Nữ thần cảm hứng của danh họa Dali

Nữ thần cảm hứng của danh họa Dali
Đến khi chết, Gala vẫn là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm về sau của danh họa Dali. Trước đó, Gala chấp nhận rời bỏ chồng con, cùng Dali sống ẩn dật.

Galina Diakonova sinh năm 1894 tại thành phố Kazan nước Nga. Gia đình nàng chuyển lên Moskva sau khi bố nàng qua đời và mẹ nàng đi bước nữa.

17 năm đầu tiên của cuộc đời nàng chẳng hứa hẹn một số phận gì đặc biệt. Nhưng rồi, nàng bị mắc chứng lao phổi. Nhờ bố dượng khá giàu có nên nàng được đưa sang điều dưỡng ở Thụy Sĩ.

Tại đây, Galina có dịp làm quen với Eugiène Paul Grindel, người về sau đã đi vào lịch sử với tư cách là nhà thơ xuất chúng Paul Eluard. Ngay trong cuộc gặp gỡ đầu tiên, trực giác thiên bẩm của Galina đã giúp nàng hiểu rằng trước mặt nàng là một tài năng khác thường.

Và chính vào quãng thời gian đó, Galina bắt đầu tự gọi mình là Gala, rất có thể là mượn từ tiếng Pháp “gala” có nghĩa là “vui vẻ, hội hè”.

Một năm sau, khi đã lành bệnh, Gala trở về Nga trong tâm trạng hân hoan yêu và được yêu. Paul Grindel thường xuyên viết cho Gala những bức thư nồng nhiệt như những câu thơ và những câu thơ tựa như những lời tỏ tình say đắm.

Gala cũng đáp lại dịu dàng và âu yếm. Nàng gọi Paul là “con chim nhỏ của em”, “cậu bé của em”, “đứa trẻ của em”. Nàng luôn luôn muốn làm người mẹ đối với những trang nam nhi của mình…

Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Paul khao khát lên đường ra mặt trận còn Gala thì cầu khẩn người yêu chớ nên liều lĩnh. Nhưng ngoài chiến tranh, hai bên còn gặp một trở ngại nữa: bố của Paul kiên quyết không chấp nhận mối tình giữa con trai với “cô gái Nga kia”.

Tuy nhiên, Gala lần đầu tiên tỏ ra khôn ngoan và mềm mỏng. Nàng bắt đầu viết thư cho bà mẹ của Paul và ít lâu sau thuyết phục được bà đứng về phía mình.

Tháng 2/1917, Gala đến Paris và kết hôn với Paul. Tràn trề hạnh phúc, Paul không tiếc tiền mua sắm cho người vợ trẻ, đưa nàng đi du lịch, dẫn nàng đến những tiệm ăn sang trọng, tạo điều kiện cho nàng gia nhập giới thượng lưu.

Còn về phần Gala, nàng tiếp tục vun đắp trong tâm hồn chồng thứ tình cảm giống như tình cảm của người con đối với người mẹ. Nàng sẵn sàng hy sinh vì chồng, chịu đựng mọi vụ phản bội của chồng và hy vọng sẽ mãi mãi là “nữ thầm cảm hứng” của chồng mà lúc này đã trở thành một nhà thơ nổi tiếng. Nhưng vô ích.

Tuy nhiên, Paul chỉ là thiên tài đầu tiên trong cuộc đời nàng và nàng mới chỉ học được những bài học đầu tiên… Mối tình của họ rơi vào khủng hoảng thật sự sau khi Gala sinh cô con gái đầu lòng mà nàng đặt tên là Césille.

Vào năm 1929, khi cuộc hôn nhân của Paul và Gala bước sang năm thứ 12 thì bạn bè giới thiệu họ với Sanvador Dali, một họa sĩ trẻ kỳ quặc người Tây Ban Nha.

Gầy gò, bộ ria dài xoắn lên một cách ngạo nghễ nhưng tính tình lại cực kỳ rụt rè và nhút nhát, trông Dali đúng là một kẻ khác đời. Vào lúc đó, hầu như chẳng ai dám tiên đoán Dali có một tương lai rực rỡ. Nhưng Gala lại khác: cũng như đối với Paul Grindel, trực giác mách bảo nàng thấy ở anh tiềm ẩn một tài năng xuất chúng.

Và từ khi ấy, nàng đặt mục tiêu cho cuộc đời mình là bảo hộ và chăm lo cho Dali. Nàng rời bỏ chồng con, rời bỏ xã hội thượng lưu Paris để cùng Dali đến sống ẩn dật gần nửa năm trời tại một ngôi làng hẻo lánh ở Tây Ban Nha và tận tuỵ chăm sóc anh.

Nhưng rồi nàng nhận ra rằng ở nơi hẻo lánh này thì “thiên tài tiềm ẩn” của Dali không có tương lai nên lại cùng anh trở về Paris. Đồng thời, nàng quyết định chia tay với Paul, người chồng giàu có nhưng không còn yêu nàng và tôn thờ nàng như nàng mong muốn nữa.

Sống với Dali, Gala lại một lần nữa biểu lộ tấm lòng hy sinh tận tụy hiếm có. Vào đầu những năm 30, khi Dali chưa được thế giới biết đến, hai vợ chồng nàng sống cực kỳ nghèo khổ.

Nhưng Gala không nản lòng. Nàng đi khắp các phòng tranh ở Paris, không mệt mỏi giới thiệu tác phẩm của Dali, nỗ lực vượt bậc để chồng thường xuyên nhận được đơn đặt hàng.

Đến giữa những năm 30 thì công sức nàng bỏ ra bắt đầu đem lại những kết quả đầu tiên. Dali dần dần trở thành nhà họa sĩ lớn nhất thời đó. Trên các bức tranh của ông bao giờ cũng có hình bóng Gala, nữ thần cảm hứng duy nhất của ông, người đã làm thiên tài của ông được thừa nhận.

Dưới hình ảnh Đức Mẹ và nữ thần Venus hoặc dưới hình ảnh nàng Elena Tuyệt Đẹp, Gala chuyển từ bức tranh này sang bức tranh khác như một nỗi ám ảnh, như một tấm bùa hộ mệnh của nhà họa sĩ thiên tài Sanvador Dali.

Nhưng nếu Gala trẻ mãi trên các bức tranh thì trong cuộc đời nàng lại mỗi năm một già đi. Đối với nàng, đó là một tấm bi kịch thật sự. Nàng ra sức trang điểm, tập luyện, massage. Và nàng còn tìm nỗi an ủi trong những cuộc tình thoáng qua nữa.

Ngôi nhà của Dali luôn luôn đầy những họa sĩ và nhà điêu khắc trẻ. Họ trở thành đám tùy tùng lúc nào cũng vây quanh nàng. Còn Dali thì tôn thờ “nữ thần” của mình nên ông để mặc nàng sống theo ý thích. Hơn nữa, trong nhà ông lại thường xuyên có những nữ diễn viên trẻ trung xinh đẹp. Trong số đó có Amanda Lir.

Khi linh cảm thấy mình chẳng còn sống được bao lâu để chăm sóc Dali, Gala đề nghị Amanda thề trước tượng thánh là sau khi mình chết thì Amanda sẽ kết hôn với Dali để thay nàng chăm sóc ông.

Amanda đồng ý – nàng đồng ý vì cảm thấy sợ Gala, người phụ nữ bị thiên hạ đồn đại là phù thủy, là đã bỏ bùa mê cho nhà họa sĩ thiên tài Sanvador Dali…

Ngày 10/6/1982, Gala qua đời ở tuổi 88.

Vì quá tiếc thương Gala nên Dali đã không ngần ngại vi phạm luật pháp.

Vào những năm 40, nước Pháp bị bệnh dịch hoành hành nên đã ban hành đạo luật cấm di chuyển tử thi. Nhưng Dali đã bất chấp lệnh cấm ấy. Ông bọc thi thể Gala trong chăn và đặt vào chiếc xe Cadillac hệt như nàng còn đang sống, ngồi bên cạnh là một nữ hộ lý.

Họ thỏa thuận với nhau là nếu xe bị cảnh sát chặn lại thì sẽ nói là Gala bị chết trên đường tới bệnh viện. Một giờ sau thì họ tới Per, nơi đã chuẩn bị xong xuôi cho việc chôn cất.

Hai nấm mồ đã được đào sẵn – nấm mồ thứ hai là dành cho Dali khi ông qua đời. Thi thể ướp hương của Gala được đặt vào cỗ áo quan nắp trong suốt rồi hạ huyệt. Lúc đó là đúng 18 giờ…

Gala đã ra đi nhưng hình ảnh nàng vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm về sau của Dali và những kỷ niệm về nàng vẫn ám ảnh Dali cho đến cuối đời.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.