NSƯT Chí Trung: 'Cười đấy nhưng lại khóc đấy...'

NSƯT Chí Trung: 'Cười đấy nhưng lại khóc đấy...'
Giọng chợt trở nên nghiêm nghị và xa vắng, ông Trưởng đoàn 2 của Nhà hát Tuổi Trẻ tiết lộ rằng mình đã từng diễn hài cho người khác với trái tim rớm máu. Đó là khi anh tìm được vai diễn giống cuộc đời mình đến mức “cười đấy mà nước mắt lưng tròng”.

- Là người chuyên đi gây cười cho thiên hạ, đã bao giờ anh khóc?

- Hồi bé, có lúc tôi thấy tuyệt vọng vì thua thiệt bạn bè quá nhiều thì khóc. Cho đến giờ, tôi không còn khóc nữa bởi nước mắt đã trót rơi quá nhiều. Ấy là lúc bố mẹ tôi chia tay.

Hồi đó bỏ nhau được xem ngang với tội… tày đình và tôi phải đi sơ tán cùng bà nội. Bà cháu tôi cùng trú ẩn trong một ngôi chùa. Mỗi khi có bom đạn, tôi lại chui vào chân tượng.

Từ khi gặp và yêu bà xã bây giờ, cuộc sống tôi thay đổi hẳn. Và tôi chỉ còn khóc khi người yêu không cho… hôn nữa mà thôi (cười).

- Ngọc Huyền là con nhà giàu, anh có phải tốn nhiều công sức để thuyết phục bố mẹ vợ không?

- Thực ra tôi chưa hề phải thuyết phục mà là bố mẹ vợ không còn khả năng lựa chọn nào khác (cười).

Đêm tân hôn: 4 đôi phải ở chung phòng 10 m2

- Người ta bảo tối kỵ nhất là đàn ông núp dưới váy phụ nữ. Có bao giờ bản lĩnh người đàn ông trong anh trỗi dậy và quyết tâm chia tay người yêu?

- Hồi đấy tôi làm gì có tiền. Ngọc Huyền toàn móc tiền túi của bố mẹ để đưa tôi đi ăn đấy chứ.Thậm chí xe đạp xịt lốp, tôi sẵn sàng dắt hàng mấy cây số (vì không có tiền vá săm).

Gia đình Huyền không thích tôi lấy Huyền tí nào. Bố mẹ Huyền có cho tôi đến nhà đâu. Nhưng tôi cứ ì ra. Huyền cũng quyết tâm bỏ tôi mấy lần rồi đấy chứ, nhưng rồi không bỏ được. Thế là Huyền nhắm mắt đưa chân lấy tôi vậy.

Đám cưới, nhà Huyền làm 40 mâm, nhà tôi chả có mâm nào. Quần áo cưới tôi cũng không có, phải mượn bộ vest của thằng bạn đi nước ngoài về, rồi nhảy lên ô tô do Nhà hát cấp cho để đến nhà Huyền đón dâu.

11 giờ đêm, tan tiệc cưới, vợ chồng tôi và mấy đôi bạn ở quê lên giúp cùng chui vào một phòng khoảng 10 m2. Đêm động hòng mà tôi phải “nín thở bóp cò” trong căn phòng cùng với 4 đôi khác. Thế nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ, sung sướng trong cái khổ ấy.

Săm, lốp, gạo, bóng đèn, ti vi, xe máy: Buôn tất!

- Những năm tháng trượt dài trong chuyện bán buôn, chắc đã cho anh nhiều bài học xương máu?

- Năm 1978, tôi về Nhà hát Tuổi trẻ và cưới Ngọc Huyền. Gia đình tôi nghèo, nghệ sĩ mà, danh là chính chứ hồi đó tiền không có. Vợ tôi lại không có sữa nên toàn “nuôi bộ” con bằng sữa bột. Vậy là tôi vác túi đi buôn. Chỉ cần vác chiếc cassete chạy từ đầu phố đến cuối phố bán là tôi đã được nửa chỉ.

Nửa chỉ lúc đó sống thoải mái bởi ai cũng muốn có tiền, nhưng nhắc đến chữ buôn bán thì không dám. Còn tôi thì dám xuất hiện. Săm xe đạp, gạo, bóng đèn, săm lốp ô tô, ti vi, xe máy… cái gì có lãi tôi buôn tuốt. Có lúc đang đứng ở đường Phùng Hưng, nghe tiếng xe mô tô của công an, thế là tôi cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng. Cơ cực lắm.

- Làm thế nào để anh bóc tách giữa con người buôn bán và nghệ thuật?

- Tôi tự đặt ra cho mình một quy định, ban ngày không nói chuyện nghệ thuật, buổi tối không nói chuyện buôn bán. Ra chợ giời, đừng ai nói với tôi về nghệ thuật. Ai quý lắm, chân tình lắm mới dám rỉ tai hỏi nhỏ: “Dạo này đang diễn gì đấy!”.

Thế nhưng khi Nhà hát sáng đèn tôi lại chỉ lao vào nghệ thuật. Lúc đó dù có mối hàng ngon ăn đến mấy, có cái xe máy đẹp đến mấy tôi vẫn không thèm quan tâm.

Hôm tôi vào vai Romeo, đến khoảng 22 giờ 30, vở diễn kết thúc, tôi về nhà, ăn tạm bát cơm nguội, rồi ngồi ép săm (tôi vẫn thường lên chợ giời mua lại các loại săm ô tô cũ mang về nhà cắt ra, ép lại thành săm xe đạp). Tối nào cũng vậy, trên sân khấu tôi là Romeo nhưng sau 10 giờ đêm, tôi là thợ ép săm đến 4- 5 giờ sáng.

Tờ mờ mắt, tôi lại mang săm vào giao tận Hà Đông, Hà Tây. 8 giờ sáng, tôi chạy về Nhà hát tập, đến khoảng 10 giờ lại lao ra chợ giời bán. Sau này tôi còn mở cửa hàng kinh doanh karaoke theo kiểu hát tập thể. Nói chung tôi đã chia con người mình thành những khoảng thời gian như vậy.

- Phải vào vai hai con người trong một ngày, anh có bị áp lực, ngột ngạt?

- Áp lực ngày mai ăn bằng gì, con có sữa để uống không… đè lên tôi hàng ngày đến mức ngột ngạt. Ba ngày con tôi ăn hết một hộp sữa. Vậy là lại phải đăng báo rao bán hàng, rao tổ chức biểu diễn. Tôi đã bước qua hết tất cả các nghề bằng niềm vui và quyết tâm vốn có.

Tôi cũng yếu lòng nhưng không muốn lộ ra

- Có một nghiên cứu cho thấy đàn ông, đặc biệt là những người bề ngoài trông rất mạnh mẽ, lại càng yếu mềm trước những giọt nước mắt của phụ nữ. Với anh thì sao?

- Tôi không yếu lòng (cười). Nói thế thôi chứ thẳng băng ra thì cũng yếu lòng lắm chứ. Nhưng thường tôi sẽ không lộ điều đó ra đâu. Một khi đã để tôi lộ ra điểm yếu đó, người khác chỉ còn nước xin lỗi mà thôi.

- Đấy là gót chân Asin của anh?

- Gót chân Asin của tôi là khá năng động,  cầu toàn trong công việc, nhưng lại không táo bạo. Điều này có lợi nhưng đôi khi cũng rất có hại. Đặc biệt trong chuyện làm ăn.

- Anh đã diễn bao nhiêu vai hài kịch và bao nhiêu vai bi kịch?

- Tôi đã vào vai khoảng 20 vở bi kịch. Còn lại là hàng trăm vai hài kịch. Chủ yếu là trên truyền hình và các vai trong “Đời cười” của Nhà hát Tuổi trẻ.

Cười đấy nhưng khóc đấy

NSƯT Chí Trung: 'Cười đấy nhưng lại khóc đấy...' ảnh 1

- Kịch của Lưu Quang Vũ cười đấy nhưng lại khóc đấy. Nhưng anh cũng là một trong những diễn viên gắn tên tuổi với các vở kịch của ông trước đây, có bao giờ anh khóc thật trong vai diễn?

- Có một vở kịch mà tôi rất thích là vở “Điều không thể mất” của Lưu Quang Vũ. Tôi vào vai một người lính già thua thiệt có tên gọi là Thế Anh “tỉnh lẻ”.

Đây là nhân vật không có thành công gì, gặp ai lần đầu cũng cười hơ hớ, nhưng bên cạnh đó anh ta lại có một trái tim rớm máu. Đồng nghiệp nhận xét tôi khá thành công với vai đó, và đó cũng là con người thật của tôi: Cười đấy nhưng lại khóc đấy.

- Có lúc nào anh phải diễn hài với nụ cười ngượng?

- Không bao giờ, bởi khi lên sân khấu chúng tôi phải hoá giải hết. Ít khi tôi bị lệ thuộc bởi đời sống trên sân khấu. Lúc đó trách nhiệm lớn nhất là với khán giả và chúng tôi quên nỗi buồn thực sự chứ không phải cố.

Khi cô đơn: đi xem phim hành động

- Đàn ông khi buồn thường tìm đến rượu, khi cô đơn tìm đến với ly cafe, khi suy tư tìm đến thuốc lá. Còn anh thường làm gì khi buồn và cô đơn nhất?

- Cafe ngày nào tôi cũng làm 3 cốc vào sáng, trưa, tối. Đấy không còn là cứu cánh nữa mà là thói quen “đều như vắt chanh”. Rượu thì tôi vẫn chủ động, vui buồn đều có thể uống nhưng rất ngại uống vì liên quan đến huyết áp.

Những lúc cô đơn trong lòng hay có việc gì phải suy nghĩ, tôi tìm đến điện ảnh Mỹ, nhất là phim hành động bởi tiết tấu nhanh, hành động nhanh và tôi học được rất nhiều từ nó.

Bây giờ anh còn có thể vào vai Romeo với cái giọng khản đặc?

- Tôi vẫn diễn chứ, nếu chúng ta xây dựng nó dưới góc hài. Chẳng hạn như “Rominê và toalét” chẳng hạn (cười).

Khán giả không nên làm khổ mình khi xem tôi làm M.C

- Anh sẽ nói gì nếu có khán giả cho rằng mình phát khóc lên khi thấy anh dẫn chương trình (làm M.C) trên truyền hình… chán quá?

- Thì khán giả đó nên chọn kênh khác.  Họ có quyền lựa chọn theo sở thích, tại sao phải làm khổ mình như thế.

- Anh có bao giờ khóc dở, mếu dở với cái bụng bia của mình?

- Có chứ. Nhất là khi đứng trước một cô gái đẹp mà tôi thích họ thì khổ sở lắm. Nhưng trong vai hài hoặc cần một vai dị dạng một chút thì tôi rất tự hào.

- Đứng trước một cô gái đẹp, anh có phải thót cái bụng của mình cho bé đi một tí?

- Tôi phải nín thở đấy chứ. Nhưng với điều kiện cô ấy chỉ đứng với tôi một hai phút, nếu không thì vỡ oà ra mất.

- Anh có định giảm cân?

- Tôi đang cố gắng giảm cân bởi nhà sản xuất yêu cầu thế. Tôi thường đá bóng, nhưng với cái bụng thế này tôi chỉ dám đá… “sân hàng chiếu”. Nếu không, tôi chạy  từ cầu gôn này đến được cầu gôn bên kia thì sẽ ngất luôn đấy.

Theo Mỹ Hà
Gia đình & Xã hội

MỚI - NÓNG