Phạm Thị Huệ lại mở xiêm áo

Phạm Thị Huệ lại mở xiêm áo
TP - Thời gian này hai năm trước, một lễ mở xiêm áo được phục dựng để giới thiệu đào đàn Phạm Thị Huệ với người yêu ca trù.

Với sự cố vấn của hai sư phụ Nguyễn Thị Chúc và Nguyễn Phú Đẹ, cô giáo Phạm Thị Huệ lại làm lễ mở xiêm áo cho bảy đào và kép - dự kiến diễn ra cuối tháng Tám. Phạm Thị Huệ chia sẻ dự định trước và sau mở xiêm áo của CLB Ca trù Thăng Long.

Phạm Thị Huệ lại mở xiêm áo ảnh 1
Đào đàn Phạm Thị Huệ đệm cho học trò hát - Ảnh: N.M.Hà

Bảy đào kép ra nghề một lúc liệu có quá nhiều với một lễ mở xiêm áo?

Cụ Đẹ kể, ngày trước, cứ cuối năm giáo phường lại làm lễ mở xiêm áo. Ai trong thời gian đấy đã học có thể ra nghề được thì cùng ra. Mỗi người chỉ hát một câu tủ.

Các đào kép của CLB Ca trù Thăng Long dự kiến sẽ được mở xiêm áo:

Hát: Nguyễn Như Mai (chuyên ngành tỳ bà, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Nguyễn Kim Ngọc (nguyệt), Vũ Thị Thùy Linh, Ngô Thị Nhật (tam thập lục), Đặng Thị Hường.

Đàn: Nguyễn Thu Thủy (tỳ bà), Phạm Đình Hoằng.

Sau đó ban giám khảo (ông trùm, chức việc trong làng) đề nghị hát bất cứ câu hát nào, làn điệu nào. Chúng tôi đang muốn đưa thêm phần ứng thí hát tại chỗ một lời hát nói mới cho các em. Các đào nương cũng sẽ bốc thăm để chọn một trong hai người đàn.

Trung bình các em theo học hơn hai năm, thuộc trên hai chục bài và nắm được hầu hết làn điệu. Nét mới nữa của lễ mở xiêm áo tới đây là, nhà báo có thể hỏi trực tiếp cô đào sau phần thi.

Dù các em có hát tốt lời mới ngay tại chỗ thì thực tế biểu diễn sẽ rất ít xảy ra trường hợp quan viên ứng tác lời hát đưa đào nương hát tại trận?

Họ có thể hát được thơ ngay lập tức thì, dần dần, cũng có thể làm được thơ! Các bạn đều được học chữ Hán một năm nay theo học bổng của Công ty Bảo tồn Văn hóa Việt. Hiện nay chỉ còn hai bạn tiếp tục theo được. Hy vọng việc học sẽ giúp ích cho các bạn trong việc làm thơ cổ.

Chúng tôi cũng tổ chức những trò chơi đố thơ. Bạn nào có khả năng sẽ phát huy được. Chúng tôi cũng có ba quan viên làm được thơ hát nói, trong đó hai người thường xuyên qua lại. Các quan viên cũng đang muốn ra nghề đợt này.

Ngày xưa, sau lễ mở xiêm áo, đào sẽ được mời đi hát. Bây giờ dường như mọi thứ sẽ chẳng có gì thay đổi?

Một thay đổi lớn đối với các cô là sự trưởng thành. Nếu không có lễ ra nghề này, các cô ấy không tập trung nhau lại luyện cả ngày như bây giờ. Tôi cũng đứng lớp luôn liên tục trong suốt dịp hè. Đã được một tháng. Còn một tháng nữa. Sẽ có xếp thứ hạng, nên các cô cũng rất muốn thể hiện bản thân.

Sau khi ra nghề rồi, họ có thể đứng lớp. Nhiều người gọi điện đến hỏi về lớp học, mà một mình tôi không thể nào dạy hết được. Không phải ra nghề đã hoàn thiện, mà dạy nghề lại là một bước mới để các bạn trưởng thành hơn.

Các bạn cũng có thể tham gia dạy ngoại khóa ở các trường phổ thông. Vì sao tôi mất công dạy dỗ? Cái mà tôi mơ ước là có một đội ngũ giáo viên.

Chúng tôi sẽ đẩy mạnh mảng nhạc cụ (hiếm ai vừa là ca nương vừa có thể đàn được), thành một dàn nhạc, dễ đáp ứng nhu cầu biểu diễn. Sau đó sẽ xây dựng những chương trình phù hợp, có thể sẽ thêm hát văn hoặc ca khúc mới viết theo kiểu truyền thống. Phục vụ lễ hội cũng là một mục tiêu chúng tôi đề ra.

CLB Thăng Long hay quảng cáo truyền dạy ca trù miễn phí rộng rãi cho các đối tượng. Nhưng sau mấy năm ra nghề, vẫn thấy toàn các SV nhạc viện cả?

Chuyên nghiệp học còn mệt, huống hồ nghiệp dư. Ban đầu bao giờ tôi cũng cho họ qua giai đoạn thử thách, học trống chầu. Hầu hết họ bỏ cuộc ở giai đoạn đấy.

Tiến đến, khi mình có đông giáo viên rồi, mình có thể dạy những bài hát đơn giản. Phân biệt một dạng dạy cho biết để dễ dàng tiếp cận, hát để giải trí, có thể học tập trung đông người. Lớp chuyên sâu chỉ dành riêng cho những người định đi chuyên nghiệp.

Nhưng không phải không có ngoại lệ. Như Hoằng- kép đàn ra đợt này, là một họa sĩ. Anh chú tâm học đàn đáy trong bốn năm- khoảng thời gian vừa vặn với một khóa học.

Lần này chắc chắn sẽ thu phí. Các em đứng lớp sẽ có trách nhiệm hơn. Rất đông sinh viên nhạc viện muốn học.

MỚI - NÓNG