“Paradise Now”- Câu chuyện kẻ đánh bom khủng bố

“Paradise Now”- Câu chuyện kẻ đánh bom khủng bố
TP -  “Paradise Now” (Bây giờ là thiên đường) của Palestine từng chiếu tại 60 nước trước khi đoạt danh hiệu "Phim nói tiếng nước ngoài" hay nhất tại lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 63.
“Paradise Now”- Câu chuyện kẻ đánh bom khủng bố ảnh 1
Một cảnh trong “Paradise Now”

"Paradise Now" vượt qua các đối thủ nặng ký “Joyeux Noel” (Pháp), “Tuyệt đỉnh kung-fu” và “Vô cực” (Trung Quốc), đồng thời cũng được đề cử cho "Phim nước ngoài hay nhất" của giải Oscar lần thứ 78 năm nay.

Câu chuyện xoay quanh hai người bạn từ thuở ấu thơ cùng tham gia một vụ khủng bố tại Tel Aviv. Ngày cuối cùng trước khi đánh bom tự sát, họ không dám tiết lộ với ai, kể cả gia đình. Hôm sau, hai người được đưa tới khu vực đông dân cư với những trái bom chằng chịt trên cơ thể.

Tuy nhiên, vụ đánh bom không thành, hai người bị mất liên lạc. Nhờ lý lẽ thuyết phục của một người phụ nữ cho rằng không thể dùng bạo lực để giải quyết xung đột, họ dần nhận ra mình đang chệch hướng. Từ đó mỗi người phải tự lo liệu và sống những ngày ngập chìm cảm giác tội lỗi.

Mang danh điện ảnh Palestine, thực chất “Paradise Now” là sản phẩm hợp tác đa quốc tịch: Hà Lan, Pháp, Đức, Israel... Đạo diễn Hani Abu-Assad là người A-rập sinh tại Israel, lập nghiệp tại Hà Lan, luôn tự nhận là người Palestine.

Các tác giả kịch bản Abu-Assad, Bero Beyer và Pierre Hodgeson thể hiện câu chuyện đánh bom tự sát theo hướng khai thác góc độ nhân văn ở những kẻ khủng bố. Phần lớn cảnh phim quay tại thành phố Nablus ở vùng Bờ Tây, nơi diễn ra các cuộc giao tranh dữ dội. Công việc của đoàn làm phim nhiều lần gián đoạn bởi những cuộc đọ súng và pháo kích.

Đối với nghệ sĩ chân chính, việc khắc họa nhân tính kẻ khủng bố là hành động mạo hiểm. Bởi ai cũng nghĩ đã khủng bố thì chắc chắn xấu xa, đáng bị trừng phạt.

Đạo diễn Hany Abu-Assad chọn việc xoá định kiến và đi sâu phân tích nguyên nhân hành động tội ác. Abu-Assad đã chấp nhận đối mặt khó khăn lớn: Thứ nhất, sẽ rất nhiều người tức giận khi xem phim; Thứ hai, khả năng thu lợi về mặt tài chính của phim gần như rất mong manh.

Mục đích của Abu-Assad không phải là tha thứ khủng bố mà chỉ cố gắng lý giải vì sao những con người bình thường lại sẵn sàng từ bỏ mạng sống để hành động tàn bạo. Một cách gián tiếp, “Paradise Now” gióng hồi chuông cảnh tỉnh, đồng thời lên án những hành vi bạo lực tại lò lửa Trung Đông.

Để dụ dỗ người đánh bom liều chết, bọn khủng bố thường vẽ viễn cảnh họ sẽ được lên thiên đường sau khi “tử vì đạo”, các thiên thần đưa họ đến gặp những trinh nữ đẹp tuyệt trần.

Tuy nhiên, với hai nhân vật chính trong “Paradise Now” - những lạc thú kiếp sau không phải nguyên nhân khiến họ chấp nhận hành động điên rồ. Khaled coi hành động liều chết như một tuyên ngôn chính trị: Chỉ có thông qua cái chết, người Israel và người A-rập mới có bình đẳng, còn khi sống trên dương thế Israel luôn là kẻ áp bức trong khi người Palestine phải cam chịu cảnh bị áp bức. Riêng Said- lý do rất mơ hồ: Một hồn ma từ trong quá khứ luôn ám ảnh và xui khiến anh ta hành động.

Dù còn nhiều ý kiến trái ngược về tính nghệ thuật cũng như thông điệp chính trị và nhân văn, bộ phim đã  làm dấy lên trong những người dân Trung Đông giấc mộng vàng về một cuộc sống hoà bình trên thiên đường nơi cõi thế.

MỚI - NÓNG