NS Phạm Duy phổ nhạc Truyện Kiều

NS Phạm Duy phổ nhạc Truyện Kiều
NS Phạm Duy lại quay về, vì mối dây không thể nào dứt của mình: tình cảm với quê hương đất nước. Điều thú vị là ông đang phổ nhạc cho Truyện Kiều và đã làm xong Kiều 1, Kiều 2...
NS Phạm Duy phổ nhạc Truyện Kiều ảnh 1
Nhạc sĩ Phạm Duy

Thưa NS Phạm Duy, ông đã về Việt Nam bao lần rồi?

Lần này là lần thứ 9 và về luôn. Tôi về nhà, các con tôi cũng sẽ dần về cùng tôi.

Nghe nói lần này về, ông định xin phép tổ chức một chương trình nhạc Phạm Duy ở Việt Nam?

Không, là mấy đứa con làm. Tôi chẳng làm gì nữa, giờ có tuổi rồi, chỉ chơi thôi.

Theo ông từ trước tới nay ai hát nhạc của ông hay nhất?

Xưa thì có Thái Thanh, Duy Quang, nay thì có Thái Hiền, và tôi cũng thích Thanh Lam nữa.

Xin ông cho vài nhận xét về nhạc sĩ trẻ và tác phẩm của họ bây giờ?

Theo tôi, anh em nhạc sĩ trong nước phải tìm hiểu thêm nhạc nước ngoài  và không khí âm nhạc quốc tế mới được. Nhạc của người Việt ở nước ngoài thì rất tiếc là chính họ lại cầm tù họ. Không giống tôi. Làm nhạc bằng tâm hồn, bằng sự hồn nhiên trong sáng... và cả bằng đời mình nữa.

Ông có cảm nghĩ gì về đất nước mình hiện nay?

Thật ra, quê hương quyến rũ tôi ở hai điều: ngôn ngữ và phong cảnh.

Tôi mê tiếng Việt và thích đi khắp đất nước để được chiêm ngưỡng thiên nhiên. 9 lần về là 9 lần tôi đi khắp đất nước. Miền Bắc tôi đã lên Sapa, Tây Bắc, Chùa Hương, Miền Trung tôi trở lại suốt dọc con đường mà ngày xưa tôi cũng đã đi qua.

Miền Nam thì tôi ra tận Mũi Cà Mau. Đến chỗ nào tôi cũng rơi nước mắt. Ôi làng quê Việt Nam, không thể có nơi nào đẹp hơn đất nước mình. Tôi có thể nói điều  đó vì tôi cũng đã đi khắp thế giới.

Hiện giờ ông sống với ai và còn sáng tác thường xuyên không?

Tôi vẫn sống với con cái kể từ khi Hằng - vợ tôi mất đã 6 năm rồi. Tôi thương vợ tôi lắm. Cả nhà tôi là một gia đình luôn hạnh phúc. Chưa có gia đình nào bên ấy mà con cái luôn ở cạnh cha mẹ. Đó cũng là điều mà vợ tôi có được: luôn có chồng và các con bên cạnh cho đến cuối đời.

Mặc dù Hằng mất vì căn bệnh ung thư ở tuổi 73, nhưng tôi vẫn ao ước giá mà Hằng vẫn ở cạnh tôi lúc này thì hay biết mấy. A, tôi có một tin vui, tôi đã  có nhà rồi, ở quận 11, đang sửa lại để ở. Nhà ba tầng để các con cũng về ở chung luôn mà.

Còn về sáng tác bọn nhóc vẫn gọi tôi là “ông Hi - tech” vì tôi là nhạc sĩ tiên phong trong phong trào sáng tác nhạc bằng computer và là nhạc sĩ VN có trang web sớm nhất.

Tôi luôn sáng tác, trong bất kỳ thời điểm nào. Như hôm nay, bài thơ mà tôi đọc lúc nãy cho bạn nghe cũng đã phổ nhạc rồi. Tối về phòng chỉ chép lại thôi.

Nghe nói ông đang thực hiện một công trình rất lớn: phổ nhạc Truyện Kiều của Nguyễn Du. Vì sao ông lại chọn tác phẩm này?

Tôi không chọn Lục Vân Tiên hay Nhị độ mai, lý do đơn giản: Truyện Kiều chính là thân phận người Việt. Tôi đã phổ nhạc xong Kiều 1, Kiều 2. Kiều 1 là Kiều với Đạm Tiên, Kiều 2 là Kiều với Kim Trọng.

Thế còn Kiều 3 - là Kiều với 14 nhân vật: từ Mã Giám Sinh, Thúc Sinh, Hoạn Thư... đến Từ Hải, Hồ Tôn Hiến... đó là đoạn đời gian nan, nhọc nhằn, đau thảm của Kiều - của thân phận con người Việt Nam. Nhưng rồi Kiều cũng được tái sinh khi gặp lại người tình xưa.

Lại tình, người Việt mình quý nhất là ở cái tình. Tôi muốn nói tình chứ không phải tiền như mọi người lầm tưởng. Người Việt mình sống hay lắm. Có tình thì cái gì cũng được. Không có tình thì mặc kệ thôi.

Nghe nói ông cũng rất thân với nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Hoàng Cầm?

Đó là những người bạn ấu thơ đến giờ. Ngày Văn Cao mất, tôi không về được vẫn gửi hoa. Lần đầu tiên về nhà (Việt Nam) tôi ra mộ ngay, rót cho bạn chén rượu và ngồi tâm tình với bạn rất lâu. Còn Hoàng Cầm thì ra đón tôi. Tay nắm tay, chẳng nói được câu nào. Bạn bè tri kỷ, cần gì lời.

Vừa về nhà, ông đã bán ngay tác phẩm của mình cho Công ty Văn hóa phương Nam. Có vẻ như ông luôn là ông già thức thời?

Nói thật, ở bên kia, tôi chẳng thiếu thốn thứ gì. Khi dọn về đây, tôi phải làm lại từ đầu. Phải có nhà cửa để ra vào. Phải có tiền của để mưu sinh.

Nhưng tôi  làm nhạc không phải để bán, để kiếm danh mà đơn giản là tôi làm nhạc cho mọi người nghe, cho mọi người hưởng. Đó mới là lý tưởng, là mục đích của cuộc đời tôi. 

MỚI - NÓNG