Nửa thế kỷ làng Tuồng đất Bắc

Nửa thế kỷ làng Tuồng đất Bắc
TPO - Làng quê đất Bắc vốn được mệnh danh là cái nôi của chèo bao thế kỷ qua. Tuy nhiên, có một làng Tuồng đã bền bỉ sống giữa đất chèo cho đến hôm nay. Đó là làng Dương Cốc (xã Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Tây).

Thập niên 60 của thế kỷ XX, đoàn nghệ thuật Liên khu V, trong đó có đoàn tuồng Đào Tấn (Bình Định) sơ tán về làng Dương Cốc. Nhờ đó, người dân nơi đây có cơ hội tiếp xúc, làm quen với Tuồng.

Những người thợ cày, thợ cấy ban ngày lấm lem ruộng đất thì tối đến rũ bùn trở thành cô Bằng trong vở Cô gái sông Tích, Trần Bình Trọng trong vở Trần Bình Trọng, anh lính trong vở Nắng soi dòng suối Pang Pơi, hay bà huyện trong vở Nghêu sò ốc hến…

Những nghệ sĩ chuyên nghiệp của đoàn tuồng Đào Tấn đã truyền lửa đối với loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền này cho người dân nơi đây. Những con người vốn chỉ quen tay cày tay cuốc, sinh ra và lớn lên trong rơm rạ đã bén duyên… Tuồng như thế.

Gắn bó trong cảnh dầu sôi lửa bỏng của chiến tranh, đoàn Tuồng và bà con cùng nhau chia ngọt sẻ bùi để tiếng hát, tiếng trống át tiếng bom. Người nông dân dù ban ngày bận bịu với công việc đồng áng nhưng đêm đến vẫn đốt đuốc rủ nhau diễn xướng, dựng vở cùng đoàn Tuồng. Dần dà, họ lập nên đội Tuồng của riêng mình: đội Tuồng làng Dương Cốc.

Đến nay, bao thập kỷ thăng trầm đã qua, ngoài thời gian đứng trước ánh đèn sân khấu, những diễn viên không chuyên vẫn phải mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau (chủ yếu làm nông). Chỉ có tối đến, họ mới tạm quên đi nỗi lo cơm áo đời thường và hóa thân vào từng thân phận nhân vật nơi đình làng.

Gần 50 năm, không quản nắng mưa vất vả, các “diễn viên làng” đã công diễn hàng vạn lượt, phục vụ hàng triệu người xem. Họ đã dựng thành công khoảng 40 vở  từ tuồng cổ đến tuồng hiện đại.

Hơn 200 giải vàng là tài sản lớn nhất của cả đội sau khi đã tham gia các hội diễn trong tỉnh và toàn quốc. Cuối năm 2006, trong liên hoan sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc tổ chức ở Bình Định, đội tuồng Dương Cốc giành được 4 huy chương vàng toàn đoàn, 2 huy chương bạc.

Năm 2003, đội tuồng làng chính thức thành Câu lạc bộ (CLB) Tuồng do ông Nguyễn Văn Lý làm chủ nhiệm. Đã qua 6 thế hệ diễn viên, đến nay CLB vẫn duy trì 26 diễn viên, nhạc công thường xuyên tham gia sinh hoạt. Đặc biệt có gia đình ông Nguyễn Ngọc Bỉnh, Nguyễn Hữu Thiết… cả ba thế hệ cha con đều gắn bó với đội tuồng. Nghệ thuật đã làm đẹp hơn cái chất hồn hậu, chất phác của những người quê.

Ông Lý cho biết, trong năm 2007 sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập. Đó còn là món quà ý nghĩa dành tặng các thành viên tích cực đã cống hiến hết mình và hy sinh nhiều cho hoạt động của CLB trong suốt bao năm qua.

Nhờ những thành công vang dội ở các hội diễn toàn quốc, đội tuồng làng Dương Cốc được Sở Văn hóa đầu tư xây dựng Nhà văn hóa. Từ đó, những “diễn viên làng” yên tâm có chỗ tập luyện, không còn thấp thỏm lo chuyện nắng mưa.

Cặp vợ chồng gần 40 năm gắn bó đội Tuồng

Nửa thế kỷ làng Tuồng đất Bắc ảnh 1
Anh Thường tự hào với những “chiến công” - Ảnh: M.A

Đó là gia đình anh Huy Thường và chị Bích Hảo. Anh hiện là đội trưởng, còn chị là diễn viên chính trong nhiều vở diễn của đội. Ngày trước, vì mê tuồng nên anh chị cùng tham đội tuồng làng.

Hẳn chung niềm đam mê nên người ta cũng dễ cảm mến mà đến với nhau. Gắn bó từ năm 1973 đến nay, con cháu đề huề cả nhưng hai anh chị vẫn đeo đuổi nghiệp diễn.

Chị Bích Hảo gương mặt phúc hậu, miệng lúc nào cũng tươi như hoa, nếu không biết trước hẳn tôi không thể ngờ chị đã ngoại ngũ tuần. Mấy năm trước gặp, chị còn bán thịt ở chợ làng nhưng bây giờ anh con lớn đã thay mẹ trông nom. Chị Hảo chuyển sang buôn thủy sản.

Mỗi chuyến hàng chị phải chằng buộc từ 2 giờ sáng để kịp buổi chợ Hà Đông. Trong lúc mọi người còn ngon giấc với chăn ấm đệm êm thì chị mải bươn bả với những chuyến hàng, bất chấp cả đêm đông gió rét sắt da sắt thịt, hay những ngày mưa đường lầy trơn trượt.

Vừa thoăn thoắt thay nước trong thùng phuy cá chị vừa nói: “Nhọc nhằn lắm cô ơi, nhưng tay làm hàm nhai. Bỏ sống áo sân khấu thì tôi lại là bà nông dân chính hiệu”.

Nửa thế kỷ làng Tuồng đất Bắc ảnh 2
Chị Hảo giữa đời thường - Ảnh: M.A

Trong đợt hội diễn toàn quốc ở Bình Định vừa rồi, hai anh chị mỗi người mang về một tấm huy chương vàng cá nhân góp vào gia tài hàng trăm huy chương các loại từ bao năm nay của gia đình.

Là lứa diễn viên thứ hai của đội tuồng, đã gần 40 năm qua đi, lên chức ông bà cả rồi mà anh chị Huy Thường – Bích Hảo vẫn ham diễn như thuở xưa.

Nhìn ra khoảng sân chiều muộn lây phây mưa, nhìn vợ mải miết sắp hàng cho buổi chợ đêm nay, anh Thường khẽ nói: “Chúng tôi diễn như một việc chẳng đừng được”. Nhìn anh, người đội trưởng 4 lần phải đi phẫu thuật vì bị phấn trang điểm tràn vào mắt tôi thầm cảm phục.

Anh chị Thường – Hảo không chỉ gắn bó bởi nghĩa vợ chồng, họ còn là cặp bạn diễn ăn ý. Suốt chặng đường quá nửa đời người, họ đã để lại thật nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng đồng nghiệp và công chúng những nơi đi qua.

Giờ đây, các con cháu của anh chị muốn bố mẹ, ông bà chúng nghỉ ngơi. Nhưng anh Thường vẫn canh cánh nỗi lo CLB tuồng đang bị “già hóa” đội hình, người trẻ nhất nay cũng ngoài 30, còn phần lớn đã ngoại lục tuần, thất tuần cả mà chưa có lớp trẻ kế cận.

Anh trăn trở: “Theo đuổi nghệ thuật truyền thống rất khó. Theo đuổi nghệ thuật tuồng còn khó hơn bởi tính đặc thù của nó. Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực này 30 năm cũng chỉ đóng được vai quân (vai phụ). Vì thế vợ chồng tôi chưa thể nghỉ ngơi”.

Những diễn viên nghiệp dư hàng ngày lao động nhọc nhằn, đến mỗi cuối tuần lại tề tựu đông đủ ở CLB, trút hết lấm lem đời thường để hóa thân vào những thân phận khác nhau trên sân khấu.

Không đòi hỏi gì, họ vẫn lặng lẽ diễn cho thỏa lòng đam mê, vẫn cống hiến cho công chúng những vở diễn đầy xúc động, vẫn ăn cơm nhà rồi đi diễn khắp nơi. Và nhìn đôi vợ chồng gần 40 năm gắn bó với đội tuồng làng sắp hàng hóa cho buổi chợ đêm tôi thấy họ thực sự là những nghệ sĩ của nhân dân.

MỚI - NÓNG