Phan Huyền Thư ghét phim “bô bô”

TP - Nghề chính của Phan Huyền Thư hiện là biên kịch, đạo diễn phim tài liệu, một công việc khá lặng thầm nhưng không ít vất vả, gian truân. Điều này dường như khác với một Phan Huyền Thư làm thơ, viết văn, ca hát, tham gia một số gameshow trên truyền hình… mà trước nay nhiều người từng biết đến.

Từ thơ chuyển sang phim tài liệu


Phan Huyền Thư đến với điện ảnh như một cơ duyên. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học xã hội nhân văn) năm 1993, Thư từng làm phóng viên văn hóa văn nghệ và cộng tác với rất nhiều tờ báo khác nhau. Tờ báo cuối cùng Thư làm việc là “Tạp chí Nghệ thuật thứ bảy” (nay là Thế giới Điện ảnh). 

Phan Huyền Thư ghét phim “bô bô” ảnh 1

Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng

Do đặc thù công việc, Thư quen rồi thân với các nghệ sĩ điện ảnh tài liệu như Lê Mạnh Thích, Trần Văn Thủy, Đào Trọng Khánh, Lâm Quang Ngọc…Sau một vài kịch bản và lời bình, Thư viết giúp cho một số đạo diễn làm bài tập tốt nghiệp, chị thấy phim tài liệu hấp dẫn mình. Vì thế chị đã quyết định rời bỏ nghề báo để về đầu quân cho Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương từ năm 1999 đến nay.

Từ khi “nhập môn”, Thư phải rất vất vả mới theo kịp cách thức viết kịch bản tại Hãng phim. Vốn xuất thân là người viết văn, làm thơ, làm báo…, nên cái máu sáng tác cá nhân mang tính tác giả khiến Thư không an phận ở người chỉ viết ra những trang kịch bản. 

Vì vậy, Thư muốn làm ra bộ phim của mình nên đã đi học đạo diễn ở Pháp. Sau khi học xong, có hai điều Thư tự đặt ra cho mình là sử dụng khuôn hình đặc trưng màn ảnh rộng của điện ảnh và không sử dụng lời bình như một thứ xương sống để tải hình ảnh mà chị gọi đó là radio phim hay phim “bô bô”. 

Thư lý giải: “Sở dĩ tôi làm vậy vì lâu nay phim tài liệu điện ảnh hay bị lẫn lộn với phóng sự, tài liệu truyền hình ở khuôn hình truyền hình và lời bình dày đặc. Hình ảnh ở truyền hình nhiều khi chỉ mang tính chất minh họa cho lời, trong khi phim tài liệu cần phải khác”. Chính nhờ hai nguyên tắc này mà phim của Thư luôn tạo cho người xem cảm giác chân thực, gần gũi, dung dị. Các nhân vật trong những bộ phim như Quyền được đi học; Cha mẹ xin lỗi con; Mẹ, con đã về; Người tôi cưu mang; Đằng sau sự sống… được thực sự kể câu chuyện của họ chứ không cần đạo diễn nhảy vào giữa phim “bô bô” kể hộ. 

Cuộc đời sau trang sách là bộ phim điển hình thể hiện rõ phong cách làm phim của Phan Huyền Thư. Chị đã cùng các nhân vật chính kết thân và trải qua gần 8 năm là bạn bè, chị em, đồng thời chia sẻ với nhau biết bao thăng trầm trong cuộc sống mới có thể cùng nhau thực hiện bộ phim. 

Đó là hình ảnh Nguyễn Sơn Lâm, một thanh niên bị di chứng chất độc da cam chỉ cao 90cm và liệt hai chân, nhưng đã tốt nghiệp hai bằng đại học và hiện là giám đốc một trung tâm đào tạo kỹ năng cho sinh viên. Nhờ tấm gương của thầy Nguyễn Ngọc Ký mà Nguyễn Minh Trí, một học sinh ở Thạnh Mỹ Tây (An Giang) khi sinh ra không có cánh tay đã không từ bỏ ước mơ đi học và học giỏi. Cô gái nhỏ Trần Thị Trà My bị liệt đôi chân và hai tay co rút đã có 10 năm viết sách và nhận được giải thưởng văn học ở tuổi 20.

 Nguyễn Thị Hồng, cô gái liệt ngậm bút tập viết bằng miệng ở Vĩnh Phúc đã làm hơn 300 bài thơ chan chứa tình người. Trong phim, thay vì thương hại những số phận không may mắn, người xem dành cho họ sự cảm phục thực sự vì đã làm được những điều mà nhiều người lành lặn không thể làm nổi. Cuộc đời sau trang sách đã giành giải thưởng Báo chí Quốc gia năm 2012.

Đàn bà lặn lội ra đảo


Tôi gặp Phan Huyền Thư tại Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương, nơi chị làm việc. Có dịp nói chuyện về phim, thấy Thư khá trầm tĩnh và chắc chắn, khác hẳn với sự năng động, đa năng mà tôi thường cảm nhận trước đó về chị. Tuy nhiên khi trò chuyện lâu hơn, mới thấy lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy này dường như là sự lựa chọn phù hợp hơn cả cho sự đa năng của Thư. 

Sau cuộc gặp trên, tôi có dịp xem thêm những bộ Thư đã làm. Bên cạnh một số bộ phim từng đoạt giải, có những bộ phim về chủ đề biển đảo của chị còn ít được nhắc tới. Khi gặp lại, nghe nhắc đến chuyện này, Thư cười, bảo: “Đây là một đề tài hay mà tôi ấp ủ từ lâu”. Rồi chị cho hay, nói về phận đàn bà lặn lội ra đảo thì từ năm 1993, Thư đã một mình chịu trận bão kinh hoàng ở Cát Hải cùng với các chiến sĩ, kỹ sư canh trạm điện tại đây khi lần đầu tiên điện về đến huyện đảo này. 

Với biển, ý tưởng của Thư có từ năm 2007. Vấn đề ban đầu chỉ là sự sống còn, bất an của người đi biển. Khi đặt chân đến mũi Cà Mau và đứng dưới bia tưởng niệm những người thiệt mạng từ cơn bão Lida năm 1995, rồi đến cơn bão Chan Chu diễn ra năm 2006 khiến nhiều gia đình ngư dân ở Thăng Bình (Quảng Nam) tan nát - Phan Huyền Thư đã muốn làm phim Thư gửi Lạc Long Quân. Đến khi có gặp những ngư dân Lý Sơn bị tàu Trung Quốc đâm nát, Thư tiếp tục có thêm những suy nghĩ khác và ấp ủ ý tưởng làm một bộ phim toàn cảnh về vấn đề biển Đông.

Phan Huyền Thư chính thức làm phim về biển đảo vào năm 2012 với bộ phim Biển thức, thể hiện thành tựu đáng tự hào của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel trong quá trình phủ sóng biển đảo trải dọc đất nước. Với khoảng cách hơn 200km phủ sóng từ đất liền và chạy dọc bờ biển, câu chuyện về các ngư dân, các chiến sĩ, những người gác hải đăng, xây trạm phát sóng…đều có những kỳ tích đáng khâm phục nhưng rất ít được biết đến. 

Nhưng trên hết, họ là những con người đang ngày đêm góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo trên lãnh hải biển Đông. “Khi làm phim, ấn tượng đặc biệt với tôi là câu chuyện của những ngư dân Lý Sơn bị tàu Trung Quốc tấn công năm 2010 đã thoát chết kỳ diệu trên biển nhờ sóng điện thoại của Viettel. Từ khi làm phim đến nay, chúng tôi vẫn giữ liên lạc và coi nhau như người thân trong gia đình”- đạo diễn Phan Huyền Thư chia sẻ.

Phan Huyền Thư ghét phim “bô bô” ảnh 2

Với phim Câu chuyện nhỏ trên biển lớn cũng là một kỷ niệm đặc biệt của Phan Huyền Thư với Trường Sa. Bộ phim lấy tứ từ một câu thơ “Mỗi số phận chứa một phần lịch sử” của Evgheni Evtusenco, khi khắc họa hình ảnh những con người trên một chuyến tàu ra thăm thân nhân ở Trường Sa. Mỗi người có một câu chuyện, một tâm trạng, một mơ ước và một nỗi đau rất riêng… Nhưng chính họ là những đại diện cho cả dân tộc này trên hành trình vươn ra biển lớn và nỗi niềm hướng ra biển đảo. 

Từ ý nghĩa thực tiễn này, đạo diễn Phan Huyền Thư và ê kip làm phim đã cố gắng tránh những lối mòn trước đó. Bởi từ rất lâu rồi, gần như tuyến câu chuyện của các chuyến tàu thăm thân hàng năm đều khai thác khá giống nhau: Tập trung lên tàu; xuống ca nô ra các đảo nhỏ; gặp các chiến sĩ tưới rau, luyện tập, thư giãn đọc sách, chơi guitare; ra về với những cánh tay vẫy chào tạm biệt… 

“Những hình ảnh xúc cảm đó bỏ cái gì cũng tiếc, nhưng nếu cứ giữ cả sẽ sa vào lối mòn. Bên cạnh đó, nếu không vén lên bức màn về cuộc đời, thân phận của chính những người đi trên chuyến tàu ra đảo ấy, người ta sẽ không thể thấy được sự hy sinh lớn lao đến thế nào trên đất liền cho các chiến sĩ được vững vàng tay súng nơi đầu sóng ngọn gió”- Phan Huyền Thư nói.

Khi được hỏi: “Là phụ nữ, hẳn việc làm phim ở Trường Sa của chị vất vả hơn cánh mày râu?”- Phan Huyền Thư trả lời: “Với tôi, việc đến với biển đảo như một cơ may, một niềm vinh hạnh nên không nói đến chuyện vất vả”. Rồi Thư kể câu chuyện cách đây hai năm, chị đã đầu tư tìm tư liệu để viết kịch bản Biển của người Việt nhằm khẳng định thuyết phục từ lâu hai quần đào Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Cuộc đời sau trang sách là bộ phim điển hình thể hiện rõ phong cách làm phim của Phan Huyền Thư. Chị đã cùng các nhân vật chính kết thân và trải qua gần 8 năm là bạn bè, chị em, đồng thời chia sẻ với nhau biết bao thăng trầm trong cuộc sống.

Thời điểm đó, đây là một trong số những bộ phim nói về chủ quyền biển đảo mạnh nhất từ trước đến nay. Sau khi kịch bản được duyệt, Thư chuẩn bị làm tiếp đạo diễn phim. Tuy nhiên, công việc này sau đó phải chuyển sang người khác vì Thư chuẩn bị sinh con. “Vì thiên chức làm mẹ nên tôi phải dừng lại” - Phan Huyền Thư nói với niềm tiếc nuối.

Phan Huyền Thư chia sẻ, đến nay chị vẫn giữ “tâm thế nước”, nghĩa là vẫn đang đau đáu làm phim về biển đảo. Trong năm nay, kịch bản Biển xanh màu lá do Thư viết kịch bản đã được duyệt. Bộ phim lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Xuân Thủy, một đồng nghiệp trẻ của Thư, nguyên là một người lính thông tin trên đảo Trường Sa.

Bên cạnh đó, ngay từ thời thực hiện bộ phim Câu chuyện nhỏ trên biển lớn, Thư cũng ấp ủ làm bộ phim về trận hải chiến trên đảo Gạc Ma, nên nay chị đã viết kịch bản phim Vòng tròn bất tử. “Hy vọng nếu hai kịch bản được duyệt, tôi sẽ tiếp tục được làm đạo diễn để có dịp trở lại Trường Sa”- Phan Huyền Thư nói.

Phan Huyền Thư ghét phim “bô bô” ảnh 3 Đạo diễn Phan Huyền Thư và các ngư dân đảo Lý Sơn trong phim Biển thức

Người đa năng

Bên cạnh việc làm phim, Phan Huyền Thư vẫn thể hiện sự đa năng của mình khi tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau. Bữa gặp nhau gần đây, Phan Huyền Thư cho biết mình vừa ở Thành phố Hồ Chí Minh ra sau khi đã hoàn thành một số tập của chương trình Giai điệu tự hào (phát sóng trên VTV1) do chị là tác giả kịch bản. 

“Chúng tôi vừa thực hiện xong chủ đề Xa khơi, những giai điệu tự hào của biển Việt Nam sẽ phát sóng vào cuối tháng 7 này. Xa khơi chuyển tải thông điệp: Cho dù bao thăng trầm của lịch sử, bao biến thiên trời đất, ngay cả không chỉ có một lần đất nước bị chia cắt thì biển Việt Nam vẫn chỉ có một... 

Tiếp đó, chương trình Tình ta biển bạc đồng xanh gồm những bài song ca hay nhất của thế kỷ 20 sẽ lên sóng vào cuối tháng 8” - Phan Huyền Thư cho biết. 

Rồi chị chia sẻ thêm: Cá nhân tôi cho rằng biên độ của niềm tự hào thường gắn với chất bi hùng nhiều hơn là sự hoan hỉ. 

MỚI - NÓNG