Nói sách hay không cần PR là ấu trĩ và ngạo mạn

Nói sách hay không cần PR là ấu trĩ và ngạo mạn
TP - Hai tác phẩm mới nhất của Di Li là “Chuyện làng văn” và “ The black diamond” đã chính thức ra mắt độc giả vào chiều 27-6.

> Truyện ngắn của Di Li được dịch ra tiếng Anh

Nhà văn Di Li
Nhà văn Di Li.

Cùng lúc, chị cũng ra mắt cuốn “Xác chết dưới nước” (500 trang - do Di Li dịch từ nguyên tác tiếng Anh của nhà văn trinh thám người Mỹ Patricia Cornwell). Di Li thẳng thắn trao đổi vế công việc của một nhà văn, dịch giả, và về việc PR cho sách.

Gần như năm nào chị cũng ra sách và đều tổ chức lễ ra mắt khá “hoành tráng”, chị nói gì về hiện tượng này? Có người cho rằng sách hay thì không cần PR, chị nghĩ vậy không?

Tổ chức sự kiện họp báo là công việc của công ty sách, bản thân tôi không quyết định được. Họ in sách của tôi với số lượng phát hành ban đầu khá lớn, thường là 5.000 bản, nên cũng muốn thông tin được đến nhanh nhất đối với độc giả.

Mỗi lần tổ chức họp báo chi phí thường rất lớn, bản thân tôi có muốn tổ chức cũng không được mà phải tùy vào sự quyết định của phía nhà sách. Tôi nghĩ rằng quan điểm sách hay không cần đến PR là một sự ấu trĩ và ngạo mạn.

Ngay cả một tác giả hàng đầu trên thế giới mới ra một cuốn sách, báo chí cũng cần thông báo rằng nhà văn X vừa ra cuốn sách Y vào ngày Z thì độc giả mới biết đến để đi mua chứ. Họp báo chỉ đơn giản là truyền thông tin mà thôi.

Mỗi lần ra mắt sách, nhà văn Di Li luôn đưa đến cho công luận một ấn tượng mới. Lần này, ấn tượng đó thiên về việc chị xuất hiện như một nhà văn - dịch giả có vị trí tại Việt Nam. Chị nghĩ sao?

Tôi là một trong những nhà văn số ít có thể tự dịch tác phẩm của mình ra tiếng Anh. Và đây là dịch ngược, vất vả hơn dịch xuôi gấp nhiều lần.

Để xuất bản được cuốn sách dày dặn, có phong vị mang tên “Chuyện làng văn”, chị phải làm trong bao lâu? Đọc cuốn sách, thấy chị làm rất kỹ với các chân dung nhà văn nổi tiếng. Kinh nghiệm để viết thể loại này như thế nào? Nhà văn có cần phải quảng giao?

Tôi đã tập hợp những chân dung và phỏng vấn trong “Chuyện làng văn” rải rác suốt hơn 10 năm. Tôi thích viết những câu chuyện đời thực, những chuyện mà chỉ có những người quen biết các nhà văn mới được biết chứ độc giả không mấy khi chứng kiến.

Và có hai cách để dễ đi đến một chân dung thành công, ấy là nhân vật có số phận, có bi kịch, hoặc viết bằng những giai thoại hài hước. Càng nhiều giai thoại, tính cách nhân vật càng được lột tả. Tôi hoàn toàn không muốn các chân dung biến thành bản liệt kê thành tích.

Trong ba cuốn sách ra mắt liền một lúc lần này, dư luận đặc biệt quan tâm đến cuốn tuyển tập truyện ngắn của chị được chính chị và một số dịch giả phụ trợ dịch ra tiếng Anh. Chị có thể cho biết công việc này được tiến hành ra sao? Có khó khăn gì không?

18 truyện ngắn này được dịch rải rác trong suốt 5 năm và sau đó, tôi đã phải nhờ cậy các nhà văn nước ngoài hiệu đính. Tôi bị từ chối cũng nhiều. Tính cách người Mỹ… nói sao nhỉ… họ rất thẳng thắn khiến tôi sốc.

Họ nói rằng “Tôi rất bận, không thể làm được việc này. Tôi cần 9 tháng yên tĩnh để hoàn thành cuốn sách của mình. Nếu cô chờ được đến lúc ấy…” hoặc “Tôi không thể làm việc này mà không có thù lao”. Công việc dịch sách chủ yếu là dựa vào sự tình nguyện, vì nhà sách chỉ tài trợ cho phần in ấn mà thôi, còn thì tự thân vận động.

Cuối cùng cũng có những con người rất nhiệt tình đã hỗ trợ tôi khâu hiệu đính, kỹ đến từng dấu chấm dấu phẩy như nhà thơ Mỹ Martha Collins, các nhà văn Australia như Walter Mason, Mary Delahunty, Emily Maguire.

Có lẽ đây là lần đầu tiên, một nhà văn phối hợp với một nhà sách cho ra mắt một cuốn sách dịch công phu, đẹp mắt, lại được nhiều nhà văn uy tín nước ngoài nhận xét rất thiện cảm. Chị nói gì về việc phổ biến văn chương Việt ra nước ngoài - một công việc mà chính Hội Nhà văn VN rất quan tâm, nhưng cũng phải công nhận rằng là việc hết sức khó khăn?

Đừng mong chờ họ thấy chúng ta hay quá mà tìm đến để dịch sách. Vì công chúng Mỹ và châu Âu chưa bao giờ có nhu cầu kêu gào đòi phải dịch văn học VN cho chúng tôi đọc, cho dù chúng ta cũng có nhiều cuốn sách chất lượng hơn những cuốn best-seller ở Mỹ.

Mọi thứ ở châu Á không được quan tâm quá nhiều ở phương Tây, Việt Nam càng thiệt thòi hơn vì chúng ta đang nói một ngôn ngữ hiếm. Nếu anh ra nước ngoài và sử dụng máy tính của họ để truy cập vào các trang mạng có font chữ Việt, chỉ thấy hiện ra toàn là ô vuông trông đã phát nản.

Họ sẽ biết đến chúng ta thế nào thông qua các ô vuông đó. Trong khi chúng ta muốn biết cuốn nào đang nóng nhất hoặc dở nhất trên văn đàn Pháp đầu năm 2012, chỉ cần vài phút là đã có thông tin.

Ngoài việc đưa tên tuổi của mình ra ngoài biên giới, chị và đơn vị xuất bản sắp xếp việc phát hành cuốn sách này như thế nào? Có thể kỳ vọng gì ở doanh thu với một ấn phẩm như vậy?

Ồ, mới đầu thì cả tôi lẫn công ty Phương Đông đều nghĩ rằng cuốn này là để… cống hiến. Nhưng trước khi cuộc họp báo diễn ra, Phương Đông, đơn vị đại diện cho các sản phẩm sách của tôi đã giao dịch thành công bản quyền e-book độc quyền cho công ty Lạc Việt, cộng thêm một công ty khác mua vài trăm cuốn sách làm quà tặng ngoại giao cho các đối tác nước ngoài sang VN, chưa kể sau đó “The Black Diamond” cũng phát hành khá tốt trên thị trường. Thành ra… thu nhập của cuốn sách cũng rất khả quan.

Tuy nhiên, nếu không có điều đó thì cả tôi và Phương Đông đều xác định rằng cuốn sách này sẽ là sản phẩm danh dự để năm tới đây, công ty tham gia các hội chợ sách quốc tế sẽ có cái để chào hàng.

Xin cảm ơn chị!

Cù Lu

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.