Nửa vời

Nửa vời
TP - Chúng ta từng bàn về sự “khôn vặt” của người Việt, sự khôn ngoan đó nổi lên qua câu: Người khôn ăn nói nửa chừng/Làm cho kẻ dại nửa mừng nửa lo.

Người khôn theo nghĩa lớn là để giúp đời, theo nghĩa nhỏ thì chí ít phải có ý tưởng minh bạch về bất kể việc gì đó. Nhưng cách khôn nói đến ở đây không vậy! Mục đích của cái khôn không phải thể trình ra quan niệm hay trí tuệ, mà là: Để sống ưu thế hơn. Vì thế người ta còn nói “khôn ăn người, dại người ăn”.

Cái khôn kiểu đó không phải để tiến đến trí thức, cũng chẳng có phong độ của ông chủ, mà là cách làm nô bộc lươn lẹo sao cho vừa lòng chủ.

Tại sao phải ăn nói nửa chừng? Vì trước hết, người Việt học hành theo lối “học  gạo” kiếm chỗ ấm thân, nên cái học rất nửa vời, để vừa có mặt lại không có mặt, khi cần suất ăn giải thưởng thì “ta đăng ký”, khi cần “ba mươi sáu chước tẩu nhi vi sách” cũng tiện, vì ta nói, nhưng đã nói gì đâu ai mà bắt được lỗi. Ngôn ngữ là biểu hiện của trí tuệ.

Như vậy câu nói trên của người Việt đủ thấy người Việt dùng ngôn ngữ để sống nhiều hơn là để tư duy. Cái học đằng đẵng trong lịch sử là muốn làm quan, muốn sống hơn người theo kiểu “Mồm miệng đỡ chân tay”, nhiều hơn là để dành cho con người phát triển tư tưởng.

Trong lịch sử, ngay cả các luồng tư tưởng, các tôn giáo vào Việt Nam là để áp dụng sống nhiều hơn là để phục vụ nhu cầu phát triển phẩm chất sống của tâm hồn.

Xứ ta có rất nhiều người luôn có câu nói trưng diện ở cửa miệng rằng: “Đời vô nghĩa cả thôi, chết là hết ấy mà”. Kỳ thực thì, số người này cái gì cũng muốn, đến nỗi người đời gọi họ là “thích đủ thứ”.

Họ tìm cách vơ vào tất cả mọi bổng lộc của cuộc sống nhưng lại nói ra vẻ “vô nghĩa cả thôi”. Và khi họ nói “chết là hết!”. Không phải theo nghĩa than tiếc, mà là rất ích kỷ theo kiểu: Mọi cái hãy dành cho tôi lúc sống, còn khi chết thì hết cũng được. Đây là mẫu người ích kỷ mà người phương Tây nói rằng: “Ta hãy sống đã. Còn sau khi ta chết là nạn hồng thủy cũng mặc”.

Trong những lĩnh vực cần đến trí tuệ, người Việt thường bày tỏ cách: “Tháng Ba cũng ừ, tháng Tư cũng gật”. Không thế này, cũng chẳng thế kia. Trong âm có dương, trong dương có âm. Âm hết cũng chẳng tốt. Dương hết cũng không hay. Làm sao để kết hợp toàn vẹn âm dương. Sau khi đưa ra ý kiến nửa nạc – nửa mỡ, “nôm na mách qué”, người Việt thường rơi vào lối tranh cãi cù nhầy.

Rồi còn nói “mọi so sánh chỉ là tương đối” như là sự xóa bỏ mọi ranh giới, mọi so sánh, và mọi cách quan niệm. Rút cục người ta thường cùng nhau quy về “tình cảm”. Thôi thì, sư cũng phải mà vãi cũng hay. Cuộc tranh luận kết thúc, người ta làm xong cái việc lấy “Tâm lý đổi “Chân lý”.

Tại sao lúc nào người ta cũng muốn một khoa học, một nghệ thuật, hay một giải pháp toàn thể? Để mà không thể sai! Để luôn luôn mình có mặt ở đó mà chẳng phải phiêu lưu gì cả, nên không sợ “chẳng phải đầu cũng phải tai”?

Vài lần khi nói chuyện với mấy người lúc nào cũng dùng dằng ở giữa bùng binh của các mối dây quan niệm nửa nạc – nửa mỡ, tôi nói: Dù chiếc máy bay có hiện đại thế nào cũng không thể cùng lúc bay cả lên phía Bắc, cả xuống phía Nam. Nhưng hoàn toàn nó có thể bay lần lượt từ Nam chí Bắc.

Nước cũng vậy, khi đun sôi có thể pha trà, khi làm lạnh có thể thành đá. Nhưng không thể cùng một lúc nó vừa pha trà vừa thành đá. Nhưng hoàn toàn có thể đun nóng pha trà sau đó đặt vào tủ lạnh, ta sẽ có được nước trà lạnh.

Vì sự lùng nhùng của tư duy nửa vời trong việc nhập nhằng tranh tối tranh sáng, nên phải nói trong nhiều thế kỷ, tư duy về khoa học của người Việt rất chậm phát triển. Rất khó có thể giải quyết việc gì đến đầu đến đũa, một cách tiến bộ rõ ràng. 

MỚI - NÓNG