Nước mắm chấm riêng của Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nước mắm chấm riêng của Nguyễn Vĩnh Nguyên
TP - Trước tập sách có cái tên rất dài: Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác, Nguyễn Vĩnh Nguyên ít nhất đã in một tập tản văn và vài tập truyện. Nghĩa là anh đã bước vào giai đoạn chín của nghề viết, đọc lên là nhận ra chất của Nguyên liền. Chất ấy là gì?

> Sài Gòn chông chênh văn và báo
> Thơ trẻ TPHCM: 'Tự kỷ' và 'cô đơn' ?

Ở tập tản văn mới này, Nguyễn Vĩnh Nguyên chạy nhiều tuyến văn: Số liệu của một nhà báo theo sát thời sự văn hóa xã hội, khảo cứu của một cây bút chuyên điểm sách và giọng điệu của một người đọc có hệ thống.

Những tuyến đó xoắn vào nhau, làm nên cái chất kỳ khu cẩn trọng mà tinh ranh phớt đời, như từ chuyện bé như cái tăm và thói ngậm tăm của người Việt mà bàn ra thái độ sống bàng quan, im miệng để thủ lợi của nhiều người. Bàn ở đây không còn là bàn bạc, mà đã có dấu hiệu bàn cãi.

Đọc tập tản văn 25 bài này với nhiều chủ đề, chủ đề nào cũng dẫn về một luận giải “nâng tầm quan điểm” nào đấy, nhưng người đọc không cảm thấy mệt. Ngoài việc sách được viết bằng một giọng văn trào lộng và linh hoạt, Nguyễn Vĩnh Nguyên còn là một người có ý thức cấu trúc cao.

Việc dụng công theo đuổi những luận điểm tranh cãi về đúng sai, giả dối và đạo đức, thói quen và phẩm cách, theo đuổi một cách khôn ngoan và tinh tế, đã làm cho hầu hết các bài tản văn hô ứng với nhau làm nên ấn tượng chung đậm nét.

Cuốn sách (Alpha Books và NXB Lao Động ấn hành, 2012) bàn về những điều không thể không nói ở đô thị Việt Nam như cái ăn (cá kèo, nước mắm), cái uống (cà phê), chỗ ở (tư duy theo mặt bằng, cái bếp, cái vườn, cái cây), cái xe, và cả cái sướng kiểu hành hạ người khác: hát karaoke và chứng nói luôn mồm.

Từ những chuyện dễ thấy đó, Nguyên nhìn ra những liên quan đáng nản như cách nói vần vèo, biền ngẫu từ chỗ làm cho ý tứ dễ thông đạt thì còn sinh ra văn hóa báo cáo du dương, nói hay hơn làm (Vì đâu “sát thủ” thì “đầu mưng mủ”?).

Chén nước mắm chấm chung chễm chệ giữa mâm tưởng là sự hòa đồng của người Việt nhưng cũng lại phản ánh sự tùy tiện, chung chạ và thiếu ý thức.

Có người sẽ nói, gì mà phải cực đoan thế? Nhưng rõ ràng là, đọc tản văn của Nguyễn Vĩnh Nguyên, người ta mới hay cái cảm giác thú vị của chén nước mắm trong cay xé vị ớt được chấm rất riêng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG