Nữ tính 'Phập phồng'

Nữ tính 'Phập phồng'
TP - Ai cho rằng phụ nữ đang cảm thấy yên ổn trong xã hội văn minh đề cao bình đẳng giới hôm nay, rất có thể sẽ nghĩ lại khi đến với Phập phồng. Ở đó, 5 gương mặt nữ trong Chaap Art- tổ chức nghệ thuật mở của các nghệ sĩ trẻ ở Hà Nội- đang bày ra những tồn tại về tính nữ trong đời sống hôm nay.

Ai muốn vào xem triển lãm Phập phồng tại viện Goethe Hà Nội (đến 13-12) đều phải đi qua Cổng vạn tuế tạo thành bởi sắt, bóng bay, hoa hồng, xốp giữ ẩm và dây gai rộng gần 2m, sâu 5m. Nó rất giống “cổng” mà người nào muốn đến thế gian này đều phải đi qua. Tuyên ngôn của Hường By Nguyễn về Cổng của cô: Ta nâng niu nó/ Ta nhớ nhung nó/ Ta sùng kính nó/ Ta giật mình nó/ Ta ngoảnh mặt nó/ Ta chán ghét nó/ Ta căm thù nó/ Ta không thoát nó/ Ôi! Cổng vạn tuế. Ấn tượng về Cổng vạn tuế: Đẹp một cách lạc quan và lãng mạn. Có điều vì làm bằng hoa tươi nên cổng héo dần, bóng bay cũng xịt dần. Hường sinh 1984, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Công nghiệp.

Một tác phẩm khác cũng lấy cảm hứng từ cơ thể nữ giới là Giàn mướp của Nguyễn Thị Hoài Thơ, sinh 1983 ở Hà Tĩnh. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, Thơ đang làm nghề PR. Là một trong những thành viên sáng lập Chaap Art, Thơ thường đứng ra tổ chức các triển lãm Chaap Art cho các nghệ sĩ trẻ Việt Nam và quốc tế. Những quả mướp của Thơ tạo hình theo vòng 1 của phụ nữ cứ hồng hào, treo lúc lỉu từng đôi hay đơn độc, làm đề-co cho quán cà phê ngoài trời của viện Goethe.

Thêm một tác giả lấy cơ thể làm đối tượng sáng tác là Phạm Thu Thủy. Ngọt của cô mô tả đôi môi mọng phóng đại nhìn thoáng qua như được tạo thành từ các cánh hoa nhưng thực ra là hàng ngàn lưỡi dao lam cắm trên bệ đất sét. Nói thật là trông “môi” của Thủy cũng khá gợi nhớ đến “cổng” của Hường. Với Ngọt, tác giả muốn nói đến sự kết hợp giữa hình thức ngọt ngào và nội dung sắc như dao lam luôn làm nên thế mạnh độc quyền của nữ giới.

Nhà tạo mẫu trẻ Phạm Thúy Hồng sử dụng dây thép gai để thiết kế một chiếc áo dài đặt tên là Nở. Cô chia sẻ, cảm hứng tác phẩm bắt nguồn từ bản thân. Hồng tự nhận mình xấu, nên thường phải tỏ ra mạnh mẽ, tự tin. Qua tác phẩm, Hồng muốn nhắc nhở về nội tâm của người phụ nữ vẫn còn đó đằng sau lớp vỏ có thể xù lông nhím chờ khám phá. Trong buổi đối thoại với công chúng, có người thắc mắc với Hồng vì cái bên trong của người phụ nữ lại được cô tượng trưng bằng bộ đồ lót lồng trong váy thép.

Trẻ nhất, dường như cũng mang nhiều tâm sự nhất là Hồng Ngân, sinh viên Cao học ĐH Mỹ thuật. Hồng Ngân tìm ra những hình thức biểu hiện mạnh, mang tính thông điệp cao với hai tác phẩm Chiến và Hạnh phúc. Chiến gây tranh cãi đến nỗi nó chỉ được tồn tại nguyên dạng trong một ngày. Tác phẩm được kết hợp bởi lưới inox, tôn, sắt, dây thép, ốc vít, xỉ than, nơ vải và đặc biệt có mèo và chuột còn sống. Mặc dù tác giả cung cấp đầy đủ các biện pháp đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng cho “chất liệu” nhưng tác phẩm vẫn bị các nhà bảo vệ động vật phản đối, đòi cất mèo và chuột đi. Chiến bao gồm một hệ thống đường ống bằng lưới thép cho mèo ở, bên trong là một hệ thống đường ống nhỏ hơn cho chuột. Trực quan cho thấy mèo và chuột cộng sinh một cách khá… uể oải, chúng bình thản nằm sát nhau chỉ cách một làn lưới sắt mỏng.Ngân tuyên bố mèo với cô có nhiều điểm gần với phụ nữ, và tất nhiên con còn lại tượng trưng cho đàn ông. “Phụ nữ đúng là… nhiều khi coi đàn ông như miếng mồi,” Ngân dè dặt tuyên bố.

Hạnh phúc là một tác phẩm trình diễn và sau đó được quay thành video. Ngân mặc trang phục cô dâu bằng vải nhưng những phục sức truyền thống khăn xếp, kiềng, hoa- cô mang lại bằng nước đá. Tất cả cứ dần tan chảy ra trong khi nghệ sĩ run lập cập, mếu máo, dường như khóc, chì kẻ mắt chảy thành dòng đen sì… và cuối cùng không chịu nổi “gánh nặng” băng giá- sụp xuống. Cùng với tác phẩm, Ngân chia sẻ: “Bố mẹ tôi chia tay khi tôi 10 tuổi, chị gái tôi ly hôn 3 năm sau đám cưới, tình yêu của tôi đổ vỡ. Nhìn ra xã hội cũng đầy rẫy hoàn cảnh thậm chí khốc liệt hơn. Tôi tự hỏi hạnh phúc đích thực ở đâu? Khi ta bước chân lên xe hoa, hạnh phúc bắt đầu, hay bắt đầu khổ đau?”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG