Paul Zetter và tình yêu "Em Thuý"

Paul Zetter và tình yêu "Em Thuý"
Tại quán cafe wifi Highland bên trong tòa nhà Hanoi Towers (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có một người đàn ông Anh quốc thường hay lui tới. Anh tới đây, tĩnh lặng nghe nhạc và rồi  chăm chú vào chiếc laptop.
Paul Zetter và tình yêu "Em Thuý" ảnh 1
Paul Zetter (phải) đang trao đổi về dự án với David Glass, người sáng lập tổ chức David Glass Ensemble.

Anh đang tiến hành một dự án của Nhà hát David Glass (David Glass Ensemble- DGE). Đó là Paul Zetter, Giám đốc DGE  tại Đông Nam Á.

Đến Việt Nam 9 năm về trước với tư cách phó Giám đốc nghệ thuật của Hội đồng Anh, rồi sau đó chuyển sang làm việc cho một tổ chức nghệ thuật phi lợi nhuận David Glass Ensemble của Anh, Paul Zetter cho biết, anh muốn gắn bó suốt đời tại Việt Nam cùng cô vợ Việt Nam và một cậu con trai... xinh như “Tây”.

Sáng tạo vì cộng đồng

Nơi đến là tên bộ phim tài liệu do Paul Zetter đạo diễn kể về cuộc sống thường nhật của các vũ công  khiếm thính và đã từng được phát sóng vào tháng 4/2006 trên VTV1.

Thông qua những thước phim, hình ảnh của mình, Paul muốn mang tới cho người xem một cái nhìn rõ ràng hơn về cuộc sống, gia đình cũng như những nỗ lực trong công việc của người khiếm thính. Nơi đến  cũng đã được công chiếu tại Singapore, Philippines và Anh quốc.

Paul Zetter và tình yêu "Em Thuý" ảnh 2
Paul đang thực hiện "Kế hoạch Việt Nam" tại Singapore

Bộ phim tài liệu Plan in Vietnam (Kế hoạch tại Việt Nam) là kết quả của những chuỗi ngày miệt mài thực hiện tại Singapore. Bộ phim là một cái nhìn đa chiều của đối tác với Việt Nam.

Paul hào hứng cho biết, năm 2007 sẽ là năm bận rộn với nhiều dự án mới, đối tác mới. Trước mắt, trong tháng 3 tới, anh sẽ thực hiện photovoice (đây là một khái niệm nghệ thuật khá mới, nhưng có thể hiểu rằng đó là một hình thức ghi lại và phản ánh những mối quan tâm của cộng đồng với mong muốn làm thay đổi nó- PV) tại Banda Aceh, Indonesia để phản ánh về những em bé bị lìa xa cha mẹ sau đợt sóng Thần.

Một photo voice khác cũng sẽ được thực hiện tại Campuchia về những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi nạn bạo hành. Tại Việt Nam, một bộ phim tài liệu về những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn sẽ được thực hiện tại Cát Bà với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới.

Tình yêu Việt Nam bắt đầu từ bức tranh "Em Thuý"

Paul Zetter và tình yêu "Em Thuý" ảnh 3
Paul (thứ ba từ trái sang) và gia đình bà Thuý. Bà Thuý, nguyên mẫu bức "Em Thuý", đứng ngay cạnh Paul. 

Có lẽ, tình yêu Việt Nam khởi đầu từ bức tranh Em Thúy của danh họa Trần Văn Cẩn. Paul  Zetter tình cờ bắt gặp bức tranh Em Thúy trong một vựng tập tranh khi anh còn ở Anh.

Anh đã rất ấn tượng với bức tranh bởi vẻ đẹp không chỉ về mặt hội họa mà cả từ khuôn hình người mẫu trong sáng, hồn nhiên, đối lập với vẻ kiêu sa, bí hiểm của nàng La Joconde tuyệt tác của đại danh họa Leonard de Vinci thời Phục hưng.

Ðược dịp tới Hà Nội, điểm nhắm tới đầu tiên của Paul Zetter là Viện bảo tàng mỹ thuật. Ngắm nhìn nguyên tác Em Thúy, Paul Zetter bồi hồi với biết bao ký ức tuổi thơ.

Paul Zetter và tình yêu "Em Thuý" ảnh 4
Con trai của Paul và cô giáo Việt Nam

Ðôi bàn tay xinh xắn, nuột nà, mảnh mai ấy, khẽ khàng ốp vào nhau của Em Thúy, tư thế ngồi ngay ngắn không chút rụt rè và nhất là khuôn mặt với đôi mắt to, tròn, đôi môi mím chặt lại làm bừng lên trong anh một thứ tình cảm khó tả. 

Dần dà cảm xúc trở nên mãnh liệt đến mức khiến Paul Zetter cảm nhận bức tranh Em Thúy như một ẩn dụ cho một đất nước Việt Nam luôn lạc quan, tự tin vững bước vượt mọi thử thách để đi tới. Những cảm xúc mãnh liệt đó thôi thúc ông viết nên Khúc minuet dành cho Em Thúy theo nhịp valse nhẹ nhàng, du dương, tươi sáng.

Trong một cuộc gặp gỡ các du học sinh Việt Nam tại Anh cách đây mấy năm, Paul đã cómột cuộc gặp gỡ hết sức thú vị. Anh đã nói chuyện với một du học sinh. Qua câu chuyện, Paul phát hiện ra anh ta chính là con trai của bà Thuý, nguyên mẫu cho bức Em Thuý năm xưa.

Paul không thể ngờ được rằng một ngày nào đó có cuộc hạnh ngộ với người trong tranh. Em Thuý năm nào đã trở thành bà Thuý 67 tuổi và đã lên chức bà nội, bà ngoại.

Kể từ đó, họ đã trở thành những người bạn của nhau. Cứ mỗi dịp Tết đến, cả gia đình Paul lại tới thăm gia đình bà Thúy như những người thân trong gia đình.Cũng qua Paul, bức tranh sơn dầu Em Thuý đang bị hư hỏng nặng đã được một chuyên gia Australia phục chế.

Chính khúc minuet về Em Thuý đó đã bắc cầu cho Tổ khúc Hà Nội sau này. Nhạc trưởng người Anh Graham Sutcliffe đã dàn dựng cho dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam công diễn thành công.

Ngay sau đêm diễn, Paul nhận được rất nhiều cú điện thoại của những người lạ hoắc xin được biết thêm về bản nhạc. Một người bạn Australia, đồng thời cũng là một khán giả, đã nói với Paul rằng, ông không thể tin rằng một người phương Tây lại có thể viết ra một bản nhạc làm ông gợi nhớ tới hương vị Việt Nam đến thế.

Paul rất yêu con, anh thường sáng tác những bản hát ru tặng riêng con. Anh bảo, việc anh sống và làm việc tại Việt Nam 9 năm đã là một câu trả lời cho tình yêu của anh dành cho Việt Nam. Anh nói: "Tôi muốn gắn bó suốt đời với Việt Nam"

Theo Ngọc Ánh
Sài gòn Tiếp thị

MỚI - NÓNG