Nước mắt con Lân

Nước mắt con Lân
TP - Múa Lân vui phố vui phường là thế, nhưng không hiểu từ bao giờ con Lân đã bị thị trường hớp hồn, đến mức nó không còn hồn nhiên như ngày xưa nữa. Và những giọt nước mắt buồn vì Lân đã nhiều năm xuất hiện...
Nước mắt con Lân ảnh 1
Đội Lân xuất hành   Ảnh: Lê Văn Nghệ

Nói đến Trung thu hay hội hè ở Huế không thể không nói về Lân và múa Lân. Huế có lẽ là xứ sở nhiều Lân nhất nước ta. Người Huế thường tổ chức múa Lân trong các lễ hội quan trọng như Quốc khánh 2/9, Tết Nguyên đán, lễ hội Điện Hòn Chén, lễ Cầu Ngư Thuận An, Festival... cho đến các cuộc vui chơi nơi thôn dã.

Bây giờ, việc khởi công công trình, khai trương ngân hàng, nhà hàng... người ta cũng mời đội lân về múa cho rôm rả và để “trừ tà”.

Những đêm Trung thu ở Huế ra đường là gặp Lân. Lân đi như mắc cửi. Hai ba giờ sáng Lân vẫn còn múa, còn đi. Lân đi xe lam, đi xích lô, Lân “đi bộ” chạm trán nhau đôm đốp.

Múa Lân vui phố vui phường là thế, nhưng không hiểu từ bao giờ con Lân đã bị thị trường hớp hồn, đến mức nó không còn hồn nhiên như ngày xưa nữa. Và những giọt nước mắt buồn vì Lân đã nhiều năm xuất hiện...

Sợ Lân

Con Lân văn hóa, con Lân nghệ thuật đã bị biến thành con Lân tiền! Vì lẽ đó mà Lân gây ra biết bao nỗi buồn cho những mùa Trung thu Huế. Trước hết đó là nỗi khổ của các “nghệ sĩ múa Lân”. Múa mấy đêm liền ròng ròng mồ hôi, có khi leo cột cao sơ ý rớt gãy chân gãy tay nhưng tiền công chẳng đáng là bao.

Con Lân bây giờ là con Lân kinh doanh. Ông chủ đầu tư tiền sắm đầu lân, trống... và thuê người múa vào từng nhà để kiếm tiền mừng Lân. Vào được nhiều nhà thì tiền thu được càng nhiều. Ông chủ Lân chẳng phải làm gì cả, chỉ cử người đi theo đội Lân để thu tiền.

Sau khi thu đủ vốn, phần lời chia hai: chủ một nửa, nửa còn lại các diễn viên múa, vệ sĩ, trống... chia nhau, chẳng bỏ công múa! Ngay cả chủ Lân cũng nhiều phen dở khóc dở mếu.

Trung thu năm ngoái các đội lân mới xôi gà nhang chuối cúng thổ thần xong, xuất hành được vài tiếng đồng hồ thì trời đổ mưa to gió lớn. Mưa ba đêm ròng, làm cho hàng trăm đội Lân kinh doanh ỉu xìu ngồi một chỗ, các chủ Lân mất toi mấy triệu tiền vốn đầu tư!

Nhưng khổ hơn có lẽ là các khán giả “thượng đế” của Lân. Đêm Trung thu Lân vào chúc phúc gia đình, ai cũng quý, cũng vui vẻ chi một khoản tiền mừng. Khoản “boa” này nghèo thì năm bảy nghìn, người buôn bán phát đạt có khi chi tới năm ba trăm nghìn hay cả triệu bạc.

Nhưng rồi đâu chỉ có một con Lân. Một đêm có vài chục con Lân vào nhà. Đội nào cũng nhảy múa inh ỏi, lì lợm ở cửa nhà đòi tiếp, nếu không không chịu đi. Thôi thì phát tài phát lộc đâu chưa thấy, nhiều gia chủ giàu nứt đố đổ vách cũng phải ngán Lân, sợ Lân, nổi quạu vì Lân.

Bởi vì thế mà từ chập tối nghe tiếng trống Lân đánh gần là cả phố kéo cửa sắt reo réo, đóng cửa sổ rầm rầm như để tránh hủi! Nhiều nhà tiếp xong đội Lân đầu tiên là đóng cửa, tắt điện để khỏi bị Lân làm phiền!

Có xóm tập thể ở đường Phan Chu Trinh, Trung thu nào cũng tự tổ chức một đội Lân trẻ con. Không phải để đi múa mà là để khi các đội Lân khác vào xóm thì đội Lân nhà nổi trống ra nhảy để chặn không cho vào!

Có bài báo kể rằng, có xóm biển heo hút cách Huế tận mấy chục cây số, xưa vốn sợ Lân, kiêng Lân vì học quan niệm Lân xuất hiện là cá mất mùa (“chó ăn cá”) . Thế mà mấy năm nay Trung thu nào cũng có hàng chục đội múa Lân từ thành phố xuống “càn đi quét lại”, làm cho dân càng “sợ” Lân hơn!

Một đội Lân có bán kính hoạt động có khi cả một phường. Thế là nảy sinh chuyện tranh chấp địa bàn. Đội Lân này xâm phạm “Đất Thánh” của đội Lân khác lập tức bị “hỏi thăm sức khỏe” ngay! Nếu không biết điều rút lui sớm là đầu Lân bị đốt, trống bị đâm, còn người thì bị sưng mặt vì ăn đấm! Năm nào cũng xảy ra hàng chục vụ xô xát lớn nhỏ do các con Lân choảng nhau.

Hồi hai đứa con tôi còn học phổ thông, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ở gần nhà tôi nhưng khác phường. Trung thu năm nào bác cũng nhắn cu Tân nhà tôi dắt “đội Lân của cháu” sang nhà múa để bác thưởng. Nhưng khi thằng nhỏ dẫn bạn đến đầu cầu Phú Cam đã bị đội Lân Phú Cam đuổi, vứt cả dép mà chạy!

Con Lân hiền từ, đẹp đẽ, trong tứ linh “Long-Ly-Quy-Phụng” ấy, qua mấy năm xông pha thị trường ngày càng trở nên dữ dằn, hung tợn. Lân bây giờ biết khạc ra lửa, mắt đỏ ngầu, ông Địa thì múa thương, gào thét... làm cho trẻ con chết khiếp.

Thú thật tôi bây giờ rất sợ những đêm Trung thu Huế vì phải chứng kiến cảnh làm tiền trắng trợn của người lớn, sự bất an trong vui chơi của trẻ con với những chú Lân biến thể!

Mong mỏi

Múa Lân là nét văn hóa truyền thống rất đẹp. Thành phố Huế và ngành văn hóa tỉnh năm nào có những quy định ráo riết để hạn chế chuyện “làm tiền” của các đoàn Lân. Nhưng hình như Lân không nghe.

Con Lân biến thành con Tiền khốn khổ làm cho người dân do bực bội và lo lắng mà mất đi những đêm Trung thu đầy ý nghĩa. Nên chăng mỗi mùa Trung thu thành phố mở rộng hình thức tổ chức liên hoan Lân, thi múa Lân nghệ thuật cho các đối tượng người lớn, sinh viên, học sinh và các em thiếu nhi dưới sự tài trợ của các cơ quan, doanh nghiệp.

Thi múa Lân có giải thưởng ở nhiều điểm ngay trong các đêm 14, rằm sẽ thu hút các đội Lân và người xem như là một thứ lễ hội văn hóa cộng đồng sang trọng.

Mấy năm nay nhà Văn hoá thiếu nhi Huế có tổ chức hình thức này nhưng đang ở trong phạm vi hẹp. Các phường cần nghiêm cấm các hình thức kinh doanh con Lân vì rất có hại cho giáo dục con trẻ. Phải tìm cách ngăn cản, phạt tiền việc đầu tư vốn tổ chức đội Lân theo lối kinh doanh, lộng hành sát phạt nhau làm mất an ninh trật tự.

MỚI - NÓNG