Phạm Duy Nghĩa, thủ khoa cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2003 - 2004

Phạm Duy Nghĩa, thủ khoa cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2003 - 2004
Khi truyện ngắn Cô gái xuống ga Vĩnh Yên đến tay tôi từ một người bạn, tôi chưa đọc Phạm Duy Nghĩa lần nào.

Phạm Duy Nghĩa (bên trái) 
Ảnh: Phan Hữu Đố

Nghe nói tác giả còn khá trẻ, làm gì đó tận trên Lào Cai, thỉnh thoảng có in trên “Văn Nghệ Dân tộc”, nhưng thú thật, không phải lúc nào mọi người trong cơ quan cũng có thời giờ đọc hết các ấn phẩm của chính Văn nghệ.

Cô gái xuống ga Vĩnh Yên, một cái tít rất văn, rất gợi không chỉ vì Vĩnh Yên là địa danh có tiếng mà tôi đã được đi qua đó nhiều lần. Một cái tên truyện ấn tượng phần nào đã nói lên năng lực văn chương chữ nghĩa của tác giả và cũng như tên người, nó còn là cái vận cho chính tác phẩm đó.

Tôi ngắm nghía khá lâu tên truyện, nếu tôi chưa từng biết Vĩnh Yên thì truyện có gây được cảm tình nhanh chóng thế không ? Có lẽ truyện sẽ dẫn dắt và hấp dẫn tôi nhưng phải nói rằng Cô gái xuống ga Vĩnh Yên khác lạ và rất sang, thay vì người ta có thể đặt là “Gặp ở Vĩnh Yên” hay “Một lần ở Vĩnh Yên” hay cái gì đó đại loại mòn hoặc đại loại đơn giản như vậy.

Quả tôi đã cảm tình không nhầm khi đọc xong truyện. Tôi hay ngồi yên bên bàn biên tập để nhấm nháp cảm giác thú vị sau khi đọc lượt đầu một bản thảo ấn tượng, rồi thì hình dung tác giả là người như thế nào. Tôi thích thú nhân vật cô gái đáo để và hơi kỳ quặc trong đó, tôi yêu mến chàng trai của Nghĩa và tôi không tách anh ta ra khỏi tác giả được, tôi thấy hai người trùng khít nhau và nhất định người viết ra những câu văn này phải là một gã đàn ông cao cao, lãng tử và rất ấm áp.

Tôi nhớ mãi hương vị của truyện, nhớ mãi gã đàn ông cô độc phong trần và cô gái bán hoa có quan niệm trinh tiết theo kiểu của cô ta, như họ là đôi tình nhân diễu qua một cách rất là ấn tượng trước mắt ta rồi chìm nổi đâu đó ở chân trời. Trong nghề viết, để người khác đọc mình đã khó, để người ta nhớ hương vị của tác phẩm mình càng khó, nó giống như người ta phải tìm vào bếp để làm quen với vị bếp trưởng sau một bữa tiệc mà họ biết mình sẽ nhớ mãi.

Dù Nghĩa không tuyên bố nhưng tôi biết Nghĩa vẫn lặng lẽ viết một truyện nổi đình nổi đám cho chính mình để tham dự Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2003-2004. Cơn mưa hoa mận trắng về tới chỗ tôi vào những phút áp cuối của cuộc thi và như tôi đã viết trên Văn nghệ, Nghĩa đã xuất hiện rạng rỡ hơn lên rất nhiều. Tôi tin vào dự cảm của mình, Nghĩa già dặn như một cụ đàn ông, năng lực bẩm sinh mạnh mà lại còn chịu khó đọc và học rất nhiều ở người khác. Từng câu văn của Nghĩa nói với tôi điều đó, tổng thể truyện của Nghĩa nói với tôi điều đó và cốt cách văn chương của Nghĩa nói với tôi điều đó.

Có người cho rằng đọc truyện của Nghĩa xong thì không ai dám lên miền núi nữa. Cũng có người bảo Cơn mưa hoa mận trắng vẫn mô típ người tốt việc tốt, các nhân vật không dám bước qua giới hạn là do sự cũ kỹ trong quan niệm của tác giả. Cũng có người viết thư về Ban Văn kêu truyện ngắn ấy ngợi ca tính dục, bản năng. Ban Sơ khảo và cả ban Chung khảo cho rằng đây là một truyện ngắn vững chãi và cổ điển, đào xới và tôn vinh tính người trong con người. Đọc Nghĩa ta bị ám ảnh bởi những thông điệp của tác giả, nói như nhà thơ Hữu Thỉnh, chánh chủ khảo cuộc thi :“Trong một khoảnh khắc ta có thể bạc tóc cùng với sự giằng xé của nhân vật ở phút cuối”. 

Có những tác giả tàn sớm vì hào quang mà họ tự dệt cho mình. Có những tác giả càng nhiều tuổi càng lên hương. Phạm Duy Nghĩa thuộc loại viết kỹ, viết ít nhưng biết người biết ta, ăn chắc mặc bền, chí thú dài hơi. Hy vọng rằng chúng tôi đã nhận định đúng và những lời này sẽ là những tiếng chuông vui nho nhỏ cho chú lạc đà trên con đường cát của chú ta .

MỚI - NÓNG