Phan Huyền Thư định dẫn sự việc đến đâu

Phan Huyền Thư và tập thơ vừa bị thu hồi giải thưởng.
Phan Huyền Thư và tập thơ vừa bị thu hồi giải thưởng.
TP - Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội đã họp khẩn cấp vào chiều qua (20/10), đi đến quyết định thu hồi giải thưởng đối với tập thơ “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư. Tuy nhiên vụ việc đạo thơ chưa chắc đã dừng ở đây.

Không bài nào giống “Bạch lộ” từng in ở Hải ngoại

Cuộc họp kết thúc lúc 16h30, tham dự có một số ủy viên Ban chấp hành: Bằng Việt, Nguyễn Việt Chiến, Phạm Xuân Nguyên, Bùi Việt Mỹ, đi đến quyết định thu hồi giải thưởng trên cơ sở những phát hiện mới nhất về việc nghi đạo thơ của Phan Huyền Thư.

Trước đó, buổi sáng, Phan Huyền Thư gửi lá đơn đến Ban chấp hành Hội, nội dung xin trả lại giải thưởng sau khi có dư luận Thư đạo thơ và xin lỗi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, độc giả, các nhà báo, gia đình vì làm họ mệt mỏi buồn bã.

Việc thu hồi giải thưởng, được biết không phải do tác giả xin rút, mà là trên cơ sở một số bài thơ của Phan Huyền Thư trong tập Sẹo độc lập bị “nghi đạo thơ”, và được Hội xác minh: Thư từng có nhiều thơ in ở nước ngoài vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước nhưng không bài nào có nội dung giống bài Bạch lộ (Độc ẩm).

Thư xin lỗi và trả lại giải, Phan Huyền Thư “cam kết từ thời điểm hiện tại cho tới khi tìm được chứng cứ có tính thuyết phục về mặt in ấn, xuất bản tại nước ngoài của bản thảo đầu tiên viết năm 1996, tôi sẽ không sử dụng bài thơ “Bạch lộ” trong bất kỳ ấn phẩm nào hoặc khi tái bản tập thơ “Sẹo độc lập”. Tôi xin hứa sẽ cố gắng hết sức trong việc tìm kiếm các chứng cứ và văn bản thuyết phục nhất để bảo vệ cho tính hợp pháp về thời điểm sáng tác của bài thơ này”.

Định dẫn sự việc đến đâu?

Một ngày của tác giả đoạt giải thơ Hội Nhà văn Hà Nội thật dài, biến thiên liên tục. Tối 18/10 còn khóc nài Phan Ngọc Thường Đoan giữ im lặng một thời gian để mình yên tĩnh cân nhắc, một ngày sau đã lật kèo đẩy chị Đoan vào thế đạo thơ của mình. Thậm chí lên báo nói không muốn lên tiếng thêm vì sợ chị Đoan tổn thương (vì đang ở thế bất lợi so với Thư?). Rồi qua một đêm nữa, thấy rút khỏi giải thưởng, với mục đích giữ uy tín cho Hội Nhà văn Hà Nội, còn thì mình đằng thằng vẫn viết bài thơ kỳ lạ kia trước Phan Ngọc Thường Đoan.

Ngay khi bị tố đạo thơ, Thư kể với chị Đoan (có facebooker xác nhận được chị Đoan chia sẻ băng ghi âm) rằng chưa từng nghe thi phẩm Buổi sáng, nhưng đã nghe bài hát Catinat cà phê sáng của Phú Quang (phổ thơ Thường Đoan). Câu hỏi đặt ra là: Một khi đã nghe bài hát này, thấy lời bài hát là thơ mình, chả lẽ Thư không thắc mắc, phản ứng?

Tuy nhiên, nghe kỹ bài hát của Phú Quang thì thấy anh đã lược, thay đổi một số câu so với bài gốc Buổi sáng. Vậy còn lại, những câu này trong Buổi sáng, được bê nguyên xi sang Bạch lộ, không có trong bài hát Phú Quang, thì giải thích thế nào: Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh; Nụ hôn nửa vời; Trái tim không cửa... Hoặc một số câu chỉ sửa một hai chữ: Những gương mặt người/Quen và không quen; Quàng nỗi nhớ chạy quanh chiếc bàn nhỏ/Bản giao hưởng đêm qua còn phảng phất trên phím dương cầm; Ai hờ hững xéo lên lá cỏ... Vân vân.

Một bên thì kết bằng Uống cạn còn một bên Nốc cạn, sao mà khéo “trùng hợp ngẫu nhiên” đến thế!

Vậy là, thấy lý lẽ “trùng hợp ngẫu nhiên” không thể đứng vững (như trường hợp trùng thơ Du Tử Lê), Phan Huyền Thư đã chuyển sang tìm phương án thích hợp hơn. Buổi sáng viết năm 2000, đến 2001 được đóng dấu xuất bản lên bìa đĩa của Phú Quang, vậy thì Bạch lộ phải sáng tác từ thập kỷ 90 thế kỷ trước mới phải lẽ!

Nhà thơ Thụy Kha, được Phan Huyền Thư đưa ra như một nhân chứng cô cho đọc bài Độc ẩm (tên quai nôi của Bạch lộ) từ năm 1996. Hỏi Thụy Kha, vậy chứ  Độc ẩm nếu có, viết gì? Dù thân thiết, Thụy Kha cũng không thể chứng thực hơn được: “Viết gì thì tôi không nhớ, đại khái có buổi sáng, có cà phê (!)” “Cụ thể câu chữ thế nào?” “Chịu”.

Sau khi email đến một tờ báo kể về số phận cực kỳ long đong của bài thơ Bạch lộ tức Độc ẩm, khiến mọi người lại lao vào một mê lộ mới, địa bàn mãi tận hải ngoại, tác giả Sẹo độc lập rút cuộc rút lui khỏi giải và hiện trên đường tìm bằng chứng. Câu chuyện giải thưởng có vẻ đã xong nhưng chắc gì vụ đạo thơ lịch sử dừng ở đây.

Trong thư xin lỗi và xin trả lại giải thưởng, đoạn đề cập nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, Phan Huyền Thư viết: “Qua vụ việc trùng lặp nội dung giữa hai bài thơ, được biết chị đã có bề dày tác phẩm và tuổi nghề mà một hậu sinh như tôi không biết đến, đối với tôi, đó cũng là một niềm hổ thẹn, nhất là khi lại được biết đến chị trong tình huống trớ trêu này”. Có nghĩa bài thơ Buổi sáng cũng như tác giả của nó đều vô hình vô ảnh trước Thư? Còn lời xin lỗi dành cho độc giả, bạn bè và đồng nghiệp: “Tôi đã làm các bạn thất vọng khi ngay thời điểm hiện tại xảy ra những thắc mắc của công luận và tác giả Phan Ngọc Thường Đoan về bài thơ  “Bạch lộ”, tôi chỉ có các bản thảo cũ mà ngay lập tức chưa có đủ chứng cứ xuất bản, in ấn tại nước ngoài để chứng minh, bảo vệ cho giá trị hợp pháp của tác phẩm gốc được viết từ năm 1996 của mình”.  Tóm lại, chưa chắc Phan Huyền Thư đã đạo thơ?

MỚI - NÓNG