Nông cụ Việt sang Thái làm phim Mỹ Lai

Nông cụ Việt sang Thái làm phim Mỹ Lai
2 tấn đạo cụ gồm nhiều nông cụ, trang phục nông thôn được đòan làm phim của đạo diễn Mỹ Oliver Stone chở đến Thái Lan từ Đà Nẵng, qua cửa khẩu Lao Bảo, Việt Nam.

>> Oliver Stone và nhân chứng sống vụ thảm sát Sơn Mỹ

Nông cụ Việt sang Thái làm phim Mỹ Lai ảnh 1
Nông cụ - Ảnh :TN

Đây là lần thứ tư, Oliver Stone làm phim về Việt Nam, lên tiếng về cuộc chiến tranh Việt Nam mà ở đó, người dân Việt Nam là nạn nhân vô tội.

Đạo diễn Oliver Stone quyết định chọn Chieng Mai, phía bắc Thái Lan làm bối cảnh để quay phim sau nhiều lần cân nhắc.

Theo ông, một người theo đạo Phật, vết thương chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm của người dân Mỹ Lai, Quảng Ngãi có thể tái phát nếu đoàn phim phục dựng lại cảnh chết chóc đẫm máu ngay trên mảnh đất này.

Dù vậy, ông cam kết, những hình ảnh làng quê Việt Nam thập niên 1960 sẽ được tái hiện từng chi tiết một. 

2 tấn đạo cụ làm phim gồm: 360/600 bộ đồ nông dân, 300 chiếc nón cời và vô số đồ gia dụng nông thôn Việt Nam như gàu sòng, gàu dai, cối đá, ống xoáy trầu, đòn gánh, đòn xóc...

Nhỏ nhất như những đôi đũa người dân Sơn Mỹ đang dùng, lớn nhất như bộ phản ngựa, giường tre, chiếc trống đã bạc màu thời gian.

Bà Phùng Lệ Lý, cố vấn đoàn làm phim cho biết họ phải đổi nón mới lấy nón cũ, tập trung cả mấy trăm bộ đồ tại tầng hầm khách sạn. Do lũ lụt, quần áo như yếm thắm, quần lãnh Mỹ Á, áo bà ba trắng, khăn quấn đầu đều mang mẫu sang Thái rồi mới may thêm.

Các bồ đồ được đem tẩy nhuộm, giặt ủi, làm thẳng ra nhàu, làm mới thành cũ, làm lành ra rách để chúng giống y trang phục cách nay 40 năm.

Còn những đồ vật như trả kho cá, nồi hơ lửa của mấy bà đẻ, thúng mủng, giần sàng, nong nia, cối xay lúa... đòan làm phim phải lội đến từng nhà để tìm mua, sợ bên Thái không có...

Nông cụ Việt sang Thái làm phim Mỹ Lai ảnh 2

Công trình lớn nhất tại phim trường là làng Thuận Yên với 46 ngôi nhà Việt. Một ít nhà rường chỉ nhà giàu, một số nhà gỗ ván chỉ nhà trung lưu, còn đa số là nhà tranh phên tre, vách đất chỉ nhà nông dân nghèo.

Theo phong thủy, nhóm xây dựng được khuyên xoay mặt nhà theo mặt trời ban mai bởi người Việt luôn hướng về ánh sáng, hướng về tương lai.

Bà Lệ Lý góp phần sửa chữa kịch bản, cố vấn kỹ thuật cho đoàn làm phim: “Tôi là một trong vô số người dân VN đã trải qua thống khổ chiến tranh. Góp phần lên án vụ thảm sát Mỹ Lai là trách nhiệm của bất cứ thường dân nào. Cần nhắc lại nó để không còn dân tộc nào phải gánh chịu hậu quả nặng nề như dân tộc Việt Nam”.

Đạo diễn Oliver Stone hiện chưa có mặt tại Thái Lan do phải giải quyết một số rắc rối tại vụ đình công ở Hollywood. Đòan làm phim sẽ cùng đạo diễn  tập trung chuẩn bị đến  ngày 4/12 để xây dựng hoàn tất ngôi làng Việt Nam trên đất Thái.

Theo đúng lịch, 10/12, tất cả lên giàn, bấm máy. Chỉ 7 tiếng đồng hồ của vụ thảm sát ngày 16//3/1968 và một số diễn biến liên quan sau đó tại Mỹ Lai sẽ được quay trong 6 tuần.

Đến đầu tháng 2/2008, đoàn quay ngoại cảnh tại Mỹ rồi quay tiếp các cảnh thẩm vấn, điều tra, cảnh các phiên tòa xét xử thủ phạm gây ra vụ thảm sát bên trong phim trường tại Thái Lan.

Dự kiến, đến cuối tháng 3/2008 xong phim, làm hậu kỳ, cuối năm 2008 trình chiếu rộng rãi.

Theo Thanh niên

MỚI - NÓNG