Ở Hà Nội, lạ nhất là đám cưới!

Ở Hà Nội, lạ nhất là đám cưới!
Đó là ý kiến của anh Geoff Morris, Trưởng đại diện Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR), sau hai năm rưỡi làm việc tại thành phố này.
Ở Hà Nội, lạ nhất là đám cưới! ảnh 1
Những đám cưới xa hoa ở Việt Nam khiến người phương tây ngỡ ngàng

Geoff Morris (SN 1972) đang dự định xin gia hạn hợp đồng thêm ít nhất là một năm nữa.

Geoff nói, anh chỉ có khoảng 50% thời gian ở lại Hà Nội, làm việc tại văn phòng và sống cùng bạn bè, còn lại là các chuyến đi đến những vùng nông thôn, miền núi khắp Việt Nam.

Anh dự định xin gia hạn hợp đồng để thêm thời gian gắn bó với công việc ở đây. Cuộc sống của anh ở Hà Nội hẳn thoải mái chứ?

- Thoải mái? Vâng, cũng thoải mái, xét theo một khía cạnh nào đó. Có món ngon để ăn là bún chả, có rạp chiếu phim Cinematheque để xem những bộ phim kinh điển của điện ảnh thế giới, có CLB bơi thuyền Hồ Tây với các bạn Việt Nam...

Anh hay ăn bún chả ở đâu? Và nhận xét của anh về món ăn này, để lí giải vì sao nó là món khoái khẩu?

Bún chả không nhiều chất béo, vị đậm đà mà lại pha trộn nhiều thực phẩm khác nhau, đem đến một hương vị độc đáo, có nhiều rau quả ăn kèm, dễ hợp khẩu vị nhiều người. Có lần, tôi cũng dẫn bạn nước ngoài đi ăn ở nhà hàng quen tên trên phố Hàng Mành, song nói chung, tôi hay ăn ở quán vỉa hè cạnh nhà, chỉ chừng 15 ngàn đồng thôi, vừa rẻ, vừa ngon...

Anh không ngại kiểu ăn đó không được đủ tiêu chuẩn vệ sinh?

- (Cười). Tôi đi khắp các vùng nông thôn, miền núi Việt Nam, tôi sống cùng người thiểu số ở Sơn La cả năm trời, mỗi tháng chỉ về Hà Nội vài ngày... nên tôi không ngại gì cuộc sống “bình dân” đâu.

Nếu mà nói đến “bình dân” thì khi rảnh rỗi, anh có những sở thích bình dân nào khác ở thành phố này, bên cạnh mấy điều thoải mái anh vừa nhắc đến?

- Khó nhỉ, tôi thích đi bộ nhưng thành phố này không có không gian công cộng nhiều, đường phố và vỉa hè hầu như lúc nào cũng kẹt cứng ô tô, xe máy đủ kiểu, không thể đi bộ được. Có lẽ, sở thích như bạn nói chỉ còn là cùng bạn bè người Việt thỉnh thoảng “đàn đúm” ăn tối với nhau ở nhà nhau hoặc ngoài đường thôi (cười).

Khoản này thì anh rất giống người Việt Nam rồi. Nghe nói anh có nhiều bạn Việt Nam và cũng hay lọ mọ đây đó quanh thành phố này lắm?

Ở Hà Nội, lạ nhất là đám cưới! ảnh 2
Anh Geoff Morris

Tôi có một số người bạn thân ở Hà Nội, họ giúp tôi hiểu hơn về văn hóa của các bạn.

Trong đó, anh thấy có điểm gì lạ nhất?

- Rất nhiều điểm lạ, với tôi (cười). Nhưng, phải nói đến là đám cưới ở đây. Tôi thấy lạ lùng với cảnh những đám cưới được tổ chức thật lớn, ở khách sạn hạng sang, đón dâu bằng những đoàn xe ô tô xa xỉ. Có lẽ, họ muốn khoe về sự giàu có của mình chăng? Cảnh tượng này chẳng ra thế nào cả...

Bên cạnh đó, tôi cũng đã hiểu được vì sao người ta lại mừng hạnh phúc của đôi vợ chồng bằng một phong bì... Hình như có những nghi lễ, thủ tục bắt buộc do đám cưới là một sự kiện của cả gia đình, họ mạc hơn là của cô dâu, chú rể.

Tôi thấy đám cưới nói chung ở nước tôi gọn nhẹ và chứa đựng nhiều ý nghĩa tinh thần với đôi vợ chồng hơn, có lẽ vì mọi việc tổ chức đều xuất phát từ sự tôn trọng ý muốn của cô dâu chú rể...

Hỏi thật nhé, anh đã bao giờ đi dự tiệc cưới bạn ở Hà Nội với một phong bì chưa?

- Không. Tôi có bạn mời cưới, và tôi tặng họ món quà có thể sử dụng được trong cuộc sống hàng ngày, như một món đồ nội thất nào đó chẳng hạn. Tôi đến dự với gói quà thật lớn trên tay...

Sự xa hoa của những đám cưới ở Hà Nội mà anh vừa nhắc đến có khi nào gợi trong anh những so sánh nhất định với cuộc sống của người dân vùng nông thôn, miền núi Việt Nam mà anh thường xuyên gắn bó không?

- Hàng ngày. Phải nói thật là cuộc sống của tôi ở Hà Nội thường diễn ra trong những nghịch lý khó tránh khỏi như vậy đấy. Các dự án của ACIAR nhằm giúp nông nghiệp và nông thôn Việt Nam phát triển và phát triển một cách bền vững. Hai năm rưỡi vừa qua, tôi đi lại giữa hai thái cực sống: Hà Nội và các vùng xa xôi, nghèo khó. Nghịch lý này khiến tôi suy nhiều về hiệu quả công việc mà bản thân và văn phòng đang theo đuổi, và vì vậy, tôi muốn ở lại đây thêm một thời gian, để hi vọng vào hiệu quả công việc sẽ tốt hơn cho người nông dân...

Đó là lí do quan trọng nhất còn những sự thoải mái mà anh được tận hưởng trong cuộc sống Hà Nội như anh nói lúc đầu chỉ là những lí do “râu ria”?

- (Cười) Nếu mà nói đến sự thoải mái thì những người nước ngoài như chúng tôi ở đây còn nhiều nữa, tỉ dụ như, không biết có phải là một nét văn hóa của các bạn hay không, nhưng các bạn thường dành cho người nước ngoài chúng tôi một sự tôn trọng, dễ dàng, nhiều khi khác hẳn cách ứng xử giữa các bạn với nhau. Tuy nhiên, với tôi, công việc, hiệu quả và giá trị xã hội của công việc mà tôi đang làm ở đây đúng là lí do quan trọng hơn...

Anh có phải là người sinh ra và lớn lên ở nông thôn Australia không nhỉ?

- Không, tôi là người thành phố (cười), tôi ở Melbourne. Nhưng tôi yêu rừng và thiên nhiên nên theo học nghiên cứu về lĩnh vực này trước khi mở rộng sang phạm vi nông nghiệp, nông thôn và phát triển bền vững. Tôi ghét ăn thịt thú rừng và thịt chó lắm...

Anh đang nói đến một nghịch lý sống khác ở đây nữa rồi đấy, đó là những món ăn mà không ít người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng thích. Không ít người giàu có dành cả ngày cuối tuần lên Lương Sơn, Hòa Bình hưởng thịt thú rừng cho thật “hoành tráng”...

- Quả có vậy. Tôi cũng phải nói là môi trường, thiên nhiên, rừng, ở Việt Nam nói chung không được bảo vệ hiệu quả. Như Hồ Tây của Hà Nội đó, một thắng cảnh thiên nhiên đến vậy mà lúc nào cũng ngập rác bẩn, tôi đi bơi thuyền ở đó và thấy rõ nghịch lý này lắm. Tôi không vui chút nào.

Bắt đầu từ câu chuyện về đám cưới ở Hà Nội, chúng ta có vẻ như đang sa đà câu chuyện vào những khía cạnh không vui của đời sống ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng rồi. Hiểu theo một cách nào đó thì vì anh thực sự lưu tâm đến cuộc sống và con người ở đây nên anh mới có thái độ và cách quan sát như vậy?

- Tôi nghĩ là nếu mỗi cá nhân có sự lưu tâm nhiều hơn đến xã hội thì hẳn đều có quan sát như tôi thôi... Tôi thấy theo thời gian, người Việt Nam có vẻ quan tâm đến cá nhân và những lợi ích cá nhân của mình nhiều hơn của xã hội, nhìn vào cảnh tượng giao thông ở Hà Nội, chúng ta sẽ thấy ngay điều đó.

Theo Phong Vân
Thể thao Văn hóa

MỚI - NÓNG