Ông khổng lồ Pháp nặng lòng với quê mẹ Nga

Ông khổng lồ Pháp nặng lòng với quê mẹ Nga
TP - Nhà văn Pháp Henri Troyat vừa qua đời ngày 4 tháng Ba. Ông vốn là người Nga, tên thật Lev Tarassov. Ông sinh ngày 1 tháng Giêng  1911, ở phố Gấu, thủ đô Maxcơva.
Ông khổng lồ Pháp nặng lòng với quê mẹ Nga ảnh 1
Nhà văn Henri Troyat

Trong Cách mạng Tháng Mười, gia đình ông rời bỏ nước Nga, xuyên qua Cap-ca-dơ, rồi Crimée, rồi Thổ Nhĩ Kỳ. Họ lang thang tiếp đến Italia, Rome...

Cuối cùng dừng lại ở Neuilly, CH Pháp, sau ba năm lăn lóc bên các toa tầu hoả chở gà vịt và các hầm tầu thủy nặng mùi. Lev Tarassov bắt đầu học tiếng Pháp với một nữ quản gia người Thụy Sỹ.

Tiếp theo, ông vào trường phổ thông trung học Paster. Ông vẫn đọc sách bằng tiếng Nga. Vừa siêng năng học tập, ông vừa kiên nhẫn tìm hiểu con người và đất nước Pháp, nhất là văn hoá của quê hương thứ hai.

Năm 1933, ông tốt nghiệp Đại học Luật và được nhận vào làm tại một cơ quan hành chính Paris.

Từ 12 tuổi, virus sáng tạo văn chương đã nhiễm nặng con người ông. Ông rủ tay bạn thân Nikita cùng viết một tiểu thuyết. Có điều viết xong, đốt liền. Năm 1935, ông công bố hai tác phẩm tự sự của riêng mình.

Từ đó, hàng năm ông cho xuất bản ít nhất một cuốn sách. Có năm hai cuốn ( 27 năm). Có năm ba cuốn (4 năm). Trong 71 năm cầm bút, ông đã in 105 tập.

Vinh quang đến với ông thật sớm. Ông hoàn thành tiểu thuyết đầu tay “Chiếu sáng tồi” (1935) khi đang làm nghĩa vụ quân sự.

Vừa ra mắt, nó đã được tặng Giải văn chương vì đại chúng. Và chàng trai Henri Troyat vừa hết hạn nghĩa vụ vẫn mặc nguyên đồng phục pháo binh đến nhận thưởng.

Ba năm sau, ông được trao giải Goncourt cho tiểu thuyết L’Araigne với kỷ lục tiêu thụ đáng kinh ngạc bấy giờ: hơn 100.000 bản. Ông là người đoạt giải Goncourt sống thọ nhất.

Ông cũng là viện sỹ hàn lâm Pháp tại vị lâu nhất cho đến giờ. (Ông được bầu vào Viện năm ông 48 tuổi). Nhiều giải thưởng văn chương  và giải thưởng nhà nước Pháp nâng cao uy tín con người và nhà văn của ông.

Một cuộc thăm dò dư luận nghiêm túc và sâu rộng năm 1994 đưa ra kết quả rằng nhà văn gốc Nga Henri Troyat được dân Pháp yêu thích số một.

Suốt đời, ông đứng viết ở một chiếc bàn kiểu bàn học sinh. Năm 2006, ông xuất bản tiểu thuyết cuối cùng. Vài tháng trước khi từ giã cõi đời, ông còn kịp tặng cho hàng triệu độc giả thân yêu bộ tiểu sử Pasternak.

Như một dân thường, ông chuyên tâm vào hiệu quả công việc và dửng dưng với những thứ phù du như danh tiếng, tiền tài. Ông thích được chê và dị ứng với lời khen.

Mỗi khi một tác phẩm chào đời, ông lại lo sợ như mới tập viết. Trong lúc khá nhiều cây bút e ngại chủ nghĩa hiện thực thế kỷ 19 là cũ kỹ, sáo mòn, Henri Troyat lại quyết tâm kế tục nó. Và ông đã không nhầm. Ông lấy cảm hứng từ các bậc thầy thế kỷ 19 của Pháp và Nga, đặc biệt là Flaubert.

Ông được suy tôn là cây viết tiểu sử lớn nhất hiện thời. Nhiều lời chia buồn sau khi ông mất thật xác đáng. “Dưới ngòi bút của ông khổng lồ này của văn học Pháp, bao lâu nay vẫn đập trái tim của một em nhỏ Nga đã chọn nước Pháp làm quê hương”.

Ông “đã biết giao hoà lịch sử và các khát vọng của Nga và của Pháp”. Cao hơn thế, ông là chiếc cầu nối quá khứ với hiện tại, hiện tại với tương lai... Từ Bình Tâm

Theo Le Monde, Obs, Canoé, Romandie, News
và nhiều tài liệu khác

MỚI - NÓNG