NSND Khải Hưng: Phim truyền hình bây giờ nhiều nhà cao cửa rộng quá

NSND Khải Hưng (giữa) và các diễn viên trong buổi ra mắt phim "Hợp đồng hôn nhân"
NSND Khải Hưng (giữa) và các diễn viên trong buổi ra mắt phim "Hợp đồng hôn nhân"
TPO - NSND Khải Hưng trở lại màn ảnh nhỏ VTV với phim truyền hình "Hợp đồng hôn nhân", khởi chiếu 20h45 tối thứ Hai, Ba, Tư hàng tuần trên VTV1 từ 20/9. Bên lề cuộc họp báo ra mắt phim chiều 16/9 tại Hà Nội, ông chia sẻ thêm về phim truyền hình và cả những phát ngôn khá sốc về con trai và con dâu.

Lí do gì khiến ông quyết định đầu tư làm phim truyền hình “Hợp đồng hôn nhân”?


Tôi bắt tay vào phim do kịch bản của một cô học trò đưa đến. Tôi mê kịch bản ngay. Tôi nghĩ ngay tới nhân vật rất giống diễn viên trẻ Tuấn Dũng, một chàng trai ở nông thôn ước mơ làm diễn viên truyền hình, khăn gói quả mướp lên thành phố. Điều đầu tiên là tôi phải thích kịch bản, nếu không thì có bắt tôi cũng không làm. 


Đề tài “Hợp đồng hôn nhân” không mới, vì sao ông vẫn chọn?

Tôi thấy nó mới từ đầu đến cuối, chưa thấy kịch bản, tình huống như thế và chưa thấy ai làm. Có thể ai xem ở đâu đó rồi nhưng nó mới với tôi, hi vọng nhiều người chưa xem.

 
Ông có nhận xét gì về các phim Việt chiếu trên truyền hình thời gian gần đây?

Hiện nay nhiều phim cho thanh niên quá, nào là "Tuổi thanh xuân", "Zippo, mù tạt và em", "Khúc hát mặt trời". Tôi làm cho những người ít trẻ hơn một chút. Tôi nghĩ phim của tôi thu hút những người có gia đình, các ông bố bà mẹ, những người ở nông thôn. Khao khát của tôi làm phim gắn liền cuộc sống người lao động, người bình thường. Tôi thấy phim Việt bây giờ nhiều nhà cao cửa rộng, nhiều trai thanh gái đẹp quá. Ta chú ý đến khán giả bình dân một chút nữa thì tốt, để khán giả xem phim thấy gần gũi, dễ đồng cảm hơn. 

Ông nói rằng bây giờ phim truyền hình dành cho giới trẻ nhiều quá nào là “Zippo, mù tạt và em”, “Tuổi thanh xuân”, “Khúc hát mặt trời”. Khải Anh con trai ông toàn làm phim cho giới trẻ đấy thôi. Ông có xem phim của con trai không?

Kệ nó, nó trẻ làm phim cho người trẻ xem. Tôi già tôi làm cho người già xem, có vấn đề gì đâu. Hai đường khác nhau, có va vấp vào nhau đâu nào. Tôi không thích xem phim cho giới trẻ.

Được biết ông không cần casting mà chọn luôn Bảo Thanh, Tuấn Dũng vào hai vai chính. Dường như ông khác người, làm phim không cần ngôi sao?

Chả có nghệ sỹ, ngôi sao nào cao lấp lánh cả. Tôi nghĩ tùy phong cách từng người. Đôi khi từ phim bình thường họ thành ngôi sao, chứ tôi không vịn ngôi sao đứng dậy. 


Ông có khi nào nghĩ đến Đan Lê cho vai Quỳnh trong “Hợp đồng hôn nhân”?

Tại sao phải là Đan Lê? Con dâu tôi không phải diễn viên, không được học trường đào tạo diễn viên, nếu có năng khiếu chỉ có thể hợp vai ở một phim nào đó. Vì không phải diễn viên nên cô ấy không thể biến hóa như diễn viên, không thể đóng vai nào cũng có thể hóa mình. Tôi không cần Thanh diễn thử, nhưng hỏi chuyện rất nhiều. 

Sau một số phim thu tiếng đồng bộ, phim này vẫn chọn cách lồng tiếng, rất dễ gây nhàm chán, ông thấy sao?

Tôi muốn có sự chia sẻ, bởi vì điều kiện làm phim rủi ro, nhất là hãng phim tư nhân. Chúng tôi có thể phải huy động dăm bảy tỷ đồng, chỉ với cái lắc đầu của nhà đài có thể bị phá sản. Ngay cả đơn vị nhà nước như VFC làm phim trong điều kiện không ngang bằng quốc tế. Đi ra nước ngoài tôi thấy họ làm phim nhàn, sướng lắm, có đầy đủ điều kiện làm phim. Việt Nam chẳng có gì, vẫn phải lồng tiếng vì chẳng có trường quay nào cả. Thu tiếng đồng bộ bị mất âm thanh đời sống, tiếng không đẹp. Diễn viên tôi không thử, nhưng chọn người lồng tiếng tôi cũng thử nhiều lắm.

Hợp đồng hôn nhân dài 35 tập, kể về Phong chàng trai nông thôn ước mơ làm diễn viên. Sau nhiều lần nhờ vả, Phong được người bà con mời lên thành phố, nhưng là để đóng vai ông chồng giả trong một hợp đồng hôn nhân với Quỳnh-cô gái thành đạt muốn hợp thức hóa đứa con sắp ra đời. Trong quá trình hôn ấy, Phong gây ra nhiều rắc rối, trớ trêu và phải đối diện với tình cảm thật nảy sinh.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.