8 lần mà không chết” (Phạm Hữu Việt, 47 tuổi ở Hải Phòng). Trong số hiện vật trưng bày, vòng hoa trắng gây tranh cãi hơn cả. Có ý kiến cho rằng đây là cách truyền thông sai lầm từ nhiều năm qua- lấy hình ảnh ghê rợn để tuyên truyền về căn bệnh HIV/AIDS.

Thực ra đằng sau đó là cả câu chuyện có thật ở Điện Biên. “3 cụ cộng lại mới tròn 100”, câu nói cửa miệng của người Điện Biên các năm 2007- 2008 phản ánh hiện thực ở tỉnh giáp biên giới: Quá nhiều người chết ở tuổi trên dưới 30 vì nghiện hút, nhiễm HIV. Hình ảnh vòng hoa trắng ám ảnh người còn sống.

Bên cạnh hình ảnh gợi cuộc sống buồn của người có “H”, tinh thần chung và xuyên suốt cuộc trưng bày là hy vọng. Đó là cách nhìn hướng về cộng đồng, trông chờ tiến bộ của y học trong thời gian tới. Và quan trọng nhất là hy vọng của bản thân người có “H”. Như trường hợp anh Việt (Hải Phòng) trên kia, hai vợ chồng cùng có “H” nhưng chung sống hạnh phúc, kỷ niệm 10 năm ngày cưới.

Mong muốn giản dị: “Mình ngủ, mai mở mắt ra thấy mặt trời là rất may mắn rồi, và mình có thể làm được nhiều việc” - bé Cọp 21 tuổi ở TPHCM. Dòng tâm sự này xuất phát từ khao khát “sống vì ngày mai”. Không ít câu lạc bộ ra đời: Biển xanh, Hải âu, Hoa phượng đỏ, Tia nắng mới, Hoa hướng dương… trở thành nơi nâng đỡ và tụ họp người cùng cảnh ngộ.

Ngoài trưng bày hiện vật, Bảo tàng Dân tộc học tổ chức những hoạt động giáo dục và sự kiện liên quan dành cho du khách, đặc biệt giới trẻ đến trải nghiệm tại không gian trưng bày. Các nhà tổ chức muốn mở rộng hiểu biết về căn bệnh đến cộng đồng.

Theo Viết
MỚI - NÓNG