Nổi tiếng khắp thế giới, nhưng sách không được in ở quê nhà

Nổi tiếng khắp thế giới, nhưng sách không được in ở quê nhà
TP - "Người đàn bà quận V" (The Woman in the Fifth) của nhà văn Hoa Kỳ Douglas Kennedy, ra mắt đầu tháng năm vừa rồi, đang  là một hiện tượng văn chương tại CH Pháp và Vương quốc Anh.
Nổi tiếng khắp thế giới, nhưng sách không được in ở quê nhà ảnh 1
Vợ chồng nhà văn D.Kenedy

Người đàn bà quận V kể lại những bước ngoặt tuồng như khó tin của một giáo sư điện ảnh Hoa Kỳ. Cuộc đời đang êm ả. Bỗng ông vướng vào một vụ ngoại tình tai tiếng.

Không chịu nổi áp lực của dư luận và lương tâm, ông bỏ vợ cà cô con gái, trốn sang Paris, “Thiên đường trên mặt đất”. Không xu dính túi, ông phải bán mồ hôi đổi lấy miếng ăn và ở trọ trong một gầm cầu thang tại quận X.

Đây  là khu phố của dân nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ. Dù không muốn, ông vẫn hàng ngày hay hằng đêm bị tra tấn bởi các cuộc đâm chém ẩu đả, các cuộc chửi rủa rượt đuổi, các cuộc kiểm tra thẻ căn cước, sự nghi kỵ của xóm giềng, ánh mắt trịnh thượng hay thương hại của các nhà chức trách và bảo vệ pháp luật.

Vị giáo sư “đào tẩu” hết sức nén mình, chờ thời cơ thoát khỏi “địa ngục trần gian”. Thế rồi, ông ngẫu nhiên quen biết một phụ nữ Hungari, “năm mươi xuân xanh”, xinh tươi, “ngon mắt”, “nóng lòng”.

Ông bị sắc xuân bí ẩn của bà ta “cưa đổ” ngay. Từ đó, mỗi tuần hai lần, ông mò đến ngôi nhà sang trọng để vui thú với nữ tình nhân bốc lửa. Rất lão luyện trong tình trường, bà ta đánh thức nhiều rung cảm đắm đuối mới lạ trong ông.

Ông tưởng mình sắp được yên ổn giữa những đồ vật choáng lộng, trong căn nhà ngạo nghễ, ở giữa quận V vốn toàn các nhà tư sản giầu có. Song ông đã nhầm.

Ở đấy, người ta lại “đấu tranh” để bảo vệ cuộc sống riêng theo những kiểu còn bất ngờ hơn.

Âm mưu thoán đoạt nhau, phản trắc lật lọng, trả thù hay giương bẫy cực kỳ “nhân ái” và “văn minh”..., chưa kể những cuộc đột nhập hay trấn lột, tống tiền của bọn lưu manh đầu gấu. Ôi, giá ông đừng “lòng thòng”!...

Những rắc rối, những mối tơ vò dưới các mái nhà Douglas Kennedy được thuật lại gần gũi với đa số độc giả. Một giá trị nữa mà công chúng bình thường ít để ý song các nhà phê bình nghiên cứu rất hoan nghênh.

Giá trị ấy là việc nhà văn không ngừng công kích những bệnh hoạn chính trị và xã hội của quê cha đất tổ. Mỗi nhân vật chính của ông, thường là người Mỹ, đều là nạn nhân của một ung nhọt mà ông không ngần ngại xoáy ngòi bút vào.

Tầm vóc của sự phê phán nước Mỹ “từ xa” của ông cần thêm thời gian để khẳng định. Song từ mười năm nay, ông hiện thân cho một nghịch lý văn chương lạ lùng bậc nhất trong lịch sử.

Các tác phẩm của ông đều bán rất chạy, đều được hoan nghênh nhiệt liệt. Ông lẫy lừng muôn phương. Nhưng sách của ông không được in ở Đất mẹ Hoa Kỳ.

Douglas Kennedy sinh ra và lớn lên ở New York, trong một thời gian dài là “thủ đô văn hóa của hành tinh”. Cha ông không thật hạnh phúc thời nhỏ. Dấu ấn cuộc đại chiến II mà cha tham gia với tư cách một người lính khá nặng nề. Sau chiến tranh, từ hai bàn tay trắng, cha làm nên sự nghiệp.

Cha quá tin vào các giá trị truyền thống, nên hóa ra bảo thủ và gia trưởng. Một bất hạnh không dứt cho cậu bé Douglas Kennedy là cha mẹ luôn lục đục và “kiên cường” chịu đựng lẫn nhau.

Douglas Kennedy học giỏi. Ông say mê sân khấu. Cha  lại muốn ông trở thành luật sư. Một tối, một cuộc tranh cãi dữ dội với cha về tương lai của mình là giọt nước làm tràn ly nước.

Ông quyết định bỏ nhà ra đi, trong túi chỉ có 600 đô la. Ông bay sang Bublin, Ailen, vừa cày cục kiếm sống vừa lao vào kịch nghệ. Các vở kịch của ông không thành công lắm.

Ông bèn quay sang viết truyện. Các truyện ngắn đầu tiên được phát trên các đài phát thanh Ai Len rồi Vương quốc Anh.

Năm 1993, ông viết tiểu thuyết đầu tay Trái tim chết. Tất cả các nhà xuất bản Hoa Kỳ từ chối bản thảo. Một thất bại đắng cay! Douglas Kennedy đã gần 40, song vẫn phải tìm đường.

Ngóng về cố hương, ông quyết noi theo những Jay McInerney và Bret Easton Ellis, nghĩa là đổi mới cảm nhận và lối viết. Tháng tư 1996, ông hoàn thành tiểu thuyết thứ hai, Bức hình lớn.

Một nhà môi giới đã nhượng bản quyền cho một nhà xuất bản New York với giá 1,1 triệu USD. Có điều, tiểu thuyết được dịch ngay ra 12 ngôn ngữ, song bị ghẻ lạnh ở Hoa Kỳ.

Tiểu thuyết thứ ba của ông, Công việc nhọc nhằn của Ned Allen (1998), tuy có hợp đồng, vẫn không được phổ biến trên đất Mỹ. Cho đến nay, bất chấp sự suy tôn toàn cầu đối với Douglas Kennedy như một trong những ngòi bút cự phách hàng đầu, các nhà xuất bản Hoa kỳ vẫn dứt khoát cấm cửa đối với mọi tác phẩm của ông.

Lý do đương nhiên không phải vì ông không sống ở Mỹ đã trên ba mươi năm. Hiện ông chia thời gian của mình giữa Đức, Vương quốc Anh và Pháp.

Ông đi lại bằng tầu điện ngầm. Ông rất thích cuốc bộ qua các phố và mỗi ngày nhất thiết viết xong 700 chữ. Cứ mười tám tháng, ông lại tặng bạn đọc một tác phẩm...

 Từ Bình Tâm
Theo L’Expess, Le Monde, Time, Romadie.News...

MỚI - NÓNG