Nỗi niềm của thơ

Nhà thơ Việt Phương - Ảnh: ngaynay.vn
Nhà thơ Việt Phương - Ảnh: ngaynay.vn
TP - Năm 1970, NXB Văn học khiến văn đàn bấy giờ rung chuyển khi xuất bản tập thơ “Cửa mở” của Việt Phương. 

“Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ/Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào/Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ/Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao”. Tác giả của những câu thơ gây choáng váng ấy vừa từ trần. Sự ra đi của ông không tạo ồn ào như lời vĩnh biệt của một ngôi sao rock Việt. Có lẽ bởi vì chưa đến thời người ta “cần thơ hơn cần cơm” như mường tượng của nhà phê bình Hoài Thanh khi còn sống. Thậm chí, có người còn nói, thơ bây giờ rớt giá thảm nữa kia. Mặc dù ngày thơ Việt Nam vẫn thu hút hàng nghìn người tham gia nhưng ai biết người ta đến vì thơ hay đến vì hội? Giống như hội sách, phố sách mới mở ở Hà Nội nhộn nhịp, đông vui nhưng bí quyết thành công cũng một phần nhờ chọn khai mạc vào đúng ngày nghỉ lễ. Có báo phản ánh: “Hội sách Hà Nội đông nghịt nhờ mở màn đúng dịp nghỉ lễ”. Thế có ngậm ngùi cho sách không?

Một số cây bút U80 ở TP Hồ Chí Minh than thở về nỗi “thơ vứt sọt rác”. Họ cho rằng những ngày hội thơ có lẽ đang dần trở thành dịp để thi sĩ thân quen tụ họp, độc giả bây giờ đang lơ đãng với thơ. Trong ngày thơ Việt Nam diễn ra ở thành phố mang tên Bác, một nhà thơ cao tuổi tâm sự: “Nhiều người đem thơ đến đây để giới thiệu xong chỉ có nước bỏ vào sọt rác vì chẳng có khách chịu mang về, dù là quà tặng”. Nhưng sau khi lắng nghe nỗi niềm thơ vứt sọt rác của các nhà thơ lớn tuổi, nhiều bạn trẻ đã phản hồi: Không phải người trẻ không yêu thơ mà vì các nhà thơ lớn tuổi nói chuyện “đao to búa lớn” quá. “Cái gì mà chiêm nghiệm cuộc sống, cái gì mà nhớ cảnh vàng son, thời lửa đạn ?”, người trẻ chất vấn. Họ chỉ ra nguyên nhân khiến người làm thơ không tìm được người thưởng thức: “Gu” của các bác và “Gu” của chúng em không giống nhau.

Người trẻ không phải không có lí. Vì thơ cũng là một “món ăn” (tinh thần) nên người ta có quyền lựa chọn. Một trong những bài thơ được nhiều bạn trẻ yêu thích thời gian vừa qua chính là bài “Kể từ giờ” của chàng trai trẻ sinh năm 1991, lấy bút danh Du Phong (tên thật là Nguyễn Tuấn Trung). Bài thơ giản dị rất được lòng chị em: “Kể từ giờ em phải thật là xinh/ Rạng rỡ yêu đời dù mưa hay nắng/Không phải để cho người nào nhìn ngắm/Bởi thanh xuân ngắn lắm, sắp qua rồi”. Và bất ngờ kết thúc chơi vơi: “Kể từ giờ không phải nhớ hay quên/ Không muộn phiền vì một người nào nữa/Vui đi em, nếu không thì sẽ lỡ/Chuyến tàu mang hạnh phúc đến ga rồi”.

Trở lại với “Cửa mở” của Việt Phương. Tác phẩm đã ra đời từ lâu và tác giả  vừa vĩnh biệt cõi đời nhưng những thế hệ yêu thơ, trong quá khứ và cả ngày hôm nay, chắc chắn vẫn còn ấn tượng mỗi khi đọc Việt Phương: “Cứ đêm đêm, ta lại xét kết nạp ta vào Đảng/Thời gian nâng đòi hỏi mãi cao thêm/Đến trọn đời, từng giờ là cộng sản/Những nỗi đau ta cũng sáng búa liềm”. Phải chăng thơ vứt sọt rác hay không còn do chính người sinh ra nó? Nếu không dám dũng cảm và mới mẻ như Việt Phương thì có lẽ cứ bình dị như mấy bạn trẻ làm thơ cũng có ích cho đời.

MỚI - NÓNG