Ở đâu con gái xưng anh ???

Ở đâu con gái xưng anh ???
Người Việt rất trọng vai vế và rành rẽ về phái tính. Có cả một hệ thống đại từ nhân xưng rất chi li. Đã yêu nhau mà không gọi người nam, dù có ít tuổi hơn, là anh là không ổn.
Ở đâu con gái xưng anh ??? ảnh 1
 ảnh: Nguyễn Việt Thanh

Chứ đừng nói đến chuyện một cô gái mà lại thốt ra  chẳng hạn anh yêu em!!! Nhưng đó là điều đã và đang xảy ra trên sân khấu ca nhạc.

Mới đây, Tùng Dương hát một loạt các ca khúc Ngọc Đại với những lời: Em khát có anh ôm ngực em xiết hay Không anh đêm em tù tội/ Không anh giữa bầy quỷ khát… nguyên là thơ của Vi Thùy Linh. Có vẻ như nhạc sĩ đã “nhập vai” thì ca sĩ cũng nhập được.

Nhạc sĩ có thể đặt mình vào tâm trạng của nữ giới để viết, như Dương Thụ, Lê Minh Sơn hay Đỗ Bảo… đã làm, nhưng anh ta vẫn nghĩ mình sẽ viết cho một nữ ca sĩ hát. Ca sĩ là người phải xuất hiện trên sân khấu, với một phái tính xác định. Và nhiều khán giả vẫn nghĩ chủ thể trong bài ít ra cũng phải cùng giới với người hát. Vì điều này trước hết thể hiện độ chân thật, đáng tin trong thể hiện tác phẩm.

Hơn 60 năm trước, có Kim Tiêu- một giọng nam nổi tiếng với bài Thiên Thai- trong đó chỉ có hai câu thoại ngắn là: chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm và ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần- cứ coi như ca sĩ nói hộ các tiên nữ đi.

Nhưng ông cũng hát Buồn tàn thu- diễn tả sâu sắc tâm trạng của một khuê nữ: Ai lướt đi ngoài sương gió, không dừng chân đến em bẽ bàng… Đồ rằng, giọng Kim Tiêu có hay đến đâu chăng nữa cũng không thể bằng ánh Tuyết riêng về độ nữ tính trong thể hiện bài này.

Cách đây vài năm, có một bài hit tại các quán karaoke là Trái tim ngục tù do ca sĩ hải ngoại Tuấn Anh hát. Điều tưởng như gây sốc là trên sân khấu, anh để ria và mặc váy màu xanh kim tuyến.

Nhưng nam thanh nữ tú đi karaoke vẫn thản nhiên Anh yêu em, yêu em đến ngàn thu hát theo mà chẳng băn khoăn gì. Chú ý: ăn mặc giống nữ nhưng vẫn xưng anh! Chứ chững chạc và giọng hoàn toàn nam như Tùng Dương, mà lại thủ thỉ Em đã thả đi bao nỗi buồn buộc bằng tóc rụng, rồi Anh ơi hãy ghì chặt em/ Hôn đi môi anh ủ lửa… người xem không khỏi có chút gợn.

Trong khi đó, việc nữ ca sĩ xưng anh trong ca khúc khá phổ biến và mặc nhiên được chấp nhận- không kể phản ứng yếu ớt từ phía các “nam nhạc sĩ”. Điển hình là Khánh Ly- hát y nguyên toàn bộ lời của Trịnh Công Sơn, mà Trịnh thì tuyệt nhiên chẳng xưng em bao giờ.

Về phía các nhạc sĩ, như Phan Huỳnh Điểu kể lại, ông đã bị chính Xuân Quỳnh cự nự khi nhạc sĩ tự ý lật ngược Thuyền và biển thành Nếu phải cách xa em- anh chỉ còn bão tố.

Quang Dũng mới đây có hát Giận chi giận chi anh lời nói anh gió thoảng (Vẫn hát lời tình yêu) cũng chẳng sao. Nhưng khi nội dung bài hát dựa trên sự đối lập về giới như Em và tôi (Thanh Tùng), thì đến… Thanh Lam cũng chẳng thể đổi thành Anh và tôi. Nếu không muốn lâm vào tình trạng dở dương như với Này em có nhớ (Trịnh Công Sơn).

Trong chương trình Ru mãi ngàn năm, từ Này em xin cứ phụ tôi, chị hát thành Này anh xin cứ phụ tôi (“Có giỏi thì cứ phụ đi!”) Việc cứ tùy ý đổi ngôi này dường như đã đem lại cho ca từ một ý nghĩa khác. Tóm lại, có những bài hát trung tính (kiểu thân phận con người như Trịnh Công Sơn) nhưng dường như cũng có những bài dành riêng cho nữ, hoặc riêng cho nam. Và một thực tế ở ta, nữ ca sĩ thì có thể hát tất cả các bài, khỏi để ý đến đại từ nhân xưng.

MỚI - NÓNG