Nông dân tìm vợ

Nông dân tìm vợ
TP - Xã hội hiện đại, càng ít người muốn làm nông dân. Như quê tôi Hưng Yên bây giờ, xứ bờ xôi ruộng mật bỗng thừa công nhân thiếu nông dân, chỗ để máy tuốt lúa thay bằng máy giặt. Còn ai muốn làm vợ nông dân nữa không?

> Sang Ukraine tìm vợ trẻ
> Doanh nhân Trung Quốc 'đốt' tiền tỷ tìm vợ

Mấy năm gần đây tôi thường xem chương trình truyền hình thực tế “Nông dân tìm vợ” trên đài VTM của Bỉ. những góc máy lấp lánh, người xem bỗng nhận ra đây chính là nghề thư giãn bậc nhất trong cuộc sống đầy áp lực hiện giờ. Muốn làm nông dân để được chạm tay vào những bông lúa mì mát đẫm sương đêm, ngắm trái táo đang căng ứa màu ngọt nước trên cành, nhặt đầy giỏ trứng gà mới đẻ vỏ còn ấm ran tay, nghe tia sữa bò tinh khiết đầu tiên rột roạt chảy đánh thức bình minh ngày mới... Nói cách khác, truyền hình đang cố gắng biến nông dân thành những hoàng tử, công chúa tuyển vợ tìm chồng trên “vương quốc” lúa mì, đồng ngô, vườn táo... thẳng cánh cò bay.

Hiệp hội Nông dân Bỉ năm ngoái thống kê 21.300 Euro là thu nhập trung bình cả năm của một nông dân Flanders (vùng nói tiếng Hà Lan, thuộc Bỉ), giảm 25 % so với 5 năm trước và chỉ bằng nửa thu nhập trung bình của công nhân. Nông dân ở châu Âu cũng đang nghèo đi. Nhưng có ai bảo nghèo thì phải hạn chế yêu, ngừng yêu?

Bằng cách thức tỏ tình xưa cũ nhất, mỗi mùa hè đài VTM giới thiệu clip hình ảnh khoảng 5- 6 nông dân già trẻ có nhu cầu tìm vợ, kiếm chồng. Khán giả viết thư kèm ảnh gửi đến người mình có cảm tình nhất để thuyết phục “hãy rước em/anh về nông trang và máy cày máy kéo sẽ là xe hoa”.

Đừng tưởng máy kéo mà rẻ. Bác nông dân Paul tuyển vợ năm ngoái tự hào “một bánh xe máy kéo của tôi giá 5.000 Euro”. Có cô gái nuôi bò xinh đẹp khiến hàng trăm chàng trai từ nông thôn đến đô thị phải xếp hàng chờ tặng quà và tỏ tình. Có chàng nông dân đẹp trai sáng lái máy cày, chiều cưỡi tuấn mã trên cánh đồng lùa cừu và đêm lượn xe hơi siêu sang vào thành phố phải đọc cả tuần mới hết thư tỏ tình nữ sinh gửi đến. Cũng có bác nông dân ngoại hình khiêm tốn chỉ kiếm được một hai thư nên không thể đi tiếp chương trình “Nông dân tìm vợ”.

Sau vòng chọn thư là vòng ra mắt. Chỉ 3 ứng viên sáng giá nhất được mời về sống trong trang trại vài ngày, cùng làm, cùng ăn (đôi khi cùng ngủ, nếu muốn!) để rồi tìm ra người ưng ý nhất.

Mùa ghi hình năm nay, một phụ nữ 58 tuổi và thiếu nữ 24 tuổi cùng ra mắt bác nông dân Willy 63 tuổi. Nhìn nhau, họ tự lý giải chênh lệch tuổi tác rằng “Tình yêu mà, biết làm sao được khi trái tim chúng ta còn đập”. Thế là bác Willy cứ việc ngồi ườn trên ghế, vấn đáp kiểu nông dân “Biết nấu ăn không?” “Biết” “Ngon không?” “Theo anh thế nào là ngon?” hoặc “Em mang theo cả mặt trời để ra mắt anh đây” “Cô cho tôi quả chanh à?” “Dưa bở đấy chứ”...

Cứ khoảng 2-3 năm, truyền hình tìm lại những nông dân từng tham gia chương trình. Một số đã tìm được bạn tình như ý, sinh con đẻ cái. Nhưng phần nhiều, tan cuộc ghi hình là đường ai nấy đi. Có thể người ta chỉ muốn phiêu lưu, học làm nông dân ít ngày, và may mắn hơn, thắng cuộc sẽ được du lịch nước ngoài do nhà tài trợ đài thọ. Nếu Việt Nam có chương trình này, hẳn phần thưởng còn to hơn?!

Đằng sau tỷ lệ người xem “Nông dân tìm vợ” rất cao này là gì? Chắc không chỉ tò mò truyền hình xe duyên, sâu xa hơn, có lẽ chính bởi sự hấp dẫn của cái nghề xưa kia hầu như ai cũng làm nhưng sau một giấc mơ dài về đời sống đô thị hiện đại, bỗng giật mình muốn biết nghề nông giờ ra sao.

Thì là thế đấy, vẫn vất vả dù hiện đại hơn xưa. Duy vẻ đẹp của đồng quê, ruộng vườn thì mãi là trốn trú ngụ thư thái nhất. Đẹp như vậy mất đi sao được, nhưng cứ phải đi cả một chặng đường đời dài mới ngộ ra! Như tôi đây, một sáng mùa thu đạp xe qua nhà cặp vợ chồng nông dân già Louis và Julia, cứ ngây người ngắm mãi ngôi nhà nhỏ và vườn rau của họ kết hoa lộng lẫy. Đôi vợ chồng kỷ niệm 65 năm ngày cưới. Ôi chao, 65 năm, cả cuộc đời chứ nói gì tuổi thọ hôn nhân?! Hôn nhân của nông dân thế nào, cuộc sống hạnh phúc ra sao? Thì ông Louis và bà Julia đã gửi thông điệp bằng tiểu cảnh hình nộm trước nhà rồi đấy: bà ngồi bên lò nướng bánh chờ nồi xúp chín và ổ gà mái ngày ngày đẻ “trứng vàng để bán”, còn ông, sau những giờ lao động nặng nhọc trên cánh đồng sẽ đạp xe đi câu cá.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG