Nữ họa sỹ trả nợ cuộc đời bằng… Kiều

Nữ họa sỹ trả nợ cuộc đời bằng… Kiều
TP - Để vẽ Kiều, bà Ngọc Mai đã phải đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần những bản Kiều khác nhau, thậm chí cả những bản dịch Kiều ra nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới.

“Tôi vẽ Kiều bởi lời hứa với chính mình. Cách đây gần 50 năm, khi đang học Đệ Nhất, nghe các thầy giảng về tuyệt phẩm Kiều, tôi đã buột miệng nói sau này mình sẽ vẽ Kiều. Câu nói đó đeo đuổi tôi bao năm”- Họa sỹ Nguyễn Thị Ngọc Mai kể về hành trình bà rong ruổi với Truyện Kiều để làm bộ tranh mang tên “Tranh lụa Kiều”.

Bà Ngọc Mai có năng khiếu về hội họa từ rất nhỏ. Tuy nhiên, bà không theo học chuyên về hội họa mà chỉ làm quen với cây cọ khi có dịp tiếp xúc với nhiều họa sỹ lão thành trong thời gian làm việc tại Tạp chí Bách Khoa (Tạp chí văn học nghệ thuật trước 1975). Do tự học nên bà ít trình làng các tác phẩm hội hoạ của mình. Mãi đến năm 1997, bà mới ra mắt triển lãm đầu tiên mang tên “Nàng” với các tác phẩm tranh lụa. Triển lãm “Nàng” gây xôn xao dư luận bởi một họa sỹ chỉ mới “chào sân” làng Mỹ thuật mà đã có những nét cọ sắc nét, mang chiều sâu. Hình ảnh những người phụ nữ trong tranh được thể hiện đằm thắm, dịu dàng với những gam màu rất nhẹ nhưng ẩn bên trong là sự dữ dội, can đảm. Và khi hiểu được cuộc đời Ngọc Mai, ai cũng hiểu bà đã vẽ bằng chính những cảm nhận về cuộc đời của bà.

Bà Ngọc Mai kể: “Tôi góa chồng từ khi còn rất trẻ và không đi bước nữa. Một mình nuôi con tôi biết sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng vì thương con nên tôi không muốn chia sẻ tình yêu với con cho ai hết. Có lẽ vì thế mà khi vẽ người phụ nữ, tôi cảm nhận theo cách của riêng tôi mà cuộc đời bắt tôi trải qua”. Một bất ngờ đối với bà Ngọc Mai là sau triển lãm “Nàng”, bà đã được một công ty bất động sản lớn đặt vẽ bức tranh toàn cảnh của khu đô thị mới. Bức tranh sơn dầu dài 3,8m và cao 2m đã được bà thể hiện thành công sau đó không lâu...

Năm 1999, họa sỹ Ngọc Mai bắt tay vào với Kiều. Bà tâm sự: “Tôi biết trước tôi, đã có nhiều họa sỹ nổi tiếng vẽ Kiều. Nếu không tìm hiểu kỹ, tôi sẽ đi lại lối mòn của các bậc tiền bối. Mà tôi lại chỉ muốn vẽ Kiều theo cách riêng của tôi”. Để vẽ Kiều, bà đã phải đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần những bản Kiều khác nhau, thậm chí cả những bản dịch Kiều ra nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới. Không chỉ vậy, bà còn tìm đọc những bài phê bình, các bài tiểu luận về Kiều để hình dung ra từng nhân vật, từng bối cảnh trong Kiều. Rồi tự tay bà tóm tắt lại câu chuyện về Kiều theo cách ngắn gọn nhất, cô đọng nhất. “Tôi vẽ Kiều nhưng không phải là minh họa truyện Kiều. Chắt lọc từng giai đoạn cuộc đời của Kiều, tôi muốn khắc họa thân phận người phụ nữ truân chuyên này ở từng ngã rẽ của số phận”.

Tranh: Chị em Thúy Kiều - Thúy Vân gặp Kim Trọng
Tranh: Chị em Thúy Kiều - Thúy Vân gặp Kim Trọng.

Lụa là chất liệu đòi hỏi sự kỹ lưỡng, cẩn thận đến cầu kỳ của người vẽ, để hoàn thành một bức tranh, bà Ngọc Mai mất không dưới vài tháng. Khởi đầu từ bức “Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không” với hình ảnh hai chị em Thuý Kiều và Thúy Vân tình cờ gặp gỡ Kim Trọng, tiếp theo là bức “Rằng hay thì thật là hay/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào” khi Thuý Kiều ngồi đàn cho Kim Trọng nghe… câu chuyện trong tranh của bà cứ dẫn dắt người xem đi theo cuộc đời thăng trầm của Kiều suốt 15 năm lưu lạc và ngoài Kiều, những nhân vật gắn liền với số phận, cuộc đời người kỹ nữ này như Kim Trọng, Từ Hải, Mã Giám Sinh, Tú Bà… đều được khắc họa khá rõ nét.

Họa sỹ Ngọc Mai kể có những bức bà vẽ mất vài tháng nhưng rồi khi xem lại, bà lại bỏ vì không hài lòng. Như bức “Khí thiêng khi đã về thần/Nhơn nhơn lại đứng chôn chân giữa vòng” vẽ Từ Hải khi chết đứng, nhưng sau một thời gian bà nhận thấy dường như Từ Hải trong tranh tuy rất oai phong vẫn thiếu một nét gì đó phong trần, bụi bặm. Thế là bà lại bỏ, cặm cụi vẽ lại. “Tính tôi là như thế! Chưa hài lòng là tôi làm lại, làm cho đến bao giờ thỏa mãn mới thôi. Vì thế chỉ 28 bức tranh mà tôi đã mất đến 12 năm. May mà trời còn cho tôi sức khỏe để hoàn thành bộ tranh”- Bà tâm sự.

Lời hứa với bản thân mình ngày nào giờ đã hoàn thành, họa sỹ Ngọc Mai bảo: “Tôi đã dự tính mở một cuộc triển lãm Kiều để đem những cảm xúc của tôi chia sẻ với mọi người. Có người đã đặt vấn đề mua cả bộ tranh này nhưng tôi không bán, tôi chỉ giữ lại cho riêng tôi và biết đâu mai này nước ta có bảo tàng về riêng Kiều thì tôi sẽ tặng lại cho bảo tàng”.

Nhân dịp triển lãm tranh lụa Kiều, họa sỹ Ngọc Mai ra mắt cuốn sách ảnh của 28 bức tranh cùng lời tóm tắt truyện Kiều mà bà đã thực hiện bằng 3 thứ tiếng là Việt, Anh và Pháp. Chỉ riêng phần tóm tắt Kiều thôi mà bà cũng phải vất vả tự dịch, nhờ người hiệu đính và so sánh với những bản dịch Kiều trước đây. Được hỏi vì sao mà bà lại kỹ lưỡng đến thế thì bà bảo: “Kiều là tác phẩm văn học lớn của dân tộc ta và tôi không muốn một sai sót nào khi làm những gì liên quan đến Kiều”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG