Nước mắt rơi trên tuyết

Minh họa của Đỗ phấn
Minh họa của Đỗ phấn
TP - “Anh hãy nhìn thẳng vào mắt em và nói rằng anh yêu em rồi ngày mai mỗi người đi một nơi”. Mười năm trước đây, khi còn là cô nữ sinh lớp mười hai, Tanhia ngạc nhiên khi nghe bài hát đó.
Minh họa của Đỗ phấn
Minh họa của Đỗ phấn.
 

Sao mà vô lý thế: Anh yêu em, để rồi mỗi người đi một nơi! Mới lớn lên, hồn nhiên và ngây thơ, cô chưa yêu, và cũng chưa biết đó là hạnh phúc hay đau khổ. Nhưng bây giờ thì cô hiểu, ít nhất là từ cuộc đời mình, rằng người ta có thể yêu nhiều mà thực ra vẫn chỉ có một người.

Mưa tuyết đầy trời, những cành anh đào khẳng khiu đã trút hết lá, trơ ra khô khốc. Chim én bay về phương nam từ bao giờ, còn những đôi bồ câu đang đứng nép trong các ô cửa sổ như muốn tham dự vào bữa tiệc giao thừa của gia đình. Tanhia vẫn ở đây, giữa đêm mưa tuyết không một bóng người. Cô mặc phong phanh chiếc áo khoác màu nước biển, chiếc áo đã ấp ủ cô suốt một đời học trò. Cô đi, và nghĩ…

Mùa đông năm ấy, phải chăng số phận của cô đã bắt đầu. Cô gặp anh, để rồi sống không phải với thực tế, mà với những gì cô không thể quên được.

Một buổi sớm mai Tanhia cắp sách đến trường, cô chạy trên tuyết ướt, chốc chốc lại thích thú trượt vội trên những váng băng vô tình bắt gặp. Cặp da đeo trên vai, cô nhảy nhót như chim, cô huýt sáo và hát bài “Hỏi cây anh đào”. Gặp Dasa, bạn thân và cứ thế hai đứa bốc tuyết ném nhau. Dasa né tránh, nắm tuyết từ tay cô trúng ngay ve áo người con trai qua đường.

Cả ba phá lên cười rũ. Tanhia ngặt nghẽo, chẳng may trượt chân lăn trên tuyết. Chàng trai vội chạy lại nâng cô dậy, thận trọng phủi tuyết trên lưng áo cô. Họ nhìn nhau và tiếng cười im bặt. Lần đầu tiên trong đời, cô vô tình trong vòng tay người con trai lạ, một người nước ngoài, hình như là châu Á.

Mùa xuân hoa anh đào lại nở, tán hoa rực rỡ trong nắng ấm. Ghế đá công viên suốt mùa đông tuyết phủ giờ đã loáng thoáng bóng người. Tanhia ngồi đợi xe buýt ở đó. Khuất sau bụi phúc bồn tử, một sinh viên ngoại quốc đang học tiếng Nga: “Tôi đưa cho cô cái bút, cô đưa cho tôi quyển sách. Tôi nhận cuốn sách từ tay cô, cô nhận cái bút từ tay tôi…”. Tanhia cố nín cười, nếu là người Nga chính cống mà cứ lẩm bẩm như thế hàng giờ thì chắc chắn cô đã bỏ chạy.

Sinh viên nước ngoài thường đến đây để có cơ hội tiếp xúc, tập nói và thực hành những mẫu câu hội thoại. Không sợ bị coi là thiếu văn hóa, Tanhia rời ghế, vòng theo con đường nhỏ rải sỏi trước mặt người lạ.

- Chào cô!

- Thì ra lại là anh - Tanhia ngoái lại, và họ đã làm quen như thế.

- Anh từ đâu tới?

- Từ Việt Nam.

Hai tiếng Việt Nam trong những ngày ấy đã trở nên thân thiết đối với toàn thế giới. Tanhia nói cô rất thích học tiếng Việt và yêu cầu anh dạy cho một câu, câu gì cũng được, nhưng anh chưa nghĩ ra.

- Cứ nói đi, thí dụ “Đôbrưiden” (1) chẳng hạn.

- Chào anh. - Anh nói bằng tiếng Việt.

- Chào anh. - Tanhia nhắc lại.

- Khơrasô!

Anh khen và cô cười thích thú.

- Nhưng nếu gặp người đàn bà thì lại khác, phải nói là “chào chị”.

- Sao mà phức tạp thế? Còn buổi sáng thì chào thế nào? Buổi chiều thì chào thế nào?

- Buổi sáng, buổi chiều chào như nhau.

- Hay nhỉ!

Họ ghi địa chỉ cho nhau. Anh hứa sẽ dạy cô tiếng Việt, và cô sẽ dạy anh tiếng Nga.

Mấy tháng trôi qua, anh đã thi xong tiếng Nga, còn cô cũng nói được những câu tiếng Việt thông thường. Họ trở nên thân thiết nhưng ít khi đến chơi nhà nhau. Công viên là nơi hò hẹn, chiếc ghế đá và cả bụi phúc bồn tử đã trở thành của riêng hai người.

Vào những tháng cuối năm “bảy tư”, tin thắng trận Việt Nam dồn dập in trên những trang nhật báo Pravda. Một buổi chiều Tanhia tạt vào hàng hoa mua mấy bông cẩm chướng, cô sẽ đến thăm và chúc mừng anh bằng tiếng Việt.

- Kurva hay Praxchitútka? (2) - Họ hỏi nhau.

Như bị một cái tát, cô… ném bó hoa xuống đất, quay ngoắt, bỏ chạy. Hình như có người đuổi theo, nhưng Tanhia không ngoảnh lại.

- Tanhia, chúng tôi xin lỗi.

Đang bước rất nhanh, cô khựng lại ném vào anh một cái nhìn giận dữ.

- Họ đùa thôi, Tanhia!

- Tôi không tin. Tôi rất không có cảm tình với người Việt Nam. - Cô bước tiếp không thèm nhìn mặt anh.

Anh vẫn rảo bước theo, Tanhia chậm lại cốt để anh đến gần, rồi vẫn không nhìn anh, buồn rầu:

- Em nói là em không thích phong cách Việt Nam nói chung, nhưng… có cảm tình với từng người Việt Nam nói riêng.

Mấy hôm sau anh lại nhà Tanhia để xin lỗi. Mẹ cô ra mở cửa. Bao giờ cũng vậy, cứ có tiếng chuông là bà chạy vội ra trước con. Bà muốn biết con gái mình quan hệ với những ai. Bọn trẻ bây giờ lạ lắm, chúng nói không biết ngượng: “Vợ tao là vợ tao, nhưng vợ mày cũng là vợ tao”.

Bà rất lo cho Tanhia và nhiều khi trả lời rằng cô đi vắng đối với những đứa có vẻ xấc lấc. Thế mà cậu con trai châu Á này, chẳng hiểu có cái gì làm bà tin ngay được, bà mời anh vào. Ngờ đâu người con trai xa lạ ấy về sau đã làm cho con bà đau khổ.

Tanhia đã hết giận. Cô làm lành nhanh hơn anh tưởng. Bố cô đã về hưu, ông là cựu chiến binh. Ngay sau khi được con giới thiệu, ông nói luôn với anh: “Từ đáy lòng, tôi khâm phục những người anh em Việt Nam”. Lời nói có vẻ ngoại giao ấy từ cửa miệng ông lại trở thành riêng tư. Anh có cảm giác như còn nhiều điều nữa trong ý nghĩ mà người cựu chiến binh không nói ra vì sợ anh không hiểu.

Anh kể về tình hình chiến sự miền Nam Việt Nam, ông chăm chú nghe, nhưng có nhiều điều còn biết rõ hơn cả anh. Ông đưa anh tờ Izvexchia (3) và nói ở câu lạc bộ hưu trí người ta cũng bàn tán rất nhiều. Quân ta đang tiến về Sài Gòn. Ông gọi là “quân ta” cứ như là đã từng tham gia chiến đấu ở Việt Nam.

Trên bàn ăn ông đố các “bạn trẻ”:

- Theo các con, khi những người lính tiến quân vào Sài Gòn họ nghĩ gì, họ vui sướng đến mức nào?

Tanhia nhìn anh.

- Họ khóc. - Anh trả lời.

- Đúng, vậy là con đã trải qua đời lính. Con gái tôi thì chưa hiểu được đâu. Ông nói, dao ăn cầm nguyên trên tay, mắt xa xăm. Ngày Berlin giải phóng ông còn rất trẻ. Về việc học hành của anh, ông khuyên:

- Cháu nên nghe bác, bác rất hiểu Việt Nam. Qua đây cháu phải học thật nhiều, làm thật nhiều vào. Bằng cấp rồi sẽ có, nhưng đừng coi cái đó là lớn nhất, là mục đích cuối cùng.

Những điều đó càng thiêng liêng khi anh được tin ông qua đời ở một quân y viện, sau một cơn cao huyết áp. Anh đến nhà chia buồn cùng gia đình. Trong lúc đợi mở cửa, anh ngắm ảnh ông và đọc những lời cáo phó dán ngay cửa ra vào: “Anh đã nói với em và con rất nhiều, song có điều em và con sẽ sống như thế nào khi thiếu anh thì anh chưa nói tới!”.

Tanhia ra mở cửa, thấy mắt anh rơm rớm, cô òa khóc, tay lau nước mắt không kịp.

Nhưng người ta cũng không thể buồn mãi, và những ngày vui đã đến. Giao thừa năm ấy, đã có lúc Tanhia quàng tay ôm lấy gáy và ngả người vào ngực anh. Tuyết vẫn rơi ngoài trời, mắt anh phảng phất nỗi nhớ nhà. Tiễn anh ra bến xe, cô ôm anh, đu nhẹ cho người trượt trên tuyết và cả hai cảm thấy gắn bó.

Tanhia quàng chiếc khăn đỏ ngang miệng, hai đầu khăn dắt trong cổ áo bành tô dựng đứng. Cô không nhiều chi tiết, đường nét rõ ràng, khuôn mặt bầu bĩnh, đôn hậu giống mẹ, hơi có vẻ rụt rè Á Đông.

- Tanhia, anh sẽ vẽ em.

- Vẽ em? - Cô hỏi lại, nhìn anh bằng cặp mắt màu hạt dẻ.

Bước vào năm thứ hai Cao đẳng hội họa, anh ôm ấp tác phẩm tương lai: “Chia ly trong chiến tranh” - Người lính từ biệt người yêu trước khi ra trận, họ nhìn nhau không nói.

Cô đến phòng vẽ dành riêng cho anh. Hai người thanh niên Nga từ trên bậc tam cấp bước xuống, mỉm cười hất hàm lên tầng trên khi cô hỏi thăm. Cô thích thú đi vòng quanh khắp phòng vẽ, chẳng khác căn phòng của người thợ quét sơn.

Khung gỗ to nhỏ lổng chổng ở một góc, bột màu đựng trong giấy bao xi măng, bút lông đủ loại nằm la liệt trên bàn bê bết màu. Trên tường, cạnh cửa sổ là pho tượng Rêpin (4) bán thân. Giữa nhà kê giá vẽ với bức tranh vẽ dở.

- Người lính Việt Nam đây phải không?

Anh gật đầu.

- Tiếng Việt gọi là gì?

- Bộ đội.

- “Bộ đội, bộ đội” - Cô thích thú nhắc lại hai lần. - Giống quá!

- Em đã thấy đâu mà giống?

- Rồi chứ, trên ti vi.

Anh thở dài:

- Tôi thấy mình bất lực Tanhia ạ. Mới chỉ đúng về hình họa thôi, chưa thể hiện được cái thần.

- “Cái thần” là gì?

- Là tính cách, là bản sắc, như em vẫn thường nói “bản sắc Nga” vậy.

Anh bố trí cô nhìn vào pho tượng Rêpin và nhắc đi nhắc lại:

- Tôi đang vẽ mắt nhá…Đừng chớp, đừng có chớp… Đấy lại nhìn tôi rồi! Nhìn Rêpin, như là nhìn người yêu trước khi ra trận. Vị trí Rêpin sẽ là khuôn mặt anh bộ đội.

Hai người lùi ra xa ngắm nghía, họ khẽ đụng vào nhau:

- Thế nào, đã đúng em chưa, hay cần chú thích “đây là Tanhia”?.

- Cám ơn anh. – Cô hài lòng.

- Sao lại cám ơn tôi? Họa sĩ phải cám ơn người mẫu mới đúng.

- Thế anh cũng phải trả tiền cho người mẫu chứ?

- Bao nhiêu? Bằng cả cuộc đời họa sĩ… được không?

Lớn lên trong chiến tranh, anh đã nhìn thấy hàng vạn người lính, đã từng là lính, nhưng anh vẽ người lính chưa thành công. Chiến tranh Việt Nam sắp kết thúc, lịch sử không lặp lại, anh muốn chứng kiến giờ phút người lính giải phóng ôm nhau khóc trước Dinh Độc Lập. Bức tranh về cuộc chia ly đành gác lại.

Nghỉ đông anh thu xếp về Việt Nam.

- Con đã định ngày về chưa? - Mẹ Tanhia hỏi.

- Dạ, thứ năm tuần sau, nghĩa là còn đúng một tuần.

- Con định mua gì về làm quà? Có tiền nên mua ngay đi, kẻo đến lúc cầm tiền lại không biết nên mua cái gì.

- Cám ơn bác.

- Bác cũng như mẹ con ở nhà, bác khuyên thật, con có giận bác không?

Sau đó bà đưa tiền cho con gái và giục hai người dắt nhau đi phố. Tanhia biết anh cần gì, cô đưa anh đến cửa hàng vải và hỏi người bán hàng:

- Chị còn vải đen không?

- Có bao nhiêu Việt Nam nó vét sạch rồi. - Người bán hàng bực dọc.

Anh nắm cánh tay cô ẩy đi, nhưng cô không chịu, nhìn chòng chọc người bán hàng:

- Này, chị đừng có nói thế, tôi là con dâu Việt Nam đây. Chị có biết vì sao họ mua nhiều vải đen không? Vì theo phong tục, tất cả phụ nữ Việt Nam đều mặc quần đen.

Những lời ấy từ cửa miệng người con gái Nga khiến anh xúc động. Anh hỏi cô khi thấy những người Việt Nam ở ký túc xá ăn mặc nhếch nhác cô có tủi không. Tanhia chạnh lòng:

- Hôm qua trên xe buýt, em gặp một tốp các anh, các chị Việt Nam, chắc là mới sang, mặc bành tô cũ giống nhau, trông ngơ ngác thương lắm. Hình như họ không biết xuống bến nào.

- Sao em không hỏi?

- Có chứ. Em nói bằng tiếng Việt hẳn hoi.

Chắc là ngữ điệu của Tanhia không đúng, vả lại họ không ngờ gặp được một cô gái Nga biết tiếng Việt. Nghĩ vậy, nhưng anh không nói để cô khỏi buồn.

Còn ba ngày nữa là anh lên tàu, còn hai ngày… rồi chỉ còn mấy giờ đồng hồ, và cuối cùng phút chia tay đã đến.

Sân ga chen chúc người đưa tiễn. Tốp thì ôm hoa chụp ảnh miệng toe toét, người thì khoa chân múa tay như đang tranh luận. Những người công nhân bốc vác cúi gầm, nhao đầu bước những bước nặng chịch. Đám đông đứng đằng xa hình như sốt ruột chờ cho tàu chuyển bánh vẫy tay rồi về.

Tanhia lên toa xem chỗ ngồi của anh ra sao. Cô sắp xếp hành lý, đẩy giúp anh chiếc valy trên giá, tìm chỗ đặt túi táo. Giờ này mẹ cô vẫn chưa đến. Tanhia lo lắng kéo tấm kính cửa sổ nhìn về phía cổng ra vào, nơi có những đôi trai gái đang ôm nhau. Mẹ rẽ đám đông hớt hải, tay xách cái túi lẳng nhẵng. Mẹ đến, nói cười hổn hển:

- Qua Xibêri mùa này không có rau đâu, mẹ mua thêm cho các con ít dưa chuột.

Anh đón túi dưa từ tay bà. Những quả dưa xanh mọng nước.

- Để các con cùng ăn. – Bà nói và cười với mấy anh em Việt Nam cùng đi.

Hai người ra đầu toa để nói với nhau những lời tạm biệt. Mắt Tanhia dán xuống mũi giày của mình đang di di trên thảm.

- Lúc này em mới nói với anh…

Nửa chừng Tanhia đỏ mặt, nào anh đã biết cô sắp nói gì.

- Thôi, em chỉ có nói thế thôi!

Tanhia ngước nhìn anh mắt ngấn lệ. Cô áp má vào ngực anh, hai tay vịn vai. Nơi đây là hòa bình, ở đó là chiến tranh, cô tránh nhắc đến cái chết. Hay là giữ anh ở lại?

Chị nhân viên đường sắt mặc đồng phục màu đen có đeo phù hiệu nhìn họ ái ngại. Chị sắp phải thi hành nhiệm vụ là nói ra cái điều có thể bị coi là tàn nhẫn trong lúc này. Chị nhắc đôi trai gái ở phút chót, sau khi đã thông báo cho những người trong toa mau mau kết thúc cuộc đưa tiễn bịn rịn.

Chuông nhà ga kinh koong điểm giờ khởi hành. Mọi người liếc nhìn kim đồng hồ công cộng nhảy tách đến con số mà họ đoán trước. Tiếng còi tàu thúc nước mắt Tanhia tuôn trào, toàn thân cô rung lên nức nở.

- Xuống nào, khổ quá! Xuống đi! – Chị nhân viên đường sắt van nài.

Cô vẫn chỉ biết khóc, còn anh thì bùi ngùi.

- Tàu chạy rồi kìa! – Chị nhân viên đường sắt buộc phải kéo cô ra.

Tanhia cố bám lấy song sắt vịn tay ở bậc lên xuống, cố đu người lên, nhưng chị nhân viên đường sắt đã kịp thời sập cánh cửa lại. Cô tiếp tục chạy trên sân ga. Bập, bì…ìng, bập bì…ìng. Toa nọ tiếp theo toa kia như bay bên mang tai, cô phải cố giữ để khỏi bị hút vào đoàn tàu. Mẹ Tanhia chạy theo hét con dừng lại, bà sợ.

Thấy cảnh ấy, nhiều người không cầm được nước mắt, may có một người đứng chờm ra ngoài làm cô phải khựng lại. Cô giơ tay vẫy. Trên tàu, anh nhoài người ra ngoài khung cửa sổ, tay huơ bó hoa trắng cô vừa tặng mấy phút trước đó. Bóng anh khuất hẳn trong rừng hoa và cánh tay khi con tàu uốn mình lượn vòng.

Không một lời cầu bình an. Không một lời chúc may mắn, quên cả câu “mọi sự tốt lành”.

Đợi cho cô ngưng khóc, bà Tanhia ôm lấy con gái tội nghiệp:

- Thôi, về đi con!

*

Mẹ Tanhia sực nhớ đến con gái trong khi đang rắc những tua rua lấp lánh bằng giấy bạc và treo những quả cầu thủy tinh đỏ chót lên cây thông ngày tết. Mấy hôm trước, nửa đêm Tanhia choàng dậy, bỏ ra ngoài phòng khách bật đèn. Bà hốt hoảng không rõ chuyện gì. Mười ngón tay run rẩy của con gái bà dờ lên mặt người lính mà nó vẽ tiếp vào bức tranh mà cậu sinh viên Việt Nam để lại. Nó hôn lên mắt người lính, áp má thì thầm.

Bà gọi con thật to, nhưng không có tiếng trả lời. Bà lần theo con đường tuyết cô vừa lội, tìm đến chiếc ghế đá bên cây phúc bồn tử.

Tanhia đang ngồi như một pho tượng ở đó. Tuyết lặng lẽ rơi như trong mơ, phủ lên vai cô mỗi lúc một dày. Bà đến từ phía sau, đặt vòng tay lên bờ vai con. Tanhia vẫn thản nhiên, đây không phải lần đầu đối với mẹ con cô. Mẹ áp má lên mái tóc trắng tuyết của cô con gái và bất giác nhận ra chiếc áo cổ cánh sen thời học trò.

- Mẹ còn nhớ những vần thơ của Ximônốp chứ? – Tanhia không ngoảnh lại.

“Con gái tôi yêu rồi!”. Bà nghĩ và mong nó đừng phát điên lên vì nỗi bất hạnh.

Bà đã gặp cậu con trai Việt Nam ấy ở đây. Cậu mang đôi giày cũ, to thô và có lông quen thuộc của những năm “bốn mươi”, khi mà chồng bà lên đường tiến về phía tây, nơi có dòng sông Enbơ. Những đôi giày đó Tanhia bây giờ vẫn gọi là giày Coócxaghin (5). Cậu kéo ống quần để che một chỗ tất thủng. Lúc đó bà đã hỏi cậu nhận được thư nhà chưa, còn mẹ không, còn bố không… Rồi đưa cho cậu chiếc tất trên tay vừa đan xong.

- Các cháu nghèo lắm, bác biết. Cháu chắc không thể tưởng tượng được ba mươi năm về trước bác cũng đã từng đi đất, có người nghèo chỉ có một váy thôi, tối về giặt, hong khô, sáng mai lại mặc vào.

Bà muốn nói với Tanhia, chừng nào trên trái đất chưa hết chiến tranh vẫn còn những cô gái chờ người lính trở về, thì những vần thơ của Ximônốp vẫn mới. Nhưng bà tin con bà hiểu được.

Nước mắt người mẹ nhỏ xuống trán con, chảy dòng dòng xuống hai hố mắt sâu. Nước mắt mẹ con hòa vào nhau, tràn lên gò má lạnh ngắt của Tanhia, làm tan những bông tuyết nhẹ xốp vương trên mặt cô.

Tanhia không cảm thấy cô đơn bất hạnh, cô tiếc chưa có được đứa con với người thanh niên Việt Nam kia, để rồi một buổi sớm mai trên xe buýt, cô sẽ giới thiệu với những người trong nước mới sang: “Đây, dòng máu của các anh!”.

Nước mắt Tanhia rơi trên tuyết, những giọt nước mắt đau khổ và hạnh phúc. Những giọt nước mắt như thế, tự bao đời, đã nhuộm xanh kỷ niệm và làm sống lại người đã hy sinh.

_____

(1) Đôbrưiden: Lời chào khi gặp nhau ban ngày.

(2) Kurva: Gái đĩ vì dục vọng; Praxchitutka: Gái đĩ làm tiền.

(3) Izvexchia: Tờ báo Tin tức

(4) Rêpin: Họa sĩ Nga nổi tiếng thế kỷ XIX.

(5) Gọi theo tên nhân vật Paven Cooxaghin của “Thép đã tôi thế đấy”.

Truyện ngắn của Chu Bá Nam

“Không ai bị lãng quên, không gì bị lãng quên” - Đó là câu thơ của Ôn-ga Béc-gôn, nữ sĩ Nga nổi tiếng tầm vóc thế giới. Câu thơ ấy một lần nữa chứng minh sức sống của nó trong truyện ngắn đẹp, buồn, nhưng đầy niềm tin về những điều tốt đẹp, dù đã qua nhưng không bao giờ mất đi. Những điều tốt đẹp luôn tái sinh, dù thế giới có đổi thay như thế nào.

Nước mắt rơi trên tuyết ảnh 2
 

Một truyện ngắn mộc mạc và hồn hậu, nhưng không kém phần tinh tế. Có lẽ vì tác giả của nó đã từng nghiên cứu về chiết xuất hương liệu thiên nhiên tại thung lũng Hoa hồng ở Bulgary vào cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.