Phải nhìn từ nhiều phía

Phải nhìn từ nhiều phía
TP - Có bao giờ bạn tự hỏi về hình ảnh của đất nước chúng ta trong con mắt bạn bè nước ngoài như thế nào? Có lẽ những ấn tượng, hình ảnh về một đất nước nhỏ mà kiên cường trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vẫn là chủ đạo, nổi bật hơn cả.

Nhưng đã qua hơn 30 năm ngày chiến thắng giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước và đã đến lúc toàn dân tộc chúng ta, mỗi người cần gắng sức, nỗ lực hơn nữa để cùng nhau xây dựng hình ảnh, “thương hiệu Việt Nam” hôm nay.

Có người cho rằng, khi giới trẻ còn có nhiều thanh niên hư hỏng, ham chơi lười làm, sống ỷ lại thiếu trách nhiệm và nhất là lại có mặt số đông trong các đối tượng mắc các tệ nạn xã hội thì những thanh niên không vi phạm pháp luật là biểu hiện, hình ảnh của một công dân tốt, một người dân yêu nước…

Nhưng tôi lại thấy trong số những người chăm học chăm làm ấy còn không ít người sống lặng lẽ, khép kín, mờ nhạt về lý tưởng thậm chí trở nên vô cảm trước cuộc sống, xã hội. Không đấu tranh cũng chẳng phê bình, họ chẳng quan tâm đến xã hội hay đất nước cho lắm và chỉ nhăm nhăm chú ý đến quyền lợi của mình. Họ sẽ nhảy dựng lên nếu ai đó đụng vào túi tiền của họ nhưng lại nín nhịn, thờ ơ khi nghe một người nào đó nói xấu về quê hương đất nước của mình vì cho rằng điều đó chẳng có hề gì.

Có lần anh T. làm ở ngành may mặc đưa cả vợ sang Nhật vừa lo công việc vừa đi du lịch. Khi ra sân bay để về nước, nhân viên hải quan sau khi kiểm tra giấy tờ biết là người Việt và cứ nhất định bắt anh phải dồn 2 va-li vào làm một.

Thực ra theo anh T. thì họ muốn “kiểm tra” mình. Trong mắt một số người nước ngoài, người Việt thường hay có tính tắt mắt! Điều đó làm cho anh cảm thấy bị xúc phạm. Anh T. nói với nhân viên hải quan: “Đây là va-li của vợ tôi còn đây là vợ tôi. Sao tôi lại phải dồn làm một khi mà những người khác lại không?”.

Cuối cùng, nhân viên hải quan ở sân bay cũng phải chịu, không ép anh được vì thấy rằng anh T. không dễ bắt nạt. Anh T. nói: “Nếu họ khinh mình nghèo mình sẽ phải cố gắng bằng sức lực và trí tuệ để làm giàu chính đáng. Họ coi thường vốn ngoại ngữ và tri thức của mình thì phải cố gắng học tập để có thể đối thoại sòng phẳng. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể ngẩng cao đầu mà đi”.

Tôi biết một làng trước đây gần như ngày nào cũng xảy ra mất trộm mất cắp hay  hàng xóm cãi lộn, anh em đánh nhau sứt đầu mẻ trán nhưng khi mọi người cùng nhau làm quy ước, quyết tâm xây dựng làng văn hoá thì mọi chuyện dần vào nề nếp.

Ai cũng có ý thức chăm lo việc riêng việc chung, giữ gìn và phấn đấu. Thế nên những mâu thuẫn trước đây có thể thành ầm ĩ làng xóm, thậm chí có trường hợp còn cầm dao vác gậy đuổi nhau cùng làng nay đã thưa vắng hoặc được giải quyết rất văn hóa. Đến nỗi tục chửi bậy đã thành quen miệng nay không còn thấy xuất hiện. Trẻ con bảo nhau: “Làng văn hóa, không được nói bậy!”.

Cũng như làng xã, mỗi dân tộc, quốc gia đều có những đặc trưng riêng và có để trở thành “thương hiệu” thì không phải là ý chí chủ quan của một vài người trong một vài năm mà sự nỗ lực của mọi người trong cả một quá trình.

Lòng tự hào, tự tôn dân tộc sẽ trở thành động lực tinh thần vô cùng lớn lao cho sự phát triển của mỗi người và cả đất nước. Có ai đó đã nói, người Việt Nam chúng ta giàu lòng tự trọng, thông minh, sáng tạo cần cù và hiếu khách.

Nếu bạn thấy đúng, bạn hãy cùng nhau góp phần bồi đắp, xây dựng để sáng ngời những phẩm chất ấy. Nếu bạn thấy đúng, thì trước những thói hư tật xấu của bản thân và những người xung quanh, bạn sẽ có thái độ để điều chỉnh.

Khi đất nước còn nghèo không ít người dân vẫn còn sống trong điều kiện vô cùng khó khăn. Nhiều người để lại bố mẹ già đau yếu để sang nước bạn giúp việc gia đình, chăm sóc bố mẹ người khác cách xa cả ngàn cây số.

Vẫn còn có những trẻ em thiếu áo ấm trong mùa đông và không biết đến con chữ, và cả trong chúng ta nữa-nhiều lao động trẻ chưa được đào tạo hoặc đã có bằng cấp mà vẫn thiếu việc làm... Hãy thử ra chợ, chúng ta sẽ thấy những mặt hàng mang “thương hiệu Việt Nam” còn quá ít và chất lượng chưa cao, thậm chí những đồ dùng vật dụng đơn giản cũng phải nhập khẩu…

Chúng ta mong muốn và cùng gắng sức để Việt Nam trong mắt bạn bè năm châu không chỉ là hình ảnh một đất nước kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm mà còn nổi bật bởi sự thông minh sáng tạo, giàu lòng tự trọng, đôn hậu và hiếu khách không chỉ để chúng ta nhìn nhau mà còn phải để người nước ngoài nhìn vào mà tôn trọng chúng ta.

Khi chúng ta tuyên chiến với những thói hư tật xấu, cùng nhau  xây dựng thương hiệu Việt không chỉ về hàng hóa mà còn về con người Việt Nam trên trường quốc tế.

MỚI - NÓNG