Phá bỏ sức ỳ trong sáng tạo: Khi nào?

Phá bỏ sức ỳ trong sáng tạo: Khi nào?
ĐH toàn quốc Hội Điện ảnh VN lần thứ 6, 80% số đại biệ̉u còn công tác, số nghỉ hưu chiếm 20%, nhưng có quá ít gương mặt trẻ. Thế nên cứ ngỡ bộ máy sản xuất phim của ta già nua bậc nhất thế giới.

Gặp gỡ, bàn luận từ ngày 28, sáng nay 29/7 Đại hội lần thứ 6 của Hội ĐA VN mới chính thức khai mạc cùng việc công bố đề cử nhân sự Ban chấp hành nhiệm kỳ 6 và tiến hành bầu cử, đọc tham luận...

Dù có dự đoán Đại hội “mùa này” sẽ êm ả bởi bây giờ người ta còn mải mưu sinh, mạnh ai nấy làm, thiết gì chuyện Hội, chuyện bầu bán, nhưng cũng không loại trừ trường hợp các nghệ sỹ “tức cảnh sinh tình” trước bao nhiêu đòi hỏi của cuộc sống đặt ra cho điện ảnh hôm nay.

Cũng cần phải kể đến những thành phần sản xuất phim mà không phải là hội viên Hội ĐA hoặc cả những người đang sung sức làm phim, là hội viên nhưng không đến ĐH.

Gọi điện cho đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thì “tôi đi làm phim Đất lành ở Ninh Thuận 2 tháng nay, không về kịp”, tay máy Phạm Hoàng Nam còn đang rong ruổi khắp nẻo đường đất nước với phim tài liệu Ngày mai cho bạn và tôi, đành “lỡ hẹn”, nghe nói đạo diễn Lê Hoàng cũng không ra...

Những người làm phim trẻ đang ở đâu? Họ là những đạo diễn, diễn viên, quay phim trẻ... ở độ tuổi 20, 30 không hiện diện ở ĐH với những lý do: chưa đủ thâm niên và điều kiện vào Hội, chần chừ mãi chẳng viết đơn, ưa tự do nên không thuộc biên chế đơn vị nào...

Phá bỏ sức ỳ trong sáng tạo: Khi nào? ảnh 1
Cảnh trong phim “1735 km”

Dẫu sao số đại biểu theo ngành nghề tham dự ĐH cũng phần nào phản ánh thực trạng bộ máy sản xuất phim nội hiện nay: Đạo diễn có 158 người, chiếm 32% số đại biểu chính thức- con số không đến nỗi nhưng sao mà những tên tuổi được làm phim và biết làm phim vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay?

Nhìn sang giới Lý luận phê bình còn... chán hơn, chỉ 12 người, chiếm vỏn vẹn 2%.  Làm thế nào đẩy mạnh lực lượng phê bình một cách chuyên nghiệp, làm thế nào để họ có đủ dũng khí nói thẳng nói thật, làm thế nào để tên tuổi họ đủ sức đảm bảo thẩm định được cả những xu hướng, dòng phim...?

Có ý kiến hội viên mong muốn Hội ĐA có một cơ quan phát ngôn chính thức về từng bộ phim mới xuất xưởng nói riêng cũng như về các hiện tượng điện ảnh nói chung, thậm chí có người phát ngôn cho Hội trước các vấn đề, hiện tượng của điện ảnh.

Nhưng lực lượng phê bình yếu và mỏng manh như thế thì làm nên chuyện gì lúc này và sau này?

Buồn nhất là thành phần diễn viên, chỉ có 27 người chiếm 6% ĐH. Chắc chắn, diễn viên - bộ mặt của phim nội không chỉ ít như vậy nhưng thực tế cách biểu hiện trên phim cũng chỉ có vậy mà thôi.

Chủ yếu là người “có tuổi”, lác đác thấy Quyền Linh, Hồng Ánh, Thiệu Ánh Dương..., trong số này chỉ Quyền Linh còn “tả xung hữu đột”, Thiệu ánh Dương đã chuyển sang ngành Luật, Hồng Ánh cũng có nỗi trăn trở riêng. Ánh mang đến ĐH tham luận Diễn viên điện ảnh trong thời kỳ đổi mới và phát triển.

Liệu có kêu gào thống thiết cho diễn viên không đây? “Bản tham luận rất tình cảm chứ không kêu gào gì ghê gớm” - Tác giả của nó cho biết. Cái sự tình cảm ấy thực chất cũng là tình cảnh của một thế hệ diễn viên không còn quá trẻ nhưng vẫn sung sức và tâm huyết với nghề, nay có nguy cơ không được theo nghiệp đến cùng.

Nữ diễn viên này bộc bạch: “Trong tham luận, tôi nói đến sức ỳ trong sáng tạo ở một số đạo diễn khi họ không khai thác hết năng lực của diễn viên. Họ sử dụng diễn viên như những nhân tố đầu tiên phù hợp cho dạng vai đang cần sau đó bỏ đi hoặc cứ chỉ cho đóng mãi một kiểu vai đến nhàm chán, rồi mọi người lại kết luận là diễn viên không có khả năng.

Như vậy rất lãng phí vì nhân tài bao giờ cũng thiếu chứ không thuộc về số đông. Tôi nghĩ nếu chỉ khai thác một lần rồi bỏ đi thì kể cả Trung Quốc hay Hollywood cũng không đủ ngôi sao.

Trung Quốc, Hollywood hay ấn Độ một năm sản xuất rất nhiều phim nhưng có mấy phim và bao nhiêu diễn viên để người ta nhớ, nhắc tên trên thế giới? Phim hay và diễn viên giỏi không nhiều, chính vì vậy ở ta nếu phát hiện được những nhân tố mới thì nên tạo điều kiện khai thác đến tận cùng mới thành "sao" được.

Chỉ mong Hội Điện ảnh cố vấn hơn nữa về những chính sách, đường hướng hoạt động cho Cục Điện ảnh hoặc các ban ngành liên quan, bảo vệ quyền lợi cho diễn viên, đặc biệt trong xu hướng xã hội hóa hiện nay, diễn viên cần Hội giúp đỡ trong những tranh chấp về quyền lợi với nhà sản xuất hoặc những khi bị chèn ép...”.

Nghệ sỹ Phước Sang - một đại diện của đơn vị sản xuất phim tư nhân, sáng nay bay ra Hà Nội tha thiết: “Phải thành lập được Hiệp hội các nhà sản xuất và phát hành phim.

Như thế mới tránh được tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược: ông làm phim ra thì bảo là hay còn ông phát hành thì lại bảo dở. Thế nên các hãng sản xuất, rạp chiếu bóng, Cty phát hành nên ngồi lại với nhau để cùng bàn về phương thức sản xuất, về đầu ra.

Ví dụ chuẩn bị Tết này thì sản xuất phim gì, Hè nên tập trung đề tài gì, dịp Noel, Valentine hướng vào phim nào... rồi đặt ai làm, ưu tiên ai, hợp tác thế nào cho hiệu quả.

Như thế người phát hành cũng được tham gia vào quá trình sản xuất, những thời điểm vàng nên ưu tiên cho phim nội thì có thể cùng thống nhất hạn chế hoặc không nhập phim ngoại...”.                       

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.