NSND Chu Thúy Quỳnh: Nghề múa quá ngắn ngủi

NSND Chu Thúy Quỳnh: Nghề múa quá ngắn ngủi
Nếu nhìn vào hoạt động bề nổi thì những năm qua đời sống nghệ thuật múa trong nước khá im ắng, hầu như chỉ phát triển ở khía cạnh “minh họa” nhiều hơn là đứng độc lập. Nếu có các hoạt động và sự thay đổi ở các lĩnh vực như sáng tác, lý luận, đào tạo, biểu diễn thì cũng chỉ những người trong nghề biết với nhau.

>>Nữ sinh trường múa, nỗi niềm biết tỏ cùng ai?

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam nghệ sĩ nhân dân (NSND) Chu Thúy Quỳnh xung quanh vấn đề này.

- Theo bà, vì sao múa trong nước những năm qua phát triển mạnh ở khía cạnh “minh họa” như vậy?

NSND Chu Thúy Quỳnh: Tôi nói thế này không phải là chủ quan, nhưng có lẽ công chúng được xem múa nhiều nhất là qua truyền hình chứ cũng không phải họ đến xem ở các tụ điểm văn hóa nghệ thuật. Thực ra, ngành múa vẫn thường xuyên có các hoạt động trên khắp cả nước, cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên, chứ múa không chỉ có “minh họa.”

"Múa minh họa” hiện nay đang là một căn bệnh. Bởi nó đã trở thành thứ không thể thiếu cho lỗ hổng của cái khác, ví dụ như ca sĩ ra hát mà đứng suốt thì trông cũng không ổn sẽ lại đưa vũ đoàn múa vào hỗ trợ cho tiết mục. Nếu hát tốt rồi thì có cần phải dùng đến cái múa ấy nữa không?

"Minh họa" trở thành nhu cầu với mọi chương trình, mọi tầng lớp. Ngay đến các chương trình hề cũng đưa múa vào, họ sáng tác kịch bản và cũng mời chúng tôi đến biên đạo. Rồi thấy liveshow nào cũng phải mời vũ đoàn nọ vũ đoàn kia hỗ trợ. Chính vì công chúng thường xuyên tiếp cận với những chương trình như thế nên người ta chỉ thấy được múa là như vậy thôi. Đó cũng là thiệt thòi cho ngành múa.

- Thế nhưng không thể phủ nhận một thực tế đáng buồn là trong những chương trình múa nghệ thuật mà tiêu biểu là những vở ballet biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, khán giả đa phần là người nước ngoài, người trong nghề hay các nhà báo theo dõi mảng văn hóa nghệ thuật đi xem. Tầng lớp khán giả như vậy là hẹp quá…

NSND Chu Thúy Quỳnh: Nếu đòi hỏi nghệ thuật múa chuyên nghiệp phổ cập được như các chương trình Sao mai điểm hẹn, Gõ cửa ngày mới… thì chúng tôi không thể làm được.

Muốn quảng bá được múa thì vô cùng tốn kém. Vấn đề kinh phí mãi vẫn là bài toán chưa có lời giải, trong khi đó muốn tổ chức để công chúng bình thường đến thì phải mở cửa ra, mời tất cả vào.

Hơn nữa, không phải cứ giới thiệu là công chúng có thể hiểu được ngay. Hiện nay, ngành múa tuy có nhiều công trình, chương trình đã biểu diễn và những chương trình đang tiếp tục được dàn dựng nhưng tôi cũng thừa nhận rằng cần phải phổ cập hơn nữa, cần phải có những nghệ sĩ “đinh” để lôi cuốn khán giả.

Tôi cũng thừa nhận điểm yếu của ngành múa là tuyên truyền chưa cao.

NSND Chu Thúy Quỳnh: Nghề múa quá ngắn ngủi ảnh 1
SV trường Cao Đẳng Múa Việt Nam trình diễn bài thi tốt nghiệp  - Ảnh: Hồng Vĩnh

- Theo bà, điều gì đã hạn chế sự phát triển của ngành múa trong nước?

NSND Chu Thúy Quỳnh: Đó là nghề múa quá ngắn ngủi. Với người nghệ sĩ, học thì dài mà được “hành” ngắn ngủi quá. Chưa kịp “hành” nhiều đã bị áp lực của cuộc sống đè nặng lên vai. Ngoài 20 tuổi là phải lấy vợ lấy chồng. Với nghệ sĩ múa, ngoài 30 tuổi là phải “về hưu” mất rồi. Đó là một trong những lý do tác động rất lớn đến sự phát triển của múa.

Điều trăn trở nhất vẫn là chế độ chính sách của Nhà nước đối với nghệ thuật nói chung và đối với nghệ thuật múa nói riêng. Học 7 năm trường múa ra, nếu thi tuyển được công chức thì cũng được hưởng mức lương thấp không tưởng.

Ở tại Thủ đô Hà Nội, chúng ta chỉ có thể trả cho các em diễn viên hợp đồng tất cả khoảng 1,1-1,2 triệu đồng/ tháng, không bảo hiểm. Vậy thử hỏi các em có tâm huyết, có yên tâm để làm nghề hay không? Nếu thực sự làm nghề là phải hy sinh.

Và, còn vì một bộ phận không nhỏ sinh viên tuy còn đi học nhưng không chuyên tâm rèn luyện kỹ thuật mà quá mải mê chạy múa minh họa, múa tụ điểm… kiếm tiền nữa chứ ạ?

NSND Chu Thúy Quỳnh: Nhiều khi không phải là minh họa cho ca khúc mà các em múa tiết mục hẳn hoi nhưng cũng không phải cái chính thống của nghệ thuật múa. Đó cũng là một hạn chế còn tồn tại của ngành múa.

- Những khó khăn, hạn chế đó đã được ghi nhận rồi. Vậy theo bà, tới đây Hội múa có chủ trương gì để giúp các hoạt động ngành sôi nổi hơn cũng như việc tạo nguồn tầng lớp khán giả trẻ?

NSND Chu Thúy Quỳnh: Đối với việc tạo nguồn tầng lớp khán giả trẻ, tôi nghĩ làm việc này không khó. Tới đây chúng tôi sẽ tuyên truyền, giới thiệu các chương trình biểu diễn đến các trường đại học, phổ thông, đoàn thanh niên của các đơn vị quân đội… để họ biết tới và tham gia.

Với hoạt động của ngành, hiện nay, chúng tôi cũng học tập các nước về cách tổ chức, phát huy thế mạnh. Tuy nhiên, sẽ không thể vượt qua được những gì mà chúng tôi đã và đang làm, bởi còn nhiều hạn chế như tôi đã nói ở trên.

- Chẳng lẽ không có cách nào phát triển ngành múa trong nước sao, thưa bà?

Trước hết chúng ta phải làm đúng với trách nhiệm của ngành, đó là ngành nghệ thuật múa Việt Nam. Thứ hai, để làm tốt nghệ thuật múa Việt Nam thì người nghệ sĩ phải học, rèn luyện, phải tâm huyết và hết lòng với nghề mà mình đã chọn. Thứ ba, công chúng phải đòi hỏi được xem. Và, khi đến với nghệ thuật khán giả hãy cùng chia sẻ những vẻ đẹp cũng như sự khổ luyện của người diễn viên.

Điểm quan trọng bao trùm là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi mong mỏi có một chính sách đặc thù đối với ngành múa. Vì nếu với chính sách đãi ngộ như hiện này thì quả thực chúng tôi cũng đành… lực bất tòng tâm.

Cảm ơn bà.

Theo Mai Anh
Vietnam+

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.