Ông Hiểu

Ông Hiểu
TP - Ông là bố anh bạn tôi. Khi anh Tuân, con giai ông ở Hà Nội lên thăm bố mẹ vào 29 Tết, anh rủ tôi đi cùng.

> Trang đời nhọc nhằn của ôsin viết sách
> Chiếc bánh rán trong đám cưới

Đó là vào cuối những năm tám mươi, phương tiện di chuyển của tôi là cái phượng hoàng màu xanh lá già. Nên được ngồi sau xe máy bạn chở chỉ véo cái đã đi trọn con đường gần trăm ki lô mét, đi xe đạp mất nửa ngày mới thấy giá trị của tốc độ. Có lẽ còn sướng hơn ngồi xe con hiện đại bây giờ.

Lúc ấy miền Bắc đang đói kinh khủng. Nhặt nhạnh được ít tiền làm gia công, tôi theo bạn lên Thái, hy vọng sắm Tết trên đó rẻ hơn được tí nào chăng.

Tôi mua cặp bánh nướng là quà, nghe nói mẹ anh đang bệnh nặng. Bà bị xơ gan cổ chướng.

Ông ra đón ở cổng. Trịnh trọng ông chìa tay ra bắt. Tôi nhớ ở nhà mà ông vẫn đóng hộp: Áo len ngoài sơ mi, cà vạt nghiêm chỉnh như đang ở công sở. Ông là thợ mộc cao cấp. Hình như quản đốc một xưởng mộc mẫu. Nhưng khi này ông đã nghỉ hưu.

Ông nói năng nhỏ nhẹ. Thật đúng là người cha đáng kính. Tôi nhớ ông nhẹ nhàng nhắc con giai: “Anh xem anh Đức đấy, đường xa lên thăm bà mà còn biết mua quà, anh là con giai mà tay không”.

Bạn tôi không nói gì. Không biết có thu hoạch gì về câu nói. Còn tôi, tôi thật sự cảm ơn ông, gói qùa có gì đâu, chỉ hai cái bánh nướng, nhưng tôi hiểu ý nghĩa của nó lớn hơn nhiều lần.

Ít lâu sau bà mất, ông về Hà Nội ở với con giai.

Tết đến thấy ông tẩn mẩn gói bánh chưng. Khi người ta ca ngợi gói khuôn thì ông Hiểu vẫn gói tay. Gói tay, nhưng thành bánh vẫn cao, bánh vuông chằn chặn. Bánh chắc vì gói gạo xóc. Cái nào cũng đủ tám góc.

Tôi nhìn ông Hiểu gói và rất nhanh nhận ra bí quyết chọn lá. Tôi sà xuống gói thử. Chỉ ba lá và chiếc lá thứ tư to nữa bọc ngoài. Chiếc bánh chưng ngày Tết luộc xong, rửa sạch để khô ráo nước, đem xâu lạt treo sào để cả tuần bánh vẫn rền, không thiu, không bị chua góc.

Tết năm sau ông Hiểu bảo: “Anh Đức năm nay ra gói bánh chung với nhà tôi nhá, gói rồi luộc luôn”. Anh Tuân nháy mắt: Ông yêu cậu đấy.

Tôi hiểu cái khéo tay của tôi đã chinh phục được ông già. Xưa nay chỗ ông gói bánh, trẻ con đến xem thì được chứ sờ mó vào là ông đuổi.

Năm ấy bánh hai ông cháu lẫn lộn. Chỉ có thể phát hiện ra bánh của ai nhờ cái lạt. Tôi thuận tay trái, nút lạt khác hẳn. Tôi hào hứng nói với ông: “Cả Hà Nội này chỉ có bác với cháu biết gói bánh chưng”. Ông cười hiền lành và duyệt ý kiến của tôi bằng cái gật đầu, không nói gì thêm.

Ông quý tôi như con giai, không hẳn vì ông hiếm con, mà chính là ấn tượng về cặp bánh biếu bà lúc bà đang trọng bệnh của một thằng giai bạn con mình lần đầu đem đến nhà. Rõ ông là người trọng lễ nghĩa, có lối xét nét của một thợ làm mộc mẫu chính hiệu. Tôi nhớ lần nào đến nhà cũng thấy ông áo quần tươm tất ly lau. Ai đến nhà ông cũng chìa tay bắt, chào ra về ông cũng bắt tay tiễn.

Năm bà mất, ngày giỗ, ông đứng bên bàn thờ rất lâu, vẻ mặt đầy nỗi nhớ xa xăm. Ông lầm bầm khấn vái nhìn lâu lắm lên bàn thờ như cố nhớ lại hình bóng người bạn đời đã đi xa với nỗi buồn riêng tư không dứt được.

Sau này tôi mới biết khá nhiều lần ông nhắc anh con giai rằng hãy nhìn anh Đức sống đấy mà làm gương. Ông có biết đâu thằng bạn con ông cũng đầy lỗi lầm, chứ gương lược gì!

Hôm nay thì cả ông và anh Tuân con giai ông đã theo bà đi về Tây Trúc. Những con người như ông thấy ngày một ít đi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG