Pê ru: Phát hiện nhiều tranh thuộc nền văn minh Pa-ra-cát

Pê ru: Phát hiện nhiều tranh thuộc nền văn minh Pa-ra-cát
Các nhà khảo cổ học Pê-ru kết luận những bức khắc họa trên đá tìm thấy tại vùng Pan-pa, cách thủ đô Li-ma (Pê-ru) khoảng 350 km về phía Đông Nam là những tác phẩm của người Pa-ra-cát, thuộc nền văn minh cùng tên đã tồn tại ở quốc gia này từ 600 - 100 năm trước Công nguyên.

Các chuyên gia từ Viện khảo cổ Pê-ru cho biết họ đã phát hiện khoảng trên 50 bức họa tạc trên đá với các hình người, động vật và hình vị thánh số 1 có tên là Ốc-cu-la-đô của người Pa-ra-cát, thể hiện cuộc sống thường nhật của người dân.

Các họa tiết trang trí xung quanh những bức họa này giống hệt những họa tiết trang trí trên các sản phẩm đồ gốm và hàng dệt của người Pa-ra-cát đã được các nhà khảo cổ địa phương tìm ra trước đó.

Các chuyên gia cho rằng những tác phẩm hội hoạ trên của người Pa-ra-cát còn ra đời sớm hơn nền văn hoá Na-xca (tồn tại từ 50 năm đến 600 năm sau Công nguyên). Người Na-xca cũng có những tác phẩm hội hoạ vĩ đại trên đá có tên là " Đường nét Na-xca", hiện còn lưu giữ tại vùng thảo nguyên Na-xca và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào năm 1994.

Cho đến nay, các chuyên gia khảo cổ thế giới vẫn chưa trả lời được câu hỏi tại sao những người Pa-ra-cát và Na-xca lại có thể hoàn thành được những bức họa trên đá lớn đến mức chỉ có thể nhìn hết được từ trên không.

MỚI - NÓNG