Phan Huyền Thư thèm được biến mất

Phan Huyền Thư thèm được biến mất
"Tôi không tin việc thu mình lại, ít lao động hơn và giả vờ chín chắn sẽ cải thiện cảm tình của độc giả với mình. Nhưng quả thực, tôi đang thèm được biến mất...", Phan Huyền Thư nói.
Phan Huyền Thư thèm được biến mất ảnh 1

Là con gái của nghệ sĩ Thanh Hoa và nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, Phan Huyền Thư được coi là có xuất phát điểm lý tưởng để vào đời. Nhưng cũng chính vì sinh ra trong một gia đình toàn nghệ sĩ nên chị lúc nào cũng có cảm giác mình bị chìm nghỉm, mất hút... Phải chăng vì thế mà chị luôn muốn gây dấu ấn của mình trong mọi lĩnh vực.

Sáng tác thơ, viết kịch bản phim, từng cộng tác viết cả giao hưởng... Chị còn định thử sức ở những lĩnh vực nào nữa?

- Tôi là người hiểu mình, biết mình là ai, đang ở đâu và mình muốn gì, nên làm gì... Tham vọng không phải là tiêu chuẩn để nhìn nhận về một con người. Hãy nhìn vào những gì anh ta đóng góp cho cuộc sống. Hãy nhìn vào những giá trị mà anh ta mang đến cho mọi người.

Trong một tổng thể cuộc sống mà chúng ta nhìn thấy ở đó không ít những nhầm lẫn và ảo tưởng, tôi nghĩ, những tác phẩm cụ thể có sức thuyết phục hơn nhiều những ngộ nhận hay lời dèm pha.

Có người nói chị là "không tuần chay nào không có nước mắt", chị nghĩ sao?

- Tôi cũng tự mỉa mai mình như vậy từ lâu rồi. Thẳng thắn mà nói, tôi không thích xuất hiện. Tạng của tôi là làm việc độc lập, yên tĩnh. Thực ra, tôi không biết thế nào là không nên. Sự hoạt động trên nhiều lĩnh vực hay sự xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ làm hình ảnh của mình xấu đi?

Tôi không tin việc thu mình lại, ít lao động hơn và giả vờ chín chắn sẽ cải thiện cảm tình của độc giả với mình. Nhưng quả thực, tôi đang thèm được biến mất trong một khoảng thời gian để tích luỹ và thư giãn sau khi đã làm việc khá căng.

Việc xuất hiện nhiều trước công chúng của chị khiến nhiều người nghĩ là chị háo danh. Chị cảm thấy thế nào?

Tôi nghĩ những việc tôi làm đều không quá tệ để mọi người phải kêu ca. Các phương tiện truyền thông, bản thân nó là con dao hai lưỡi, ham hố chạy theo nó thì cũng có ngày mọi khiếm khuyết ngu dốt của mình phơi bày trên mặt báo.

Tôi đã tự khẳng định được mình trước khi "tuần chay nào cũng có nước mắt" như hiện nay. Với lại, nếu tôi kiên quyết từ chối xuất hiện thì đã chẳng có cuộc trò chuyện này.

Nếu bạn là người có chính kiến, có lòng tự trọng, không làm điều gì xấu thì tại sao lại phải chạy trốn báo chí hoặc giả vờ khiêm tốn... Tôi sẽ thẳng thắn với công luận cho đến khi cảm thấy phải dừng lại.

Đa mang nhiều nghề như thế, vậy hiện giờ, thơ đối với chị như thế nào?

Tôi làm nhiều công việc khác nhau chứ không làm nhiều nghề khác nhau. Nghề nghiệp khai trong lý lịch tự thuật của tôi lúc nào cũng là biên kịch phim tài liệu.

Sự xuất hiện của tôi trong nhiều lĩnh vực lại khiến người ta nhớ đến tôi nhiều hơn với cương vị nhà thơ và tôi thật sự hạnh phúc vì phần thưởng đó. Quan điểm về thơ của tôi không có gì đặc biệt, "Thơ là nghệ thuật bậc cao của ngôn từ".

Chị từng nói cuộc sống hiện nay là "đồng sàng dị mộng", hai nửa không còn là một mà tồn tại song hành. Chị có thể nói rõ hơn?

Trong hoàn cảnh hiện đại, khi cái tôi ngày càng có nhu cầu mạnh mẽ được khẳng định thì việc thu xếp một trật tự tình cảm mang tính tương đối, hai thế giới riêng biệt được đặt cạnh nhau một cách tự nguyện và hài hoà có lẽ văn minh hơn chuyện sở hữu, chiếm đoạt, giam giữ nhau trong một khái niệm nghe rất "mị" là "thuộc về nhau".

Tôi thấy sợ sự tuyệt đối hoá ấy, nó có vẻ mất nhân quyền và thiếu tôn trọng người khác.

Làm việc nhiều, luôn mất ngủ. Vậy thời gian dành cho gia đình của chị?

Ngoài những lúc làm việc, tôi thuộc về gia đình và cũng vì gia đình mà tôi làm việc nhiều đến như vậy. Trước đây, khi còn độc thân, tôi ngủ nhiều hơn, đi chơi và hưởng thụ nhiều.

Bây giờ, làm việc gì cũng nghĩ, trước tiên là để cho con cái sau này không thấy xấu hổ vì mẹ, chồng không ngượng vì vợ. Thời gian của tôi là của gia đình. Nếu không phải vậy, tôi sẽ bỏ đi lang thang vài năm, tôi thèm như vậy lắm.

Chị quan niệm thế nào về hạnh phúc gia đình?

Không ấp trứng sẽ không thể thành gà con.

Đọc "Những cô nàng chân cong váy ngắn/ Loé xoé tiếng địa phương/ Khen nhau cố hớp giọng thị thành"... hay những câu trong "Thị mầu" thấy chị thật ghê gớm và đanh đá. Chị luôn khắt khe khi nhìn người khác?

Ghê gớm và đanh đá là khái niệm khác hẳn với khe khắt đấy nhé. Tôi là người duy mỹ, cầu toàn, hay thất vọng.

Vậy ở bên ngoài thơ, nếu để tự nhận xét về mình, chị sẽ nói gì?

Thích áo gấm đi đêm.

Không chỉ đanh đá, thơ chị lúc nào cũng buồn, nếu không muốn nói là buồn tê tái. Vì sao vậy?

Tôi đã viết: "Giọt nước mắt vô nghĩa, giọt mồ hôi đú đởn và nỗi buồn lợm giọng...". Buồn là tấm biển đường một chiều, thấy toàn người đi vào mà chẳng thấy đi ra. Tôi đã đi mãi đường Buồn để đến với đại lộ thi ca.

Chị đang ấp ủ một vở opera ballet rock hiện đại, một cuốn sách song ngữ, một tập thơ mới, một bộ phim... Sao nhiều dự định đến vậy?

Tôi có nhiều việc phải làm không tiện khoác lác ra đây, chỉ mong mọi người đừng thấy tôi "tuần chay nào cũng có nước mắt" mà ghét. Suy cho cùng, tôi lao động thật sự và nghiêm túc, không hại ai, chỉ mong mang đến cho cuộc sống này những cống hiến của mình mà thôi.

Theo Thể thao Ngày nay

MỚI - NÓNG