Tây “ăn lộc” ta hay Chuyện người nước ngoài làm du lịch ở Hà Nội-Bài 2:

Phải lòng văn hóa truyền thống

Mark Rapoport và bộ sưu tập của mình. Ảnh: Trung Dũng.
Mark Rapoport và bộ sưu tập của mình. Ảnh: Trung Dũng.
TP - Phòng trưng bày vật dụng các dân tộc Việt Nam 54 Traditions (54 Truyền thống) tròm trèm 10 tuổi. Đóng góp phần lớn vào bộ sưu tập của gallery - ông Mark Rapoport người Mỹ sống tại Hà Nội từ 2001 - vẫn ngày ngày bổ sung cho mình không chỉ các món đồ mà cả văn hóa truyền thống các nước trên thế giới thông qua giao tiếp với khách du lịch.

Mối tình hơn 40 năm với văn hóa Việt

Mark học y ở Boston, sang Việt Nam làm nhân viên y tế tình nguyện hồi 1969. Ngoài công việc tại một bệnh viện bình dân Đà Nẵng, ông còn tới các làng thiểu số Quảng Nam, Quảng Ngãi giúp đỡ bà con dân tộc. Và Mark phải lòng luôn văn hóa của họ vì “họ rất khác mình, luôn duy trì cách sống theo truyền thống xưa”.

Rời khỏi Việt Nam trong sự tiếc nuối nên 13 năm trước, nhân hộ tống vợ - làm việc cho quỹ từ thiện Rockefeller - Mark chuyển luôn công việc qua đây vừa tiến hành sưu tầm vật dụng của người Việt, đặc biệt là của người dân tộc thiểu số.

“98% đồ sưu tầm được sau khi tôi đến đây sống. Tôi lên Mai Châu (Hòa Bình) hay Sa Pa (Lào Cai) vừa tìm hiểu văn hóa vừa mua đồ. Tôi bày bộ sưu tập ở đây đồng thời hỗ trợ chủ gallery việc giao tiếp với khách du lịch nhằm cho người nước ngoài thấy người Việt có gì, người dân tộc dùng đồ gì. Món đồ bao tuổi, làm bằng thứ gì, dùng để làm gì, ở bản làng nào đều ghi rõ. Chứ không phải thấy đẹp, bày ra cho người ta mua”, Mark nói.

“Một nơi xứng đáng để đến vì nó cung cấp những hiểu biết về văn hóa và lịch sử Việt Nam”.

OldBarNel phản hồi trên trang du lịch TripAdvisor về 54 Traditions, số 30 Hàng Bún, Hà Nội

Là người nước ngoài nên việc tìm hiểu mua bán tương đối khó. Mark không nói được tiếng Việt, đi đâu cũng phải có phiên dịch, để vào những khu không dành cho dân du lịch thì phải xin phép vì lý do an ninh. Mark từng có kỷ niệm buồn tại lễ Cấp sắc của người Sán Dìu (Thái Nguyên). Lặn lội tới làng nhưng thiếu giấy phép nên không được tham dự, đành về không. Phải chờ lần sau mới có cơ hội nói chuyện với người thầy cúng, mới tìm hiểu được nghi lễ của họ.

Hiện tại Mark “ngồi phố cổ” mua đồ qua các mối tin cậy, cả người Kinh lẫn người Mông. Có điều nguồn hàng đang ít dần vì bà con dân tộc chuyển sang dùng hàng tàu vừa rẻ vừa tiện. Đồ truyền thống dịp lễ tết mới mang ra thôi.

Kho báu

Vào 54 Traditions, người ta dễ bị hoa mắt bởi tường rồng tường phượng, tượng nhà mồ, đồ thổ cẩm… Trong đó vật dụng của đồng bào miền Trung Tây Nguyên cùng vải và đồ dùng trong nghi lễ của miền núi phía Bắc chiếm nhiều diện tích nhất.

“Một kho báu đặc biệt khiến bạn buộc phải móc ví. Giá từ 10 đến 1.000 USD nhưng mọi thứ đều có giá trị cao và kèm theo thông tin toàn diện” – ông Hillaire người Pháp nhận xét.

Để có “thông tin toàn diện” như thế, chủ gallery phải thông qua nhiều kênh, từ trực tiếp hỏi tại làng bản đến các chuyên gia bảo tàng địa phương. Đồ tốt mà không tìm được nguồn gốc, không bán. Đồ bán rồi khách đem về trưng, không ưng trả lại được hoàn tiền.

Mark mang lại phong cách Tây trong việc làm du lịch dựa vào truyền thống đặc sắc của người Việt. Gallery thường tổ chức hoạt động văn hóa dân tộc tại chỗ như mời bà con người Mông về dạy khách nước ngoài nhuộm vải, vẽ sáp ong trên lanh. Khách thích tìm hiểu tập tục cúng lễ mà không có điều kiện tham dự thì mời cả thầy cúng về nói chuyện, mô phỏng nghi lễ.

Bạn bè nói vui rằng Mark “ăn lộc” nhất ở khoản tiếp nhận văn hóa. Hằng ngày tới phòng trưng bày, ông được tiếp xúc với các chuyên gia văn hóa các viện bảo tàng, trung tâm nghiên cứu trên thế giới. Họ đến hội thảo hay đi du lịch, tạt qua, mang đến những thông tin văn hóa quốc tế và mang về một chút Việt Nam. Cũng như cách ông chia sẻ một phần bộ sưu tập cho các bảo tàng ở Mỹ và ở Việt Nam.

MỚI - NÓNG