Nữ thi sĩ "đâu phải bởi mùa thu" mở phòng tranh

Nữ thi sĩ "đâu phải bởi mùa thu" mở phòng tranh
Trong giới văn nghệ sĩ và người yêu thơ nhiều người biết đến Giáng Vân. Còn bây giờ, chị đang chứng minh thi và họa luôn hữu duyên bằng việc mở gallery!

Câu chuyện của chị bắt đầu, với thói quen dùng ngôi thứ nhất số ít là “ta”: “Ta là người có nhiều ước mơ và ý tưởng nhưng ta chưa có điều kiện để thực hiện được bao nhiêu. Lần này thì ta làm được. Ta bắt đầu làm như xây từng viên gạch nhỏ cho móng nền của một lâu đài mong muốn”.

Theo chị, tranh giả, tranh nhái tràn ngập lâu nay làm cho tranh Việt Nam đang mất uy tín trên thị trường tranh thế giới. Và rất nhiều người sáng tác nghiêm túc, có phong cách đang nản hoặc đang “qua bao ngày phôi pha” như câu thơ của chị.

Chị kể: “Ta có một căn nhà, ta cho thuê được 1,2 triệu đồng. Ta may mắn được người bạn cho thuê “hữu nghị” căn hộ này 1,5 triệu. Ta chỉ phải bù ra có 300 nghìn đồng. Nhưng ta có cơ sở để bắt đầu mơ ước mở một phòng tranh, tạo một địa chỉ cho tranh có phong cách của các tác giả được chính ta chọn lựa đem về bày. Tại đây, ta không có mục đích làm kinh tế hay hy vọng lớn về việc bán tranh. Ta muốn tạo địa chỉ đi về cho người sáng tạo và người yêu tranh đích thực”.

Căn gác tầng hai của số 38A Trần Phú (Hà Nội) được chị chia làm hai “khu vực”. Một bên là căn phòng nhỏ chị và bé Tôm (con gái của chị) cùng sống và phía bên kia là căn phòng 22 m2 dùng để trưng bày tranh.

Căn phòng tranh chị hằng mơ ước này, chỉ có thể trưng bày cùng một lúc khoảng 20 bức tranh nhưng chị muốn nó sẽ là một không gian tuyệt vời của sự giản dị, gần gũi, không màu mè, khoa trương.

Chị nói: “Ta chỉ chọn tranh có phong cách riêng. Những họa sĩ nổi tiếng “thành danh” nhưng “dẫm lại mình ” ta không chọn...”.

Chị cho biết, từ nay đến cuối năm đã kín lịch trưng bày với 5 tác giả. Dự kiến của chị ban đầu là hai tháng trình bày một tác giả nhưng sau phải rút ngắn lại.

Giáng Vân bảo rằng mình còn phải đầu tư lắp một cái máy điều hòa, mua một chiếc tủ lạnh để trong phòng tranh để khách đến có thể mở tủ lấy nước uống như ở nhà mình.

Rồi làm thêm khung, thêm đèn... Nhưng chị quyết: “Ta không xin tài trợ. Ta không muốn nhuốm mùi kêu gọi tiền”.

Giáng Vân là biên tập viên trang văn nghệ của tờ Phụ nữ Thủ đô. Là người phụ trách tờ nguyệt san của toà soạn và chị đã làm việc khá nhiều để có tiền mở phòng tranh.

Giáng Vân mở đầu “sự nghiệp” của Gallery Huệ An bằng tập hợp tranh “Chân dung châu Á” của Đinh Ý Nhi.

Theo Đinh Ý Nhi, Giáng Vân là người bạn vong niên có trình độ thẩm tranh như “đi guốc trong bụng” người sáng tạo là chị.

Những ngày này, ai đến với Huệ An Gallery đều ấn tượng thật sự trước những bức tranh chân dung như ám ảnh.

Một “đội ngũ” các bức chân dung đầy ấn tượng sẽ làm cho người xem cảm thấu về thân phận, nỗi buồn sau gương mặt những con người.

Sinh năm 1967 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1991, Đinh ý Nhi được xem là một trong những hoạ sĩ hiện đại có tên tuổi hiện nay. Tranh của chị có mặt tại nhiều nước trên thế giới.

Gallery Huệ An đang giúp cho Đinh ý Nhi trình bày sự mới mẻ trong một Đinh Ý Nhi quen thuộc.

MỚI - NÓNG